Thứ Sáu, 29/03/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Thị trường đang lớn dần

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Thị trường đang lớn dần

Oanh Nguyễn

Hiện nay, việc phát triển phổ biến các trò chơi thuần Việt không còn là giấc mơ. Ảnh: Lê Toàn.

(TBVTSG) – Thị trường trò chơi trực tuyến (online game) Việt Nam đang trong giai đoạn phát triển với sự tham gia của ngày càng nhiều doanh nghiệp với lượng trò chơi được phát hành ngày càng tăng. Theo nhận xét của nhiều chuyên gia, quy mô của thị trường này đang ngày càng lớn dần và còn khá lâu mới đến giai đoạn bão hòa…

Ngành công nghiệp trò chơi trực tuyến của Việt Nam còn khá non trẻ, phần lớn các nhà phát hành trong nước thời gian qua chỉ phát hành các trò chơi do các công ty nước ngoài sản xuất, chủ yếu là của Hàn Quốc và Trung Quốc.

Thị trường sôi động

Là loại hình giải trí được du nhập vào Việt Nam từ năm 2004, trò chơi trực tuyến đã có bước phát triển nhanh chóng về lượng người chơi, nhà cung cấp dịch vụ và sản phẩm. Trung bình mỗi tháng có một sản phẩm và phiên bản trò chơi mới ra đời. Các nhân vật, chiến thuật trong trò chơi cũng không ngừng được đổi mới, thông minh và sinh động hơn.

Bà Tạ Thùy Minh, Giám đốc Trung tâm Truyền thông thuộc Công ty FPT Online, cho biết hiện công ty này đang kinh doanh sáu trò chơi trực tuyến, và từ nay đến cuối năm có thể tăng thêm hai trò chơi nữa. Còn VTC Game hiện đã phát hành bảy sản phẩm ra thị trường và dự kiến trong năm nay có thể phát hành thêm 2-3 trò chơi nữa.

Trong gần 50 trò chơi trực tuyến đang được cung cấp trên thị trường thì có đến 10 trò chơi do VinaGame phát hành, và công ty này là doanh nghiệp phát hành nhiều sản phẩm nhất trên thị trường hiện nay.

Được cho là nhà phát hành mới tại Việt Nam, sau khi tham gia thị trường với Đại Chiến Xích Bích, Công ty NCS Media cũng đang chuẩn bị phát hành thêm sản phẩm mới. Bà Lê Thùy, phụ trách lĩnh vực quan hệ công chúng của NCS Media, cho biết công ty này đang chuẩn bị cho ra mắt tại Việt Nam một số trò chơi được coi là “tầm cỡ” và có sức thu hút đông đảo người chơi. Bà Thùy tiết lộ, mặc dù tham gia thị trường sau, nhưng NCS Media có mục tiêu trở thành một trong năm nhà phát hành lớn nhất tại Việt Nam.

Nhận thấy còn nhiều cơ hội kinh doanh trong lĩnh vực này nên sau khi tham gia phát hành trò chơi Thế Giới Hoàn Mỹ (Trung Quốc), Công ty Quang Minh DEC đã cùng với một đối tác hùn vốn mở Công ty DECO chuyên kinh doanh trò chơi trực tuyến. Hiện tại, sản phẩm Cổ Long của DECO đang trong giai đoạn gấp rút chuẩn bị để ra mắt thị trường vào cuối tháng Bảy này.

Với việc tăng cường cung cấp các trò chơi mới của các nhà phát hành cũ cũng như sự tham gia ngày càng nhiều của các doanh nghiệp mới, thị trường trò chơi trực tuyến năm nay đã rất nhộn nhịp với hàng loạt trò chơi như: Chinh Đồ, Gunny, Võ Lâm Truyền Kỳ 3 (VinaGame); TruTien Online (VTCzone); Atlantica, FIFAonline và Vua Pháp Thuật (VTC Game); Grada Esparado (FPT)…

Theo dự báo của các doanh nghiệp thì thị trường sẽ còn sôi động hơn trong thời gian tới. Thậm chí có một số doanh nghiệp, như VTC Game còn lập văn phòng đại diện ở Hàn Quốc nhằm phân phối trò chơi Linh Vương (Trung Quốc) tại thị trường này. Đây là động thái khởi động cho việc phát hành sản phẩm ra thị trường thứ ba (ngoài biên giới Việt Nam) của các doanh nghiệp phát hành trò chơi trực tuyến thuần Việt.

Tính cạnh tranh còn thấp

Tổng doanh thu của thị trường nội dung số Việt Nam năm 2008 ước tính đạt 2.500 tỷ đồng. Trong đó trò chơi trực tuyến cao nhất với 1.200 tỷ đồng; tiếp đến là dịch vụ trên mạng di động 1.000 tỷ đồng, quảng cáo chiếm 300 tỷ đồng… Các dịch vụ nội dung khác như nhạc trực tuyến, phim trực tuyến, mạng xã hội, chia sẻ tài nguyên, mua bán và học tập trực tuyến… chỉ đóng góp một tỷ lệ nhỏ. Tổng số lao động trong lĩnh vực trò chơi trực tuyến năm 2008 là khoảng 3.700 người.

Ông Hoàng Trọng Hiếu, Phó giám đốc Công ty VTC Game, cho rằng thị trường trò chơi trực tuyến của Việt Nam đang trong giai đoạn phát triển nên lượng khách hàng của loại hình giải trí này ngày một tăng. Trong khi đó chỉ mới có vài chục doanh nghiệp kinh doanh lĩnh vực này đang “bơi” trong một thị trường rộng lớn nên tính cạnh tranh hiện còn thấp.

Bà Minh cho rằng, hiện thị trường còn nhiều tiềm năng và cơ hội phát triển (do chỉ mới có một bộ phận người dân, chủ yếu ở các thành phố lớn có điều kiện tiếp cận thường xuyên với trò chơi trực tuyến) nên việc cạnh tranh giữa các doanh nghiệp chưa nhiều. Các công ty không phải cạnh tranh trực tiếp để giành giật khách hàng như một số lĩnh vực khác mà thường cạnh tranh trong việc liên tục đưa ra những trò chơi hấp dẫn.

“Hiện các công ty kinh doanh trò chơi trực tuyến tại Việt Nam đang tham gia thị trường ở giai đoạn cùng đẩy cho thị trường thêm phát triển. Tuy nhiên, không phải doanh nghiệp nào và trò chơi nào khi ra thị trường cũng đều có lời,” bà Minh cho biết.

Theo bà Minh, việc kinh doanh có lời hay không phụ thuộc vào chính sách phát triển, chọn lựa trò chơi và công tác truyền thông của các doanh nghiệp.

Mặc dù chưa phải cạnh tranh trực tiếp nhưng các công ty vẫn có những lợi thế riêng khi tiếp cận thị trường. FPT Online và VTC Game tự tin vì là thành viên của những tập đoàn và tổng công ty lớn. Còn NCS Media lại cho rằng mình có thế mạnh vì có sự tham gia của nhà đầu tư nước ngoài do được thành lập bởi Công ty NCS và một công ty phát hành lớn của Mỹ là Airea Game. “Với sự hỗ trợ của Airea Game, NCS Media có cái nhìn tổng quan và hiện đại hơn về tình hình phát triển trò chơi trực tuyến ở Việt Nam cũng như trên thế giới, từ đó, có những bước đi phù hợp với thị trường Việt Nam,” bà Thùy nói.

Tương lai phát triển

Trò chơi trực tuyến ở Việt Nam đã phát triển nhanh chóng về lượng người chơi, nhà cung cấp dịch vụ và sản phẩm. Ảnh: Lê Toàn.

Theo thống kế của Trung tâm Internet Việt Nam, hiện Việt Nam xếp thứ 18 trong 20 quốc gia có tỷ lệ người sử dụng Internet cao nhất thế giới, và tỷ lệ này tăng bình quân 15% mỗi năm. Dự báo tới năm 2014 sẽ có 45% dân số sử dụng Internet.

Theo ông Lê Hồng Minh, Chủ tịch Câu lạc bộ Doanh nghiệp Game và nội dung số, trò chơi trực tuyến là một phần của thị trường nội dung số. Thị trường này đã phát triển bùng nổ trong năm năm qua và vẫn sẽ phát triển mạnh trong năm năm tới. Tốc độ tăng trưởng của trò chơi trực tuyến khá ấn tượng. Năm 2007, tổng doanh thu của thị trường này đạt 75 triệu đô-la, năm 2008 là 80 triệu đô-la. Ước tính năm 2010, doanh thu sẽ đạt ít nhất 85 triệu đô-la.

Không chỉ các doanh nghiệp trong nước mà các chuyên gia nước ngoài cũng đánh giá cao tiềm năng phát triển của thị trường trò chơi trực tuyến của Việt Nam.

Ông Jeong II Young, Giám đốc công ty sản xuất trò chơi trực tuyến hàng đầu tại Hàn Quốc Nexon SD, cho rằng nếu một số điểm bất cập trong chính sách quản lý sớm được tháo gỡ thì Việt Nam hoàn toàn có thể tin tưởng vào sự đột phá của ngành công nghiệp này trong tương lai gần.

Ông Nguyễn Hoàng Tuấn Anh, Giám đốc đối ngoại của VinaGame, cho rằng việc ban hành Thông tư 60 về quản lý trong lĩnh vực trò chơi trực tuyến trước đây của Nhà nước đã khiến các doanh nghiệp kinh doanh trong lĩnh vực này phải đối mặt với khá nhiều khó khăn.

Tuy nhiên, VinaGame tin rằng với định hướng phát triển công nghiệp nội dung số đến năm 2010 (đã được phê duyệt thông qua Quyết định của Thủ tướng Chính phủ số 56/2007/QĐ-TTg) và Chỉ thị số 05/2008/CT-BTTT về đẩy mạnh phát triển công nghiệp công nghệ thông tin Việt Nam (trong đó nêu rõ việc ủng hộ các doanh nghiệp Việt Nam đầu tư, phát triển trò chơi trực tuyến tại Việt Nam) thì trong tương lai gần, các doanh nghiệp sẽ không còn phải đối mặt với những rào cản bất hợp lý nữa.

Hiện Bộ Thông tin-Truyền thông cũng đang lấy ý kiến của cộng đồng doanh nghiệp để đưa ra một văn bản luật có tính khả thi cao hơn, thay thế cho Thông tư 60 đã ban hành, cũng như tạo điều kiện cho các doanh nghiệp kinh doanh trò chơi trực tuyến có cơ hội phát triển.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới