Thứ Hai, 13/05/2024
32 C
Ho Chi Minh City

TBKTSG số 38-2011: Giữ hay bỏ Luật Đầu tư?

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

TBKTSG số 38-2011: Giữ hay bỏ Luật Đầu tư?

Xuân Trí

TBKTSG số 38-2011: Giữ hay bỏ Luật Đầu tư?Thời báo Kinh tế Sài Gòn số 38-2011 ra ngày thứ Năm 15-9 có những nội dung chính:

Qua sáu năm thực thi, Luật Đầu tư đã bộc lộ hàng loạt bất cập và đây có lẽ không còn là chuyện tranh cãi. Tuy nhiên, việc nên xử lý như thế nào với bộ luật này vẫn còn nhiều quan điểm khác nhau. Sự kiện & Vấn đề tuần này phản ánh những bất cập của Luật Đầu tư trong quá trình thực thi, đồng thời ghi nhận ý kiến của nhiều chuyên gia về vấn đề nên giữ hay bỏ luật này.

Trong mục Ghi nhận, bài Nhìn cận cảnh các tập đoàn kinh tế của phóng viên Tư Giang phản ánh hiệu quả kinh doanh của khối doanh nghiệp nhà nước. Ngoài bốn doanh nghiệp dự kiến lỗ tổng cộng hơn 16.500 tỉ đồng, tỷ lệ lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu của hầu hết đơn vị đều giảm sút so với năm 2010. Còn những doanh nghiệp dự kiến có mức tăng doanh thu 20-50% so với năm 2010 thì chủ yếu nhờ vào giá cả thế giới tăng.

Trong mục Kinh tế đối ngoại, bài Làm ăn với Trung Quốc: có thể biến nguy thành cơ? của phóng viên Sơn Nghĩa phản ánh thực trạng quan hệ thương mại giữa Việt Nam và Trung Quốc. Theo nhiều chuyên gia, nếu không có những chiến lược đột phá ở tầm quốc gia, Việt Nam khó có thể cải thiện được mức thâm hụt thương mại trong nhiều năm qua.

Tập đoàn Điện lực Việt Nam lại vừa đề nghị được tăng giá bán điện và tăng ngay trong tháng 9 này. Bài Đừng thêm dầu vào lửa! của phóng viên Tấn Đức trong mục Trên đường phát triển phản ánh những nhược điểm và bất cập của ngành điện hiện nay. Theo tác giả, nếu việc áp dụng cơ chế giá điện theo thị trường mà không kèm theo những giải pháp nhằm khắc phục những nhược điểm nảy sinh trong môi trường kinh doanh độc quyền thì sẽ thật tai hại.

Trong mục Nhật ký trực tin, bài Tái cấp vốn: người thèm, kẻ chê của phóng viên Hải Lý ghi nhận những bước đi cụ thể trong việc đảm bảo được nguồn và cung cầu vốn trên thị trường của Ngân hàng Nhà nước trong những ngày đầu đồng loạt áp trần lãi suất huy động; vấn đề quản lý tín dụng ngoại tệ.

Trong mục Tài chính – Chứng khoán, đáng chú ý là bài Robin Hood tiền tệ của phóng viên Hải Lý, ghi lại ý kiến của ông Fiachra Mac Cana, Giám đốc điều hành bộ phận Nghiên cứu của Công ty Chứng khoán TPHCM, về vấn đề lãi suất, tỷ giá trong thời gian gần đây. Ông Cana cho rằng chính sách tiền tệ đang đi đúng hướng.

Bài Bán khống nguy hiểm hơn đòn bẩy tài chính của phóng viên Hải Lý ghi nhận ý kiến của ông Vũ Bằng, Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, trao đổi về bài Bán khống: cơ quan quản lý ở đâu? đăng trên TBKTSG số ra tuần trước. Ông cho biết ủy ban kiên quyết chống bán khống.

Bài Sức khỏe doanh nghiệp nhìn từ chuyện tăng thu của phóng viên Ngọc Lan ghi nhận ý kiến của một số chuyên gia trong việc nhận diện rõ tình hình sức khỏe doanh nghiệp hiện nay, khi tình hình thu ngân sách từ đầu năm đến nay vẫn khả quan, nhất là các nguồn thu liên quan trực tiếp đến hoạt động của doanh nghiệp.

Theo quy hoạch của Bộ Công thương năm 2010, dự kiến sẽ có 1.021 công trình thủy điện được xây dựng. Bài Phát triển thủy điện và nỗi lo về tài nguyên nước của tác giả Đào Trọng Tứ trong mục Tài nguyên phản ánh bức tranh thủy điện ở Việt Nam và những hệ lụy.

Ở nhiều dự án thực hiện theo hợp đồng EPC, các nhà thầu Trung Quốc thường đưa vào Việt Nam cả nguyên vật liệu, trang thiết bị và lao động phổ thông. Vô hình trung, điều này khiến Việt Nam đã tạo công ăn việc làm và GDP cho Trung Quốc, làm gia tăng nhập siêu… Bài Hợp đồng EPC và lạm phát của tác giả Lưu Đức Hoàng trong mục Đầu tư phản ánh và đưa ra một số giải pháp cho vấn đề này.

Trong mục Kinh tế thế giới, bài Khủng hoảng nợ châu Âu: lung lay các ngân hàng Pháp của tác giả Huỳnh Hoa phản ánh những diễn biến mới nhất của cuộc khủng hoảng nợ công ở châu Âu.

Kính mời bạn đọc đón xem.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới