Thứ Bảy, 1/06/2024
26.7 C
Ho Chi Minh City

Thị trường dầu chịu áp lực do các lệnh phong tỏa ở Trung Quốc

Khánh Lan

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) – Giá dầu thô trên thị trường quốc tế lao dốc giữa lúc giới đầu tư lo ngại nhu cầu ở Trung Quốc, nước nhập khẩu dầu lớn nhất thế giới, sẽ chịu sức ép sau khi TP. Thượng Hải quyết định phong tỏa từng phần theo hai đợt trong 9 ngày để kiểm soát đà lây lan của Covid-19. Bên cạnh đó vòng đàm phán hòa bình mới giữa Nga và Ukraine cũng kìm hãm động lực tăng giá của dầu.

Chuỗi cung ứng toàn cầu hứng cú sốc mới do chính sách phong tỏa kiểm soát Covid-19 của Trung Quốc

Chiến lược zero Covid bị lung lay vì Omicron nhưng Trung Quốc chưa dám từ bỏ

Cảnh sát chốt chặn ở một cây cầu dẫn vào khu vực Phố Đông của Thượng Hải hôm 28-3. Giới chức trách Thượng Hải quyết định phong tỏa từng phần thành phố này trong vòng 9 ngày để kiểm soát dịch bệnh Covid-19.  Ảnh: Reuters

Giá dầu Tây Texas (WTI) ở New York và giá dầu Brent ở London lần lượt giảm 7% và 6,8% trong phiên giao dịch hôm 28-3, xóa gần hết “thành quả” tăng giá của tuần trước. Làn sóng bán tháo trên thị trường dầu diễn ra sau khi giới chức trách ở Trung Quốc thông báo kế hoạch phong tỏa một nửa TP. Thượng Hải để bắt đầu xét nghiệm Covid-19 trong 4 ngày. Sau đó, lệnh phong tỏa sẽ chuyển sang một nửa khu vực còn lại của thành phố này.

Các nhà phân tích ở Ngân hàng Commerzbank viết trong báo cáo gửi cho khách hàng: “Thị trường dầu sụt giảm hôm nay là do các lo ngại về nhu cầu khi mà TP. Thượng Hải của Trung Quốc bị đặt vào tình trạng phong tỏa một phần”. “Trung Quốc giờ đây là mối lo lớn đối với thị trường dầu”, Michael Tran, Giám đốc bộ phận chiến lược thị trường năng lượng ở Ngân hàng RBC Capital Markets, nói.

Trong nhiều tuần qua, thị trường đã gần như chỉ tập trung vào các rủi ro gián đoán nguồn cung dầu do chiến sự ở Ukraine. Tuy nhiên, cú lao dốc của giá dầu hôm 28-3 cho thấy thị trường vẫn nhạy cảm với những thay đổi về nhu cầu năng lượng, đặc biệt là ở Trung Quốc, nước nhập khẩu dầu lớn nhất thế giới. Trung Quốc không chỉ tiêu thụ lượng xăng, dầu diesel và nhiên liệu máy bay khổng lồ, mà còn là nguồn tăng trưởng nhu cầu năng lượng lớn nhất của thế giới. “Để thị trường dầu hoạt động đầy đủ công suất cao, bạn cần Trung Quốc vì nước này là động lực tăng trưởng lớn nhất”, Michael Tran nói.

Với 25 triệu dân, Thượng Hải là trung tâm của nền kinh tế Trung Quốc, chiếm khoảng 4% nhu cầu dầu của nước này. Trung Quốc là nước nhập khẩu dầu lớn nhất thế giới, vì vậy, bất cứ sự sụt giảm nhu cầu nào ở nước này cũng kìm hãm giá dầu. Andy Lipow, Chủ tịch Công ty Lipow Oil Associates, cho biết Trung Quốc nhập khẩu 10,3 triệu thùng dầu/ngày trong năm 2021.

Ông nhận định: “Mức độ bán tháo mạnh mẽ phản ánh lo ngại rằng các lệnh phong tỏa để kiểm soát Covid-19 ở Trung Quốc có thể triển khai rộng rãi, gây tác động lớn lên nhu cầu vào thời điểm thị trường dầu đang tìm các nguồn cung thay thế cho dầu của Nga”.

Cho đến nay, khoảng 62 triệu người dân Trung Quốc đang chịu lệnh phong tỏa hoặc sắp bị phong tỏa. Rystad Energy ước tính lệnh phong tỏa Thượng Hải có thể làm giảm nhu cầu dầu tới 200.000 thùng / ngày.

“Áp lực bán gia tăng vì các lo ngại về việc Trung Quốc có thể áp đặt thêm các hạn chế ở những thành phố khác để khống chế Covid-19”, Tsuyoshi Ueno, nhà kinh tế cấp cao ở Viện Nghiên cứu NLI (Nhật Bản), nói.

Các nhà phân tích ở Ngân hàng Commerzbank cũng cho rằng vòng đàm phán hòa bình mới giữa Ukraine và Nga cũng kìm hãm giá dầu. Dự kiến, các nhà đàm phán của hai nước sẽ gặp nhau hai ngày 29 và 30-3 ở Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ. Ngoại trưởng Ukraine, Dmytro Kuleba, cho biết mục tiêu cao nhất của nước này tại vòng đàm phán là một thỏa thuận ngừng bắn.

“Giá dầu đang chịu áp lực trở lại do thị trường kỳ vọng đàm phán hòa bình giữa Ukraine và Nga có thể dẫn đến khả năng phương Tây nới lỏng hoặc tránh trừng phạt nhằm vào ngành dầu mỏ của Nga. Một lệnh ngừng bắn giữa hai bên cũng có thể mở ra triển vọng hồi phục thỏa thuận hạt nhân Iran”, Hiroyuki Kikukawa, Giám đốc bộ phận nghiên cứu của Công ty chứng khoán Nissan Securities, nhận định.

Bên cạnh đó, thị trường cũng đang chờ đợi cuộc họp vào ngày 31-3 của nhóm OPEC+, bao gồm các thành viên của Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) và các đồng minh ngoài OPEC.

Một số nguồn tin cho biết nhóm OPEC+ có thể vẫn bám theo kế hoạch tăng nhẹ sản lượng trong tháng 5 bất chấp giá dầu đang ở mức cao và lời kêu gọi tăng nguồn cung của Mỹ và các nước khác.

Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA) cảnh báo sản lượng dầu ba triệu thùng / ngày của Nga có thể bị cắt đứt khỏi thị trường thế giới trong tháng 4 khi các lệnh trừng phạt của phương Tây khiến khách hàng tránh mua dầu của nước này. Tuy nhiên, giới phân tích lưu ý dầu của Nga vẫn tìm được khách hàng, đặc biệt là từ Ấn Độ.

Mặc dù giảm mạnh trong phiên giao dịch đầu tuần, giá dầu vẫn đang ở mức cao khi cuộc chiến ở Ukraine vẫn tiếp diễn. Kết thúc phiên giao dịch 28-3, giá dầu WTI chốt ở mức 105,96 đô la / thùng, tăng khoảng 40% trong năm nay.

Theo CNN, CNBC, Reuters

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới