Thứ Hai, 13/05/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Thị trường chứng khoán chao đảo vì Hy Lạp, Trung Quốc

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Thị trường chứng khoán chao đảo vì Hy Lạp, Trung Quốc

Thái Bình

Thị trường chứng khoán chao đảo vì Hy Lạp, Trung Quốc
Thông tin giá chứng khoán trên đường phố Tokyo Nhật Bản. Ảnh Reuters

(TBKTSG Online) – Thị trường chứng khoán toàn cầu chứng kiến một phiên giao dịch đầy sóng gió hôm nay 29-6 do ảnh hưởng của việc Hy Lạp đóng cửa hệ thống ngân hàng, kiểm soát tiền tệ và đà lao dốc của thị trường chứng khoán Trung Quốc.

Hãng Reuters ghi nhận, quyết định nói trên của chính phủ Hy Lạp và khả năng nước này phải rời khỏi khu vực đồng euro (eurozone) khiến cho giá cổ phiếu ở châu Âu rớt mạnh, lợi suất trái phiếu của các nước “nguy cơ cao” như Ý, Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha tăng nhanh khiến chi phí vay vốn của các nước này cao lên. Giá cổ phiếu giảm mạnh nhất trong 6 tháng qua, còn trái phiếu chính phủ các nước Nam Âu tăng thêm 30 điểm cơ bản.

Tuy nhiên, sau cơn choáng váng lúc mở đầu phiên giao dịch, phần lớn các thị trường chứng khoán đã ổn định trở lại; mức sụt giảm trong một phiên là khá lớn song chưa đáng kể so với mức giảm khi xảy ra sự cố Ngân hàng Lehman Brothers năm 2008  và cuộc khủng hoảng nợ Hy Lạp lần trước, 2011-2012, theo Reuters.

Sau cơn hỗn loạn do nhiều nhà đầu tư bán cổ phiếu để chốt lời, thị trường châu Âu đã gượng lại, so với phiên giao dịch cuối tuần trước, chỉ số FTSE Eurofirst chỉ giảm 2%, chỉ số Stoxx Europe 600 Index giảm 2,3% khi thị trường chứng khoán New York mở cửa lúc 20 giờ tối nay giờ Việt Nam. Cổ phiếu ngân hàng và hãng sản xuất xe hơi giảm mạnh nhất.

“Hệ thống tài chính châu Âu hiện được trang bị tốt để đương đầu sự lây lan tới các quốc gia khác, cũng như tự chống đỡ chính mình”, Stephanie Flanders, chiến lược gia trưởng về thị trường Âu châu của Công ty quản lý tài sản JP Morgan Asset Management nhận định.

Thị trường Wall Street vừa mở cửa giao dịch với mức giảm khoảng 1%.

Lợi suất trái phiếu chính phủ Hy Lạp kỳ hạn 10 năm tăng thêm 393 điểm cơ bản, khiến lãi suất phải trả lên tới 14,78%, cao nhất kể từ tháng 12-2012. Trái phiếu kỳ hạn 10 năm của Ý, Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha cũng tăng thêm từ 16 đến 26 điểm cơ bản, tương đương với lãi suất trái phiếu từ 2,99% đến 3,8%.

Ở châu Á, chỉ số chứng khoán Thượng Hải của Trung Quốc giảm thêm 3,3% trong phiên giao dịch hôm nay, nâng tổng mức suy giảm của chỉ số này trong hai tuần qua lên 25%, bất chấp biện pháp nâng đỡ thị trường bằng cách giảm lãi suất và giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc mà Ngân hàng trung ương Trung Quốc vừa ban hành. Chỉ số Hang Seng của thị trường chứng khoán Hồng Kông cũng giảm 3% trong phiên hôm nay.

Đồng euro châu Âu cũng có một ngày sóng gió trên thị trường tiền tệ: giảm 2% so với đô la Mỹ lúc mở đầu phiên, sau đó tăng lại và kết phiên với mức giảm 0,5%, đứng ở mức 1 euro ăn 1,1102 đô la Mỹ, trong giới hạn bình thường. Sở dĩ đồng euro có sự hồi phục có thể do Ngân hàng trung ương Thụy Sĩ ra tay can thiệp để giảm áp lực tăng giá lên đồng franc của nước này, theo Reuters.

Giá vàng tăng lên do nhà đầu tư tìm nơi trú ẩn an toàn cho dòng tiền, lên mức 1.184,2 đô la Mỹ/ounce

Trong khi đó giá dầu thô Brent lại giảm 1,4%, còn 62,38 đô la Mỹ/thùng, mức thấp nhất trong ba tuần qua; giá dầu thô Mỹ WTI giảm 1,9%, còn 58,52 đô la Mỹ/thùng.

(theo Reuters, Bloomberg)

Đọc thêm:

– Chứng khoán Trung Quốc tiếp tục tuột dốc

– Hy Lạp đóng cửa ngân hàng, thị trường toàn cầu chấn động

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới