Thứ Hai, 13/05/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Thu ngân sách trung ương 2021 hụt khoảng 28-29 ngàn tỉ đồng

Vân Ly

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) – Năm 2021, thu ngân sách trung ương hụt khá lớn, khoảng 28-29 ngàn tỉ đồng. Đặc biệt, thu từ bán vốn nhà nước tại doanh nghiệp trung ương đạt 2,5% dự toán. Quốc hội yêu cầu Chính phủ báo cáo rõ nguyên nhân chủ quan để có giải pháp khắc phục trong các năm tiếp theo.

Chiều ngày 20-10, ông Nguyễn Phú Cường, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội, đã trình bày báo cáo thẩm tra tình hình thực hiện ngân sách nhà nước năm 2021, dự toán ngân sách nhà nước, phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2022 và Kế hoạch tài chính – ngân sách nhà nước 3 năm 2022-2024.

Ông Nguyễn Phú Cường, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội, trình bày báo cáo thẩm tra tình hình thực hiện ngân sách nhà nước năm 2021, dự toán ngân sách nhà nước, phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2022 trước Quốc hội ngày 20-10. Ảnh: Quốc hội

Năm 2021 thu nội địa không đạt dự toán

Đánh giá tình hình thực hiện ngân sách nhà nước năm 2021, ông Cường cho biết Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội nhận thấy tổng số thu cân đối ngân sách nhà nước 2021 ước vượt dự toán. Tuy nhiên, nhiều khoản thu quan trọng không đạt hoặc vượt thấp so với dự toán; nếu loại trừ các khoản tăng thu từ đất, tài nguyên thì số thu nội địa không đạt dự toán; cơ cấu thu chưa vững chắc.

“Thu ngân sách trung ương hụt khá lớn, khoảng 28-29 ngàn tỉ, đã ảnh hưởng rất lớn đến việc triển khai nhiệm vụ của ngân sách trung ương. Đặc biệt, thu từ bán vốn nhà nước tại doanh nghiệp trung ương đạt 2,5% dự toán. Ủy ban Tài chính, Ngân sách muốn Chính phủ báo cáo rõ nguyên nhân chủ quan để có giải pháp khắc phục trong các năm tiếp theo”, ông Cường nói.

Về chi ngân sách nhà nước năm 2021 cho công tác phòng chống dịch Covid-19, tính từ thời điểm dịch bùng phát đến nay, tổng số kinh phí đã cấp là 30,85 ngàn tỉ đồng. Ủy ban Tài chính, Ngân sách cho rằng, việc sử dụng nguồn ngân sách chi cho phòng chống dịch có một số điểm cần lưu ý.

Trong đó, cần tập trung đánh giá toàn diện hiệu quả chính sách đã thực hiện, chỉ rõ các kết quả đạt được, những tồn tại, hạn chế, nguyên nhân; tác động thực tế, tính lan tỏa của các chính sách.

Về mua, tiếp nhận và nhu cầu vaccine, Chính phủ cần báo cáo cụ thể về số vaccine được hỗ trợ, viện trợ; dự kiến nhu cầu trong trường hợp dịch kéo dài; công khai việc sử dụng Quỹ vaccine; đẩy nhanh tiến độ nghiên cứu, sản xuất vaccine trong nước, đi đôi với bảo đảm chất lượng, an toàn, đáp ứng kịp thời với các biến chủng Covid-19 mới xuất hiện.

Về chi mua sắm vật tư, trang thiết bị phục vụ phòng, chống dịch, Chính phủ cần làm rõ tổng nguồn lực đã bố trí chi mua sắm; kết quả việc sử dụng ngân sách nhà nước trong việc mua sắm vật tư, trang thiết bị, phương tiện phục vụ phòng, chống dịch; khả năng đáp ứng tình hình hiện nay.

Về một số kiến nghị của Chính phủ đối với Quốc hội, ông Cường cho biết Chính phủ đề xuất sử dụng nguồn cải cách tiền lương còn dư để chi phòng, chống dịch Covid-19; cho phép kéo dài kế hoạch đầu tư vốn ngân sách nhà nước năm 2021 sang năm 2022; bổ sung dự toán thu, chi vốn viện trợ nước ngoài năm 2021 của tỉnh Quảng Nam.

“Ủy ban Tài chính Ngân sách cơ bản nhất trí với các đề xuất này. Tuy nhiên, việc sử dụng nguồn cải cách tiền lương cần phải đảm bảo đúng mục đích, hiệu quả và có thời hạn sử dụng cụ thể. Đối với bổ sung dự toán thu, chi vốn viện trợ nước ngoài năm 2021 của tỉnh Quảng Nam, Chính phủ cần chỉ đạo việc lập dự toán để bảo đảm tính chắc chắn, khả thi, hạn chế tối đa việc điều chỉnh dự toán”, ông Cường nói.

Cân nhắc giảm thuế, phí và mức nộp bảo hiểm xã hội trong năm 2022

Năm 2022, Chính phủ dự toán thu nội địa tăng 3,8%, nhưng để phấn đấu đưa số thu nội địa bình quân giai đoạn 2021-2025 khoảng 85-86% tổng thu ngân sách nhà nước theo Nghị quyết số 23/2021/QH15 thì còn khoảng cách khá lớn. Bên cạnh đó, cơ cấu thu nội địa còn có các khoản thu chứa đựng nhiều rủi ro như thu xổ số kiến thiết, thu hồi vốn, thu cổ tức, lợi nhuận sau thuế và chênh lệch thu, chi của ngân hàng nhà nước.

Về dự toán chi ngân sách nhà nước năm 2022, Ủy ban Tài Chính Ngân sách lưu ý tỷ trọng chi ngân sách trung ương trong tổng chi ngân sách nhà nước chỉ chiếm xấp xỉ 47% là chưa đảm bảo vai trò chủ đạo của ngân sách trung ương theo quy định của Hiến pháp.

Dự toán chi thường xuyên năm 2022 chiếm 62,2% tổng chi ngân sách nhà nước, bảo đảm phù hợp với Nghị quyết số 23/2021/QH15 của Quốc hội. Tuy nhiên, Chính phủ cần bố trí đủ cho các chính sách đối với người có công, người về hưu trước năm 1995, người gặp khó khăn… Ngoài ra, cần tiếp tục rà soát, cơ cấu lại một số khoản chi bảo đảm hợp lý; cắt, giảm những nhiệm vụ chi không cần thiết.

Về chi đầu tư năm 2022 Chính phủ dự kiến bố trí tăng 10,2% so với dự toán năm 2021. Ủy ban Tài Chính Ngân sách cho rằng số vốn đề nghị chuyển nguồn sang năm 2022 là khá lớn. Chính phủ cần chỉ đạo tập trung giải ngân vốn đầu tư công.

Với tác động nghiêm trọng của dịch Covid-19 tới phát triển thì mục tiêu phục hồi kinh tế, tạo nguồn lực bảo đảm an sinh xã hội là nhiệm vụ cấp bách, quan trọng, Ủy ban Tài chính Ngân sách cho rằng Chính phủ cần nghiên cứu toàn diện, có phương án cân đối xây dựng gói kích thích kinh tế với quy mô đủ lớn để tạo hiệu ứng sâu rộng, tính lan tỏa cao, bảo đảm mục tiêu phục hồi nền kinh tế, an sinh xã hội.

Chính phủ nên nghiên cứu, sử dụng đồng bộ chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ; nghiên cứu, lựa chọn đối tượng phù hợp, cần thiết để bổ sung gói hỗ trợ cấp bù lãi suất; có chính sách thu phù hợp, tính đến việc miễn, giảm, giãn thuế, phí và lệ phí; cân nhắc giảm mức nộp bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp…

Đối với đề xuất về tỷ lệ điều tiết, Chính phủ cần tiếp tục bám sát tình hình thực tế. Trên cơ sở đó, xây dựng phương án tỷ lệ điều tiết phù hợp, báo cáo Quốc hội xem xét, quyết định. “Ngoài ra, để bảo đảm hỗ trợ nguồn lực cho phục hồi và phát triển kinh tế của một số địa phương có tỷ lệ điều tiết về ngân sách trung ương chịu ảnh hưởng nặng nề do tác động của đại dịch Covid-19, Chính phủ nên điều chỉnh tỷ lệ điều tiết trong năm 2022 ở mức hợp lý”, ông Cường nói.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới