Thứ Bảy, 11/05/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Thẻ vàng cho ngành thủy sản, thách thức hay cơ hội?

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Thẻ vàng cho ngành thủy sản, thách thức hay cơ hội?

Yên Minh

(TBKTSG Online) – Một trong những sự kiện nóng trong lĩnh vực xuất khẩu thủy sản những ngày gần đây là việc Ủy ban châu Âu (EC) đưa ra thẻ vàng đối với hoạt động khai thác thủy hải sản trong nước.

Thẻ vàng cho ngành thủy sản, thách thức hay cơ hội?
Hải sản khai thác biển đã bị EC "giơ" thẻ vàng.

Lý do EC đưa ra lời cảnh báo nói trên là do Việt Nam đã hành động không đủ để chống lại nạn đánh bắt thủy hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU).

Thời gian cảnh báo thẻ vàng là sáu tháng (từ ngày 23-10-2017 đến 23-4-2018). Sau khoảng thời gian này, khi đoàn kiểm tra của Tổng vụ các vấn đề về biển và thủy sản thuộc EC (DG-MARE) đưa ra kết luận, sẽ có ba khả năng xảy ra. Thứ nhất, Việt Nam triển khai đầy đủ, toàn bộ các quy định của Liên minh châu Âu (EU) với các minh chứng cụ thể thì tình trạng cảnh báo thẻ vàng sẽ được dỡ bỏ.

Thứ hai, nếu việc triển khai các quy định của EU về IUU có tiến bộ, EC có thể gia hạn để hoàn thiện các nội dung còn thiếu. Và khả năng thứ ba, cũng là tình huống xấu nhất, Việt Nam không thực hiện hoặc triển khai không hiệu quả các quy định, tổ chức này sẽ đưa ra thẻ đỏ, khi đó lệnh cấm xuất khẩu hải sản khai thác từ Việt Nam vào thị trường EU sẽ được áp dụng.

Không chỉ riêng EU, Mỹ cũng đưa ra quy định liên quan đến IUU trong việc giám sát sản phẩm hải sản nhập khẩu. Chương trình Giám sát nhập khẩu thủy sản vào Mỹ (SIMP) sẽ có hiệu lực từ ngày 1-1-2018

Trao đổi với báo giới, ông Nguyễn Ngọc Oai, quyền Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn(NN&PTNT), cho biết thẻ vàng của EC chỉ áp dụng với sản phẩm khai thác trên biển, không áp dụng cho sản phẩm thủy sản từ nuôi trồng. Vì vậy, hoạt động xuất khẩu thủy sản nuôi trồng vẫn diễn ra bình thường.

Tuy nhiên, lời cảnh báo nói trên cũng sẽ có những tác động nhất định như các lô hàng bị tăng tần suất kiểm tra hồ sơ nguồn gốc sản phẩm khai thác (có thể lên đến 100%), dẫn đến thời gian lưu kho tăng, phát sinh chi phí kiểm tra, chi phí lưu kho đối với doanh nghiệp Việt Nam xuất khẩu vào thị trường EU.

Bên cạnh đó, việc này cũng có khả năng gây tâm lý lo ngại đến nhà nhập khẩu ở các thị trường khác, nhất là đối với các thị trường nhập nguyên liệu của Việt Nam để tái xuất sang EU, hoặc Mỹ và các nước có quy định áp dụng nghiêm ngặt các biện pháp chống khai thác IUU.

Theo ông Oai, để được EC đưa về tình trạng thẻ xanh, Việt Nam cần phải nỗ lực rất nhiều và hoàn thiện các yêu cầu về IUU trong thời gian sớm nhất. Trước hết, ngay sau khi Luật Thủy sản (sửa đổi) được Quốc hội thông qua, cần khẩn trương xây dựng các văn bản dưới luật để có hiệu lực cùng thời điểm với luật, nhằm đáp ứng được khung pháp lý về quản lý nghề cá theo yêu cầu của EU.

Đồng thời, Bộ NN&PTNT trình Thủ tướng xem xét, phê duyệt kế hoạch hành động quốc gia nhằm ngăn chặn, giảm thiểu và loại bỏ việc khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định đến năm 2025.  Tổ công tác liên ngành cũng sẽ được thành lập, do Bộ NN&PTNT làm tổ trưởng với sự tham gia của các bộ, ngành, hội, hiệp hội có liên quan để chỉ đạo, điều phối triển khai các biện pháp khắc phục thẻ vàng.

Năm thị trường xuất khẩu thủy sản lớn nhất hiện nay của Việt Nam là Mỹ, EU, Nhật Bản, Hàn Quốc và Trung Quốc. Chỉ riêng 9 tháng đầu năm nay, giá trị xuất khẩu thủy sản sang thị trường EU đạt 1,047 tỉ đô la Mỹ.

Trong khi đó, ông Trường Đình Hòe, Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản (VASEP), cho rằng lời cảnh báo từ EU cũng là cơ hội để ngành khai thác thủy hải sản Việt Nam đánh giá lại thực trạng, tổ chức lại hoạt động sản xuất, hoàn thiện hệ thống quản lý nghề cá, đáp ứng yêu cầu của thị trường thế giới nói chung và EU nói riêng, hướng tới mục tiêu phát triển bền vững.

Vì vậy, trong thời gian qua, một mặt VASEP cùng các doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu hải sản đã thống nhất và quyết tâm thực hiện với sự cam kết của của 76 nhà máy chế biến và xuất khẩu hải sản (tính đến ngày 25-10) chỉ thu mua và nhập khẩu nguyên liệu hải sản khai thác hợp pháp, có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng; đề xuất xây dựng cơ sở dữ liệu nghề cá phục vụ việc quản lý và truy xuất nguồn gốc hải sản.

Đồng thời, VASEP đã và đang phối hợp Tổng cục Thủy sản, Bộ NN&PTNT, Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển Việt Nam và các cơ quan liên quan thực hiện chương trình hành động quốc gia tuân thủ các quy định về IUU, đáp ứng yêu cầu của thị trường EU.

Mời bạn đọc chia sẻ quan điểm về vấn đề nêu trên.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới