Thứ Sáu, 31/05/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Tạo sức bật cho Sóc Trăng ‘vươn ra’ biển lớn

Trung Chánh

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) – Quy hoạch tỉnh Sóc Trăng thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 nhấn mạnh đến việc xây dựng địa phương trở thành cửa ngõ chính hướng ra biển Đông của vùng Đồng bằng sông Cửu Long, là trung tâm đầu mối về nông – công nghiệp, dịch vụ và logistics. Trong nỗ lực phát huy thế mạnh, Sóc Trăng sẽ ưu tiên thu hút đầu tư và tập trung cho nguồn lực nào để tạo sự trong thời gian sắp tới?

Kinh tế tỉnh Sóc Trăng ngày càng phát triển. Trong ảnh là một góc thành phố Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng.

Mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành quyết định phê duyệt quy hoạch tỉnh Sóc Trăng thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Trong đó, mục tiêu hàng đầu là đến năm 2030, Sóc Trăng trở thành một trong những tỉnh phát triển khá của ĐBSCL; có công nghiệp, thương mại, dịch vụ phát triển, nông nghiệp hiện đại và bền vững. Đặc biệt, hình thành cảng biển ngoài khơi cửa Trần Đề và có hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, từng bước hiện đại…

Để hiện thực hóa được các mục tiêu đề ra của địa phương, giúp thúc đẩy phát triển kinh tế cho cả ĐBSCL, động lực quan trọng được xác định đó là “mở đường” vươn ra biển lớn.

Cảng nước sâu – động lực phát triển kinh tế vùng

Cao tốc Châu Đốc – Cần Thơ – Sóc Trăng dài hơn 188 km, đi qua 4 tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long, tổng mức đầu tư gần 44.700 tỉ đồng được khởi công giữa tháng 6. Trong đó, có 26 km đường cao tốc và điểm cuối giáp với Quốc lộ Nam Sông Hậu thuộc huyện Trần Đề. Trong khi đó, cảng biển nước sâu Trần Đề vừa được Chính phủ quy hoạch, tiềm năng trở thành cảng biển đặc biệt, đảm nhận vai trò cảng cửa ngõ của vùng đồng bằng sông Cửu Long.

Theo quy hoạch, diện tích khu cảng biển nước sâu Trần Đề khoảng 550ha, với cầu cảng vượt biển dài 16km. Cảng có thể tiếp nhận tàu tổng hợp, tàu chuyên container tải trọng 100.000 DWT hoặc lớn hơn, tàu hàng rời 160.000 DWT. Dự kiến sẽ thu hút hàng xuất nhập khẩu trực tiếp từ các cảng thuộc vùng sông Hậu và bán đảo Cà Mau, với khoảng 10 triệu – 11,2 triệu tấn/năm, hàng container từ Campuchia thông qua khoảng 529.000 TEUs/năm…

Các công trình hạ tầng nêu trên sau khi được xây dựng hoàn thiện sẽ đáp ứng nhu cầu luân chuyển hàng hóa, xuất khẩu hàng hóa, nông sản của cả khu vực đồng bằng sông Cửu Long. Đồng thời, là cửa ngõ quốc tế phục vụ phát triển kinh tế – xã hội và đảm bảo an ninh – quốc phòng của vùng.

Ông Trần Văn Lâu, Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng, dẫn chứng Nghị quyết số 13-NQ/TW ngày 2-4-2022 của Bộ Chính trị và Nghị quyết số 78/NQ-CP ngày 18-6-2022 của Chính phủ về phương hướng phát triển kinh tế- xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng ĐBSCL đã xác định “đến năm 2030 phát triển cảng Trần Đề thành cảng đặc biệt và cửa ngõ vùng”.

Công nghiệp là một trong những lĩnh vực được Sóc Trăng kêu gọi đầu tư theo hướng xanh, bền vững. Trong ảnh là khu công nghiệp An Nghiệp.

Chủ tịch tỉnh Sóc Trăng cũng cho biết Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định số 886/QĐ-TTg ngày 24-7-2023 phê duyệt kế hoạch, chính sách, giải pháp và nguồn lực thực hiện quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam. Trong đó, xác định một trong những nhiệm vụ phát triển kết cấu hạ tầng hàng hải là kêu gọi đầu tư khu bến cảng Trần Đề giai đoạn khởi động với nhu cầu vốn là 50.000 tỉ đồng.

“Những định hướng và chủ trương nêu trên đã khẳng định cơ sở pháp lý quan trọng để hình thành cảng biển Trần Đề với vai trò là cảng cửa ngõ cho vùng ĐBSCL”, ông Lâu nhấn mạnh và cho rằng, đây sẽ là “mảnh ghép” hoàn hảo, giúp đồng bộ hạ tầng giao thông, trực tiếp thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội của địa phương nói riêng và vùng ĐBSCL nói chung.

Đi cùng các dự án trọng điểm là sự phát triển của hệ thống kho bãi, dịch vụ, hậu cần, hệ thống logistics và sự phát triển của khu công nghiệp Trần Đề, khu thương mại kinh tế biển Trần Đề… sẽ tác động lớn và mở ra không gian phát triển mới. Địa phương sẽ tiếp tục phát huy lợi thế có cảng biển, đường cao tốc để phát triển mạnh mẽ lĩnh vực công nghiệp và dịch vụ, nâng cao đời sống của người dân. Tỉnh đang khẩn trương hoàn thành, trình phê duyệt các quy hoạch cụ thể hóa để kêu gọi đầu tư cảng biển Trần Đề.

Sóc Trăng kêu gọi đầu tư cảng Trần Đề thành cảng cửa ngõ, tạo động lực phát triển kinh tế cho cả ĐBSCL.

Để hỗ trợ thúc đẩy phát triển cảng Trần Đề, quy hoạch tỉnh Sóc Trăng cũng đưa phương án phát triển mạng lưới giao thông. Theo đó, với đường bộ quốc gia, quy hoạch xác định thực hiện các dự án, bao gồm cao tốc Châu Đốc – Cần Thơ – Sóc Trăng; cao tốc TPHCM- Tiền Giang – Bến Tre – Trà Vinh – Sóc Trăng; cao tốc Hà Tiên – Rạch Giá – Bạc Liêu; quốc lộ 1; 60; 61B; 91B (đường Nam sông Hậu); đường Quản Lộ – Phụng Hiệp; đường bộ ven biển.

Với đường thủy nội địa, đầu tư phát triển hạ tầng đường thủy phù hợp với quy hoạch ngành quốc gia và quy hoạch vùng. Hình thành các tuyến vận tải thủy liên tỉnh, liên huyện (các tuyến giao thông vận tải đường thủy nội địa thuộc tỉnh quản lý, khai thác đảm bảo từ cấp III đến cấp VI), bao gồm tuyến cửa Định An- Campuchia, tuyến duyên hải TPHCM – Cà Mau, tuyến Cần Thơ – Cà Mau… Bên cạnh đó, hình thành 3 tuyến vận tải thủy nội địa địa phương, gồm Kế Sách – Châu Thành – Mỹ Tú; Long Phú – Trần Đề – Vĩnh Châu và tuyến Thị xã Ngã Năm – Mỹ Tú – Thạnh Trị – Mỹ Xuyên.

Đối với hàng không, nghiên cứu phát triển sân bay chuyên dùng có tiềm năng tại Trần Đề để phục vụ nhu cầu bay cá nhân, du lịch, cứu hộ cứu nạn…

Hệ sinh thái công – nông nghiệp và dịch vụ bền vững

Quy hoạch tỉnh Sóc Trăng cũng đề ra định hướng phát triển các ngành kinh tế chủ lực của địa phương, bao gồm nông nghiệp, công nghiệp và dịch vụ.

Theo đó, với nông nghiệp định hướng thu hút đầu tư phát triển của Sóc Trăng theo hướng xanh, bền vững, hiện đại gắn với chương trình xây dựng nông thôn mới, đáp ứng các yêu cầu thị trường trong và ngoài nước. Hình thành vùng chuyên canh các mặt hàng chủ lực, thế mạnh của tỉnh với quy mô thích hợp.

Ứng dụng khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số vào sản xuất nông, lâm nghiệp và nuôi trồng, khai thác, đánh bắt thủy, hải sản; cải tiến, phát triển giống cây trồng, vật nuôi, thủy sản thích ứng với biến đổi khí hậu, điều kiện thổ nhưỡng và nhu cầu của thị trường. Phát triển chuỗi giá trị các sản phẩm nông nghiệp chủ lực của tỉnh gắn với công nghiệp chế biến và năng lượng; tiếp tục đẩy mạnh phát triển các sản phẩm OCOP; xây dựng, định vị thương hiệu nông sản chủ lực của tỉnh; phát triển đa dạng các thị trường tiêu thụ; kết hợp du lịch.

Với ngành công nghiệp, phát triển theo hướng xanh, có sức cạnh tranh cao, tạo bước đột phá để nâng cao năng suất, tăng nhanh tỷ trọng đóng góp của công nghiệp chế biến, chế tạo giá trị gia tăng cao. Trong đó, phát triển ngành công nghiệp chế biến, chế tạo trở thành một trụ cột chính trong nền kinh tế. Đa dạng hóa các ngành công nghiệp, nhất là công nghiệp phụ trợ; phát triển công nghiệp năng lượng thân thiện với môi trường và các ngành công nghiệp gắn với kinh tế biển.

Trong khi đó, với ngành dịch vụ, phát triển nhanh, đa dạng các loại hình dịch vụ; các sản phẩm dịch vụ chất lượng cao, có giá trị gia tăng lớn theo hướng hiện đại nhằm đáp ứng tốt cung cầu của thị trường. Dịch vụ logistics sẽ được thúc đẩy thành ngành kinh tế quan trọng của tỉnh; hình thành các trung tâm logistics có khả năng tiếp nhận và trung chuyển hàng hóa, kết nối các tỉnh thuộc ĐBSCL với cả nước và thị trường thế giới.

Phát triển hạ tầng thương mại, ưu tiên các hạ tầng thương mại có tính lan toả, tác động mạnh đến hỗ trợ sản xuất lưu thông. Tập trung phát triển hạ tầng logistics, nhất là hạ tầng giao thông vận tải, hạ tầng kho bãi và ứng dụng công nghệ mới trong logistics, ưu tiên đầu tư tại cảng biển Trần Đề.

Tăng cường thực hiện các giải pháp ứng dụng công nghệ thông tin, đẩy mạnh thương mại điện tử; tích cực, chủ động hội nhập kinh tế quốc tế và đa dạng hóa thị trường xuất khẩu.

Phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng với các sản phẩm du lịch chủ lực và sản phẩm du lịch bổ sung, theo định hướng xanh và bền vững. Bên cạnh đó, đa dạng hóa các loại hình dịch vụ có giá trị gia tăng cao như: dịch vụ logistics, tài chính, ngân hàng, bảo hiểm, công nghệ thông tin và truyền thông, y tế, giáo dục kỹ năng và đào tạo nghề.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới