Thứ Hai, 13/05/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Tìm cách thay đổi cơ cấu hàng xuất khẩu

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Tìm cách thay đổi cơ cấu hàng xuất khẩu

Kim ngạch xuất khẩu của ngành thủy sản năm qua đạt trên 1 tỉ đô la Mỹ nhưng đây là ngành hàng có độ rủi ro cao – Ảnh minh họa: Lê Toàn

(TBKTSG Online) – Các chuyên gia kinh tế cùng góp ý rằng việc quan trọng đối với xuất khẩu Việt Nam hiện nay là cơ cấu lại nhóm hàng để gia tăng giá trị và lợi nhuận, theo thông tin từ “Diễn đàn xúc tiến xuất khẩu một năm sau khi gia nhập WTO”.

Tại diễn đàn, khi đánh giá những tác động đến xuất khẩu của Việt Nam, nguyên Bộ trưởng Bộ Thương mại Trương Đình Tuyển tổng kết rằng có bốn vấn đề lớn đối với ngành này, trong đó vấn đề đầu tiên là cơ cấu hàng xuất khẩu lạc hậu, qua nhiều năm không thay đổi.

Tỷ trọng những mặt hàng xuất khẩu thô, hàng nông sản lợi nhuận thấp, hàng gia công cao. Vấn đề này đặt trong bức tranh xuất khẩu toàn cầu càng lộ rõ và đòi hỏi những thay đổi để gia tăng giá trị cho ngành kinh tế được coi là mũi nhọn của đất nước.

Đồng quan điểm với ông Tuyển, Phó vụ trưởng Vụ thương mại và dịch vụ (Bộ Kế hoạch Đầu tư) Thái Doãn Tửu nhấn mạnh: “Trong hiệu quả kinh tế của hoạt động xuất khẩu, có vấn đề về cơ cấu của mặt hàng xuất khẩu”. Ông Tửu minh chứng rằng trên 60% giá trị kim ngạch là mặt hàng xuất khẩu dạng thô, giá trị gia tăng thấp.

Trong hàng công nghiệp xuất khẩu thì giá trị gia công lại cao, nhất là may mặc và giày dép. Bên cạnh đó, hàng hóa xuất khẩu hầu hết chưa có thương hiệu trên thị trường thế giới và tính cạnh tranh thấp. Cụ thể, 16 nhóm hàng có kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỉ đô la Mỹ năm 2007 đều thuộc về các nhóm xuất thô và gia công như: xăng dầu, may mặc, thủy sản, cà phê, gạo và một số mặt hàng khác.

Ông Võ Trí Thành, Trưởng ban nghiên cứu chính sách hội nhập kinh tế quốc tế (Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương) định lượng rằng thời gian một năm chưa phải là đầy đủ để đánh giá các tác động của việc gia nhập WTO đối với xuất khẩu của Việt Nam. Tuy nhiên, quãng thời gian ngắn này cũng giúp Việt Nam nhìn ra được những “lỗ hổng” vô hình trong việc thúc đẩy giá trị xuất khẩu mà quan trọng nhất là tránh rơi vào cái bẫy mang tên “chi phí lao động thấp” để tiếp tục gia tăng tỷ lệ gia công trong xuất khấu, lấy công làm lãi.

Ông Thành nhận xét rằng nếu chỉ nhìn thấy kim ngạch xuất khẩu của một số mặt hàng có giá trị trên 1 tỉ đô la Mỹ như dệt may, thủy sản mà tăng tốc đầu tư vào đó thì tỷ lệ rủi ro cao hơn vì nhóm hàng đó phụ thuộc quá nhiều vào rủi ro của thị trường lao động và chi phí gia công giá thấp. Độ mở của nền kinh tế càng khiến các doanh nghiệp xuất khẩu nhìn thấy thách thức và cơ hội chuyển dịch dần cơ cấu đầu tư cho xuất khẩu các mặt hàng có giá trị cao, đặc biệt là xuất khẩu dịch vụ.

Ông Tửu nhắc: “Các chính sách hỗ trợ xuất khẩu của nước ta hiện nay cũng nhằm vào mục tiêu chiến lược là thay đổi cơ cấu trong xuất khẩu theo hướng chuyển dần sang xuất các nhóm mặt hàng chế tạo có giá trị gia tăng cao, nhằm tăng hiệu quả kinh tế và chất lượng của xuất khẩu”.

                       NGỌC LAN

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới