Thứ Tư, 17/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Theo chân thị trường nội dung

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Theo chân thị trường nội dung

Tuyết Ân

Các nhà cung cấp dịch vụ mạng với lợi thế về hạ tầng cũng tham gia thị trường, cạnh tranh với các nhà cung cấp dịch vụ nội dung độc lập. Ảnh: Lê Toàn.

(TBVTSG) – Nhiều tập đoàn lớn âm thầm đầu tư “thâu tóm” cộng đồng người sử dụng nhằm tạo nền tảng dữ liệu để phát triển dịch vụ nội dung, trong khi nhiều công ty nhỏ đi tìm “thị trường ngách” để vươn lên, hứa hẹn một thị trường nội dung sôi động và chấp nhận sự sàng lọc khắc nghiệt trong vài năm tới…

Dù chưa có nhiều dịch vụ tạo ra doanh thu lớn nhưng các nhà cung cấp nội dung đang tựa vào những nhà đầu tư tài chính vững vàng để tham gia cuộc chạy đua chinh phục thị trường cung cấp nội dung cho cộng đồng người sử dụng Internet và điện thoại di động.

Đầu tư bao phủ

Những cái tên quen thuộc của các dịch vụ mà người tiêu dùng dễ dàng nhận biết chúng thuộc quyền sở hữu của ai. Ví dụ VnMobile sở hữu hàng loạt dịch vụ liên quan đến tên miền www.caigi.com với tin tức, mua sắm, nhà đất – bản đồ, tìm kiếm, kết nối với những cái tên như nhac.caigi.com, thongtin.caigi.com, muasam.caigi.com, mobile.caigi.com, mail.caigi.com… cùng các dịch vụ blog, web cá nhân (cafe.caigi.com), câu lạc bộ trithuc.caigi.com, diễn đàn… Mô hình caigi.com đang nhắm tới các dịch vụ có thể tra tìm tất cả các loại nội dung liên quan đến đời sống thường nhật.  

Nếu tính đến thời điểm và tính đa dạng dịch vụ, có thể nói Caigi.com ra đời khá sớm, từ năm 2005, do hai công ty Ích Nam của Việt Nam và Công ty Triển vọng Quốc Tế (Int Vision) của Hàn Quốc – công ty đang sở hữu hệ thống dữ liệu trang vàng khá thành công tại Việt Nam (www.yp.com.vn).

Chưa hết, đằng sau Int Vision là sự hỗ trợ của các nhà đầu tư cung cấp dịch vụ liên kết khác. Một tập đoàn khác của Malaysia là UnrealMind Interactive Berhad cũng tham gia thị trường Việt Nam từ năm 2004 với thương hiệu Shabox (www.shabox.com.vn).

Shabox hoạt động thông qua sự liên kết chặt chẽ với Công ty Phần mềm truyền thông VASC và tập trung vào các dịch vụ giải trí trên điện thoại di động. Công ty này được kế thừa những bước phát triển của thị trường Đông Nam Á và liên kết chặt chẽ với các dịch vụ tại VnMobile.

Những ví dụ trên cho thấy, mối quan hệ dích dắc trong thị trường dịch vụ nội dung rõ ràng đã giúp các nhà cung cấp dịch vụ sở hữu được cộng đồng người dùng rộng lớn. Điều này rất quan trọng để nhà cung cấp chọn lọc đưa ra các dịch vụ nội dung phù hợp với thị trường.

Người sử dụng cũng dễ nhận biết hệ thống sản phẩm của FPT với hàng loạt dịch vụ “họ Vi”, phục vụ cho chiến lược kết nối đầy tham vọng của tập đoàn này bằng việc đầu tư để sở hữu nhiều dịch vụ có mối liên quan chặt chẽ, tạo khả năng thu thập dữ liệu khách hàng… Khoảng hai năm nay, nhóm công nghệ Visky bắt đầu phong tỏa thị trường với nhiều dịch vụ như Vimap (bản đồ số cho điện thoại di động), Vibeyeu (cổng thông tin dành cho thiếu nhi), Vimua (bán hàng trực tuyến), Vicongdong (chia sẻ), Vimusic (âm nhạc), mạng xã hội trên điện thoại di động Vihuni, Vitalk (tán gẫu qua điện thoại di động), Viphoto, Vithiep, thư viện trực tuyến Violet…

Mới đây, Naiscorp đã nhận đầu tư của tập đoàn Nhật Softbank và Quỹ đầu tư mạo hiểm IDG Ventures Vietnam vào cổng tìm kiếm www.socbay.com, một sản phẩm được phát triển độc lập và xử lý dữ liệu tiếng Việt, cung cấp các dịch vụ tìm kiếm âm nhạc, từ điển, hình ảnh, tin tức, web, rao vặt… Công ty này cũng sở hữu các dịch vụ khác như Socbaytravel.com, SocbayMobile Search, socvui.vn, socnhi.vn

Từ cộng đồng chơi trò chơi trực tuyến với hàng triệu người, VinaGame cũng đã “lấn sân” sang đầu tư vào cổng Zing với hàng loạt dịch vụ tán gẫu, âm nhạc, tin tức, e-mail, blog, công cụ tìm kiếm và mạng xã hội yobanbe, dịch vụ thương mại điện tử www.123mua.com. Một cái tên khác là Vega – sở hữu trang chia sẻ video clip.vn, mạng xã hội âm nhạc chacha.vn, mạng nội dung cho điện thoại di động ringing.vn, truyền hình qua Internet Vstar.vn

Công ty truyền thông Việt Nam (VC Corp.) đang sở hữu dịch vụ tra cứu từ chuyên ngành trực tuyến (http://baamboo.com) đầu tiên tại Việt Nam dựa trên nền tảng MediaWiki cùng hàng loạt các dịch vụ AutoPro, một kênh chuyên sâu chuyên ngành về ôtô – xe máy. Đây là kết quả đạt được từ việc VC Corp. đầu tư vào Channel VN – kênh tin tức 2.0 đầu tiên tại Việt Nam. VC Corp cũng sở hữu trang thông tin tài chính www.cafef.vn; trang tin tức game trong nước và quốc tế tại gamek.vn; kênh 14 phục vụ thiếu niên www.kenh14.vn và kênh du lịch tại http://travel.channelvn.net.

Công ty Đầu tư phát triển Công nghệ và Truyền thông (NEO) – do VNPT và nhiều công ty sáng lập từ năm 2003 – với hàng loạt dịch vụ mang “họ NEO” như quản lý và tra cứu thông tin cho dịch vụ 1080 (NEO InfoSys), kết nối dịch vụ tin nhắn (NEO SMSG), cổng kết nối dịch vụ tin nhắn, hệ thống cung cấp dịch vụ giá trị gia tăng (NEO VASP), cổng thông tin – dịch vụ NEO Smart Portal…

Sự phát triển theo chiều rộng này được xem là thước đo màu mỡ của thị trường nội dung theo phương châm “ai nắm được thông tin cộng đồng, người đó sẽ chiến thắng”. Đây cũng là yếu tố giúp thị trường phát triển theo chiều sâu vì doanh nghiệp muốn thành công phải bảo đảm vị thế dẫn đầu trong từng lĩnh vực dịch vụ. Để cạnh tranh, họ sẽ phải đầu tư bài bản hơn về công nghệ, dịch vụ thân thiện và theo đuổi các trào lưu tương tác mới.

Mèo nào cắn mỉu nào?

Đón đầu xu hướng web 2.0 ở Việt Nam, IDG Ventures Vietnam đã đầu tư bao phủ hầu hết các dịch vụ web nổi bật trên thị trường, từ cổng tìm kiếm, mạng xã hội, việc làm, bản đồ số, cho đến các kênh dịch vụ truyền thông nhắm vào các nhóm đối tượng khác nhau. Từ hạ tầng cộng đồng ở các đơn vị nhỏ lẻ, các nhà cung cấp dịch vụ nội dung sẽ thiết lập các liên kết hỗ trợ sâu hơn về dữ liệu người dùng để đưa ra các dịch vụ theo phân khúc thị trường như tuổi tác, học vấn, sở thích, công việc… Điều này đã phản ảnh qua việc nhiều công ty sử dụng dữ liệu khai thác được để mở rộng dịch vụ phục vụ cho các trang thương mại điện tử, tuyển dụng hoặc kết nối thanh toán tài chính…

Chưa hết, các nhà cung cấp dịch vụ mạng vốn có lợi thế về hạ tầng cũng bước vào thị trường này cạnh tranh với nhà cung cấp dịch vụ nội dung độc lập. MobiFone, S-Fone, Viettel, VinaPhone đều có mạng lưới dịch vụ nội dung của mình. Các nhà mạng đều sở hữu hầu hết các dịch vụ như tin nhắn, thanh toán qua điện thoại di động, dịch vụ xác định địa điểm, thông tin theo yêu cầu, tin tức, chứng khoán, kết quả sổ xố… S-Fone tiên phong trong các ứng dụng chuẩn 3G như xem truyền hình trực tuyến  LiveTV. Ngoài cung cấp dịch vụ xem phim, nghe nhạc theo yêu cầu – VOD, MOD, FPT Telecom đẩy mạnh kênh truyền hình Internet…

Ở “thị trường ngách”, trong nhiều năm qua cũng chứng kiến sự đeo bám kiên trì của các công ty đi vào khu vực hẹp như Công nghệ Tin học Nhà trường School@net với các thiết kế chuyên biệt cho thị trường giáo dục. Hiện công ty này sở hữu hơn 50 sản phẩm phần mềm đóng gói cho ngành giáo dục từ học tập, nâng cao kiến thức, thư giãn giải trí đến các chương trình chuyên sâu phức tạp như Learning Math, TKB, School Viewer, iQB, TKBU, EMU. Sản phẩm đóng gói chạy trên PC đơn lẻ đến các giải pháp ứng dụng trên mạng máy tính.

Một thành công khác cũng được ghi nhận trên thị trường thương mại điện tử là chợ 5giay.vn, nơi quy tụ cộng đồng mua bán trực tuyến lớn nhất Việt Nam hiện nay. Tuy nhiên, nhiều công ty vốn khá thành công trên thị trường hẹp như webtretho.com, muaban.vn với lượng cộng đồng lớn nay đã chấp nhận chia sẻ quyền sở hữu với các quỹ đầu tư mạo hiểm vì kỳ vọng vào sự hỗ trợ tài chính và công nghệ để vươn lên vị trí hàng đầu thị trường.

Xu hướng web 2.0 bắt đầu ở Việt Nam từ năm 2008 đã có những tác động tích cực đến việc phát triển các sản phẩm nội dung số và tìm sự phân hóa trong việc sử dụng các loại dịch vụ trực tuyến. Nhiều dịch vụ mới ra đời thu hút những cộng đồng khác nhau và chia sẻ dữ liệu về các nhu cầu khác biệt. Ví dụ ngày nay có những dịch vụ như hẹn hò dành cho người độc thân, hẹn ăn trưa với người nổi tiếng, những diễn đàn cho người đọc sách và mua bán sách…

Những công ty đi vào thị trường ngách vẫn sống tốt và có tính năng động cao. Họ sở hữu một số lượng cộng đồng cơ bản để duy trì hoạt động và kinh doanh hiệu quả. Đây cũng là tiền đề căn bản cho những công ty muốn lớn mạnh, việc sở hữu cộng đồng của họ cũng dễ thu hút được các nhà đầu tư nếu muốn phát triển với quy mô rộng lớn hơn.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới