(KTSG Online) - Không ai muốn thế giới của mình trở thành một thế giới làm bằng túi nylon. Để góp phần ngăn điều này xảy ra, người Việt chúng ta hãy bắt đầu bằng cách chấm dứt thói quen lạm dụng túi nylon.
Bảy giờ rưỡi sáng mua tô mì hoành thánh: một túi nylon nhỏ đựng ớt xắt, một túi nylon nhỏ đựng dấm, một túi nylon vừa đựng nước lèo, một hộp nhựa tròn đựng mì và hoành thánh; tất cả chứa trong một túi nhựa xốp lớn.
Chín rưỡi sáng đi chợ: thịt, cá, rau sống, cà rốt, khoai tây, bí đao, hành, hẹ, xà lách…, mỗi thứ đều đựng trong ít nhất một túi nhựa xốp. Hai giờ chiều đi siêu thị: một hộp phô mai và một hộp bánh đựng chung trong một túi nhựa xốp có logo của siêu thị. Bốn giờ chiều nhận hàng gửi từ anh xe ôm công nghệ: nhận thêm mấy lớp nylon gói hàng. Chín giờ tối mua trứng vịt lộn cho đứa cháu: lại nhận thêm hai túi nữa. Mười giờ tối đi đổ rác: tất cả đồ dư thừa trong ngày đựng trong một túi nhựa xốp lớn.
Bên trên là một trang nhật ký tưởng tượng của một thị dân người Việt ghi lại các “cơ hội” trong một ngày người này tiếp xúc với bao bì bằng nylon hay nhựa xốp. Và không chỉ có thị dân, gần như người Việt nào cũng đều có những “cơ hội” như vậy – không ít thì nhiều – trong ngày, ngày nào cũng thế.
Có thể nói, thế giới chúng ta đang sống – bên cạnh chiếc xe chúng ta đi, Internet chúng ta dùng, côn trùng, những nỗi lo và những giấc mơ – còn làm bằng những chiếc túi nylon!
Con người sinh ra, lớn lên, già bệnh rồi chết. Còn những chiếc túi nylon đó đi đâu? Phần lớn kết liễu cuộc đời trong thùng rác trước khi được chở đến “chốn vĩnh hằng” là các bãi chôn rác. Một số, cũng không nhỏ lắm, chưa chịu vào ngay các bãi rác mà bay vất vưởng như các oan hồn trên hè phố, trên những chiếc cầu nối quận này với quận kia mà chẳng ai chịu trách nhiệm về vệ sinh. Một phần trong các “oan hồn bằng nhựa” này tiếp tục cuộc phiêu lưu trôi dạt trên sông nước, trước khi tìm được đường ra biển lớn – các đại dương.
Người Việt có tuổi thọ trung bình hơn 73 năm (dù chỉ sống khỏe đến năm 64 tuổi)(1). Sau đó, thì cần vài chục năm nữa để xem như thực sự “về với cát bụi”. Phần lớn các túi nhựa và nylon chúng ta vất đi “sống lâu” hơn chúng ta nhiều, ít nhất cũng vài trăm năm. Nghĩa là với “cường độ” dùng túi nylon của người Việt hiện nay, ngày càng có nhiều túi nylon trong các bãi chôn rác và trên biển cả.
Có phải túi nylon (xem như đại diện cho tất cả các loại nhựa chúng ta dùng hằng ngày) là “một phần tất yếu của cuộc sống” như thức ăn, như nước uống? Không hoàn toàn là như vậy. Chúng ta vẫn sẽ sống, sẽ tồn tại nếu dùng ít túi nylon hơn. Không ai tranh cãi rằng túi nylon mang đến tiện lợi cho đời sống con người. Nhưng tiện lợi đó không có nghĩa là người Việt cứ lạm dụng nó một cách thoải mái.
Cứ nhìn cách chúng ta dùng túi nylon hiện nay thì rõ. Có cơ hội nào mà người Việt không dùng ít nhất một túi nylon khi mua một món hàng gì đó? Sự tiện dụng dần dà biến thành thói quen xấu khó bỏ. Mua gì, bán gì cũng phải có túi nylon.
Thói quen đó đã làm thất bại nhiều cố gắng giảm bớt việc lạm dụng túi nylon của người Việt. Về phía chính quyền, thuế đánh trên túi nylon cho đến nay xem như cũng chẳng đi đến đâu. Về phía các doanh nghiệp, như các siêu thị chẳng hạn, cũng có thời gian vận động khách hàng dùng túi vải để đựng đồ mình mua, nay xem ra thất bại hoàn toàn vì không thể thuyết phục người mua. Còn về phía nhiều người dân, nếu không nói là đa số, thì thói quen lạm dụng túi nylon chẳng khác nào một loại chất gây nghiện.
Có cách nào chúng ta có thể làm khác đi? Người viết cho rằng nếu có quyết tâm chúng ta sẽ làm được.
Chúng ta có thể bắt đầu bằng cách từ chối bớt các “cơ hội” dùng bao nylon. Trước hết, từ phía người tiêu dùng. Thay vì đòi phải có túi nylon khi mua một món gì đó, hãy từ chối một chiếc túi như vậy khi không cần thiết.
Về phía doanh nghiệp, thay vì dùng túi nylon – dù có tự hủy hay không – hãy chọn phương án khác có lợi hơn cho môi trường khi có thể, như bao bì bằng giấy chẳng hạn. Hãy thuyết phục khách hàng đồng hành với mình trong cuộc chiến chống bao nylon này vì sẽ mang lại lợi ích cho tất cả các bên. Nhưng nếu chỉ một doanh nghiệp thực hiện sẽ khó thành công. Cuộc chiến đó chỉ thắng lợi khi cả cộng đồng doanh nghiệp bắt tay cùng làm.
Và đây chính là chỗ cần đến vai trò của Nhà nước: chính sách, vận động, kết nối.
Nếu xã hội đồng lòng – từ người dân, doanh nghiệp đến các chính quyền – chắc chắn tình hình lạm dụng túi nylon sẽ được cải thiện.
Tháng 7 năm ngoái, Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam (WB) ra thông cáo cho biết phần lớn chất thải nhựa làm ô nhiễm sông và biển của chúng ta là đồ nhựa dùng một lần, như túi ny lông, hộp đựng thực phẩm và ống hút(2). Thông cáo cho rằng “tăng trưởng kinh tế, quá trình đô thị hóa với tốc độ nhanh cũng như thay đổi lối sống ở Việt Nam đã dẫn đến cuộc khủng hoảng ô nhiễm nhựa như hiện nay”.
Theo thông cáo trên của WB, Việt Nam có khoảng 3,1 triệu tấn chất thải nhựa trên đất liền và ít nhất một phần 10 số này “đổ ra đại dương mỗi năm”. Con số đó sẽ tăng gấp đôi vào năm 2030 nếu quy trình thu gom, tái chế chất thải hiện nay không thay đổi.
Thông cáo viết tiếp, để giải quyết tình trạng này, Việt Nam cần cắt giảm các sản phẩm nhựa theo giai đoạn, đồng thời khuyến khích sử dụng các sản phẩm thay thế và cải thiện hệ thống quản lý chất thải rắn.
Theo WB, kinh nghiệm quốc tế chỉ rõ lợi ích của nỗ lực loại bỏ dần đồ nhựa dùng một lần lớn hơn chi phí cần có. Vấn đề nằm ở chỗ phải thực hiện từng giai đoạn để giảm bớt thiệt hại cho người sản xuất và các biện pháp khuyến khích người tiêu dùng và doanh nghiệp thay đổi hành vi(3).
Theo đó, Việt Nam nên bắt đầu bằng cách hạn chế sử dụng đồ nhựa dùng một lần trong các cửa hàng ăn uống và cơ sở lưu trú, thuế cao hơn đánh lên túi nylon không tự phân hủy và cốc cà phê mang đi.
Gần một năm đã trôi qua từ thông cáo này của WB. Chúng ta đã làm gì?
Chủ nhật tuần rồi, ngày 4 tháng 6, báo mạng VnExpress dẫn nguồn báo South China Morning Post "phản ảnh vịnh Hạ Long đẹp nhưng đầy rác, để lại nhiều tiếc nuối với du khách”(4).
Không ai trong số chúng ta muốn thế giới của mình làm bằng túi nylon. Chúng ta phải ngăn điều này không xảy ra. Hãy bắt đầu bằng việc chấm dứt thói quen lạm dụng túi nylon. Nhiều thói quen dễ hình thành, khó sửa. Nhưng không phải là không sửa được. Thói quen với túi nylon cũng vậy.
-------------
(4)https://vnexpress.net/vinh-ha-long-day-rac-tren-bao-nuoc-ngoai-4613363.html