Thứ Hai, 13/05/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Tiến lên nền kinh tế sáng tạo bằng cách nào?

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Tiến lên nền kinh tế sáng tạo bằng cách nào?

TS. Đinh Trường Hinh

LTS: Nền kinh tế sáng tạo là điều Việt Nam luôn mong muốn, nhưng làm thế nào để đạt được mục tiêu đó thì vẫn đang là dấu hỏi lớn. Bài viết dưới đây của TS. Đinh Trường Hinh, người từng là chuyên gia kinh tế trưởng của Ngân hàng Thế giới tại Washington DC, có thể là một gợi ý hữu ích.

 

Tiến lên nền kinh tế sáng tạo bằng cách nào?
Ưu điểm hiện tại của lao động Việt Nam không thể duy trì lâu dài được. Ảnh: HÙNG LÊ

So với các nước khác, Việt Nam là một địa điểm được nhiều nhà đầu tư ngoại quốc ưa chuộng vì người lao động thông minh, kiên nhẫn, chịu khó làm việc và chi phí thấp. Những ưu điểm này đã tạm thời lấp đi những khuyết điểm như cơ sở giao thông, hạ tầng dịch vụ điện nước còn yếu, cơ chế quản trị và vai trò của Chính phủ còn nặng nề, thiếu hụt các chuyên viên hay kỹ sư có tay nghề cao, thiếu mạng lưới các nhà cung cấp có giá trị cao và sáng tạo cũng như chưa có đủ các dịch vụ hậu cần đáng tin cậy.

Tuy nhiên, nhìn xa hơn nữa có thể thấy ưu điểm hiện tại của Việt Nam không thể duy trì lâu dài được. Trong tương lai, mức lương công nhân chỉ có thể tăng lên nếu năng suất tăng lên và các hoạt động kinh tế phải tiến đến các ngành nghề có giá trị tăng trưởng cao, dùng nhiều chất xám hơn. Nếu không làm được như vậy thì các doanh nghiệp vào Việt Nam để lắp ráp sẽ đóng cửa và đi qua các nước nghèo khác như Bangladesh, Campuchia… để hoạt động.

Cơ chế thị trường tự mình sẽ không giúp một quốc gia có mức thu nhập trung bình thấp như Việt Nam vượt qua những trở ngại gây ra bởi sự phân mảnh của hệ thống sản xuất và tiêu dùng qua chuỗi giá trị toàn cầu. Vì thế, để tăng giá trị sản xuất và qua đó tăng mức lương cho người lao động, Việt Nam còn rất nhiều vấn đề phải vượt qua.

Ba giai đoạn của chu kỳ sản phẩm

Nói một cách tổng quát, một chu kỳ sản phẩm có thể được chia thành ba giai đoạn: nhận thức (concept), chế tạo (fabrication) và hậu cần (logistics). Giai đoạn chế tạo là giai đoạn có giá trị gia tăng thấp nhất bởi đòi hỏi kỹ năng thấp và ít các công việc sáng tạo. Giai đoạn này cũng bao gồm nhiều việc làm khác nhau từ sản xuất nguyên liệu, sản xuất sản phẩm trung gian đến lắp ráp; trong đó giai đoạn lắp ráp lại có giá trị gia tăng thấp nhất.

Hiện hầu hết guồng máy sản xuất của Việt Nam nằm ở giai đoạn lắp ráp cho nên giá trị gia tăng của sản phẩm Việt Nam thấp nhất trong giai đoạn chế tạo. Đây cũng là giai đoạn mà tất cả các nước thu nhập thấp và trung bình đều đang gặp phải. Hình số 1, trích ra từ Berger et al. (2016), cho thấy một cái nhìn tổng quan về mối quan hệ giữa các giai đoạn khác nhau của một chu kỳ sản phẩm và giá trị gia tăng.

Đối với một quốc gia có thu nhập trung bình, quy trình sáng tạo thường bắt đầu ở giai đoạn chế tạo trong quy trình sản xuất hoặc trong việc chế tạo các sản phẩm dẫn đến giá trị gia tăng cao hơn.

Leo lên thang giá trị gia tăng cao hơn nữa có nghĩa là Việt Nam phải di chuyển vào giai đoạn thượng nguồn (concept) như thiết kế, xây dựng thương hiệu, nghiên cứu, hoặc giai đoạn hạ nguồn (logistics) như phân phối, tiếp thị, bán hàng/dịch vụ.

Kinh tế học gọi điều này là nâng cấp kỹ nghệ (upgrading). Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) định nghĩa quá trình leo nấc thang giá trị này (hay đi theo đường cong nụ cười của hình 1) là rời khỏi các công việc có tay nghề thấp, đặc trưng bởi các rào cản gia nhập thấp và cạnh tranh cao (từ các nước nghèo khác). Mặc dù có các định nghĩa khác nhau về nơi nâng cấp (trong cùng một chuỗi giá trị hoặc giữa các chuỗi giá trị khác nhau), mọi người đều đồng ý rằng kết quả của chuyện nâng cấp này là làm tăng tỷ số của giá trị gia tăng trong tổng giá trị đầu ra.

Hình 1 cũng có thể được dùng để thể hiện vị thế của các quốc gia khác nhau trên thế giới. Các quốc gia có thu nhập thấp và trung bình nằm ở đoạn giữa của đường cong (giai đoạn chế tạo); và phần lớn sản xuất và xuất khẩu của họ dựa trên tài nguyên thiên nhiên trong khi các quốc gia có thu nhập cao chủ yếu nằm ở giai đoạn concept hoặc logistics.

Nâng cấp không dễ dàng

Quá trình nâng cấp các ngành công nghiệp trên chuỗi giá trị toàn cầu có thể chia ra làm bốn giai đoạn: i) nâng cấp quy trình hoặc công nghệ, nhằm cải thiện năng suất; ii) nâng cấp sản phẩm, từ sản xuất các sản phẩm đơn giản ở cấp độ thấp hơn đến sản xuất các sản phẩm phức tạp hơn và chính xác hơn; iii) nâng cấp chức năng, từ các liên kết cấp thấp có giá trị gia tăng thấp đến các liên kết cao cấp có giá trị gia tăng cao trong cùng một chuỗi giá trị; và iv) nâng cấp liên ngành, từ nhà cung cấp cấp thấp đến nhà cung cấp cấp cao biết cách làm độc lập và có quyền sở hữu công nghệ.

Nói chung, nâng cấp công nghiệp bắt đầu từ nâng cấp quá trình tiến hành sản xuất đến nâng cấp sản phẩm, sau đó đến nâng cấp chức năng và cuối cùng là thay đổi liên ngành. Quá trình chuyển từ sản xuất thiết bị gốc (OEM) sang sản xuất thiết kế ban đầu (ODM) và sau đó sang sản xuất thương hiệu gốc (OBM) thường được xem là một chuỗi nâng cấp chức năng; trong khi quá trình nâng cấp từ liên kết phi chiến lược sang liên kết chiến lược là biểu tượng của sự thay đổi vai trò. Các đặc điểm độc đáo của mỗi ngành công nghiệp dẫn đến các nguyên trạng và xu hướng khác nhau trong quá trình nâng cấp của ngành đó.

Về các kỹ năng cần thiết, hình 2, được Radosevic và Yoruk (2016) trích ra từ nghiên cứu của Armsden và Tschang (2003) cho thấy các kỹ năng và khả năng khác nhau cần có ở mỗi giai đoạn phát triển. Ví dụ, đọc từ ngoài cùng bên phải sang trái, ở giai đoạn sản xuất thiết bị gốc, ta chỉ cần các kỹ thuật viên và kỹ sư lành nghề để thực hiện các đổi mới trong quá trình chuyển đổi từ sản xuất sang năng lực công nghệ. Nhưng sau đó, chuyển từ quy trình và kỹ thuật sản phẩm sang phát triển nâng cao đòi hỏi các kỹ năng và kiến thức kỹ thuật có được ở cấp độ cử nhân hoặc thạc sĩ. Cuối cùng, chuyển từ phát triển khám phá sang nghiên cứu cơ bản và ứng dụng đòi hỏi nhiều tiến sĩ có nhiều kinh nghiệm về nghiên cứu và phát triển.

Tất nhiên, đây chỉ là một bản phác thảo của các yêu cầu chung: giáo dục thực tế và khả năng hấp thụ phụ thuộc vào từng ngành và sản phẩm.

Tuy nhiên, quá trình nâng cấp để đi lên trong chuỗi giá trị gia tăng khó được thực hiện cho các nước đang phát triển theo chế độ chiến lược tích hợp dọc (Vertically Integrated Strategy – VIS) như Việt Nam hiện nay so với các nước/vùng lãnh thổ như Hàn Quốc hay Đài Loan trước đây. Có ba lý do. Thứ nhất, quyết định sản xuất bộ phận hay phần nào không phụ thuộc vào một nước theo VIS mà phụ thuộc vào quyết định của các công ty phi quốc gia. Một số rất ít quốc gia rất lớn, chẳng hạn như Trung Quốc, có thể tận dụng quy mô nội địa khổng lồ của mình để ép các công ty dẫn đầu này phải sản xuất nhiều linh kiện có giá trị cao trong nội địa. Đối với các quốc gia khác nhỏ hơn, điều đó không dễ dàng như vậy vì các công ty này có nhiều lựa chọn.

Thứ hai, bởi vì chuỗi giá trị toàn cầu rất hiệu quả, việc chen chân vào chuỗi này đòi hỏi chi phí khá cao lúc đầu cho các nước đang phát triển.

Thứ ba, quyết định sản xuất một thành phần ở bất kỳ quốc gia nào có thể không liên quan gì đến chiến lược phát triển kinh tế của quốc gia đó vì nó dựa trên tối đa hóa lợi nhuận cho các công ty dẫn đầu, thay vì từ góc độ phát triển của quốc gia này.

Chính phủ phải can thiệp trong tình huống này, lý do thứ nhất liên quan đến thất bại thị trường và lý do thứ hai từ nguyên tắc “đầu tiên” trong kinh tế học.

Cùng với việc toàn cầu hóa và các chuỗi cung ứng liên quốc gia, thế giới đã trở thành một nhà máy khổng lồ dùng lao động giá rẻ: các nhà máy trong nhiều ngành công nghiệp có thể đóng cửa ở một quốc gia và chuyển sang nước khác nếu tiền lương nhân công tăng nhanh hơn năng suất. Năng suất cao hơn cũng có nghĩa là có ít việc làm hơn nếu đầu ra không tăng, do đó, cả công ty (sở hữu nước ngoài) cũng như ở cấp Chính phủ đều muốn để yên mọi chuyện ở mức cân bằng thấp này. Trừ khi Chính phủ đặt ra các chính sách để giải quyết vấn đề này, cơ chế thị trường sẽ không có một giải pháp tối ưu (hoặc chỉ dẫn đến trạng thái cân bằng thấp).

Về lý do thứ hai, mặc dù việc đảm nhận sản xuất các sản phẩm hay thành phần có giá trị gia tăng cao trong chuỗi giá trị toàn cầu là rất cần thiết để một quốc gia phát triển kinh tế, nhưng mô hình sản xuất dựa hoàn toàn trên năng suất và quy mô lớn tạo ra chi phí lớn cho người đi đầu tiên, trong khi những người theo sau không những không cần phải trả các chi phí đó mà còn được hưởng nhiều lợi ích (trừ khi những người đi đầu được các chính sách công giúp đỡ).

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới