Thứ Tư, 15/05/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Tìm cách vượt bão

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Tìm cách vượt bão

Vân Ly

Tập trung đào tạo đội ngũ, xây dựng các quy trình quản lý sản xuất và chất lượng nhằm nâng cao sức cạnh tranh trong tương lai là một việc quan trọng của các doanh nghiệp lúc này.

(TBVTSG) – Thông tin từ cuộc hội thảo “Thách thức và triển vọng 2009 với ngành phần mềm Việt Nam 2009” do Hiệp hội Doanh nghiệp Phần mềm (Vinasa) tổ chức vào cuối tháng 4 vừa qua cho thấy, hiện ngành phần mềm Việt Nam đang gặp rất nhiều khó khăn do ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu. Song, các doanh nghiệp vẫn đang nỗ lực tìm cách vượt qua “cơn bão” và tìm cho mình cơ hội trong chính giai đoạn khó khăn này.

Ông Trương Gia Bình, Chủ tịch Vinasa, cho rằng ngành phần mềm Việt Nam chủ yếu dựa vào xuất khẩu nên bị ảnh hưởng rất lớn bởi cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu. Tình trạng đình trệ sản xuất và mất dần các hợp đồng gia công phần mềm đang diễn ra phổ biến trên thế giới đã đẩy ngành phần mềm Việt Nam vào cảnh khó khăn.

“Chưa bao giờ ngành phần mềm Việt Nam có hai mảng sáng – tối rõ nét như hiện nay,” ông Bình nói.

Khó khăn chồng chất

Theo ông Bình, mảng tối thể hiện ở việc các doanh nghiệp không có hợp đồng gia công, hoặc có khách hàng đã ký hợp đồng nhưng không còn tiền thanh toán, hay nhiều hợp đồng bị cắt ngang…

Trong khi đó, các doanh nghiệp vẫn phải lo tiền để trả lương cho nhân viên, duy trì bộ máy. Ông Bình nhận định, năm 2008 mức tăng trưởng của ngành phần mềm Việt Nam chỉ đạt 20%, nhưng năm nay con số này được dự báo sẽ còn giảm nhiều hơn nữa, thậm chí chỉ có thể đạt 10%.

Ông Nguyễn Thành Nam, Tổng giám đốc FPT, cho biết không chỉ tác động đến doanh thu, cuộc suy thoái kinh tế còn ảnh hưởng đến kế hoạch mở chi nhánh ở nước ngoài của Công ty Phần mềm FPT (Fsoft). Năm ngoái, Fsoft đã mở thêm bốn chi nhánh ở Úc, Pháp, Mỹ và Malaysia (trước đó đã có hai chi nhánh ở Nhật và Singapore).

Fsoft cũng muốn mở thêm chi nhánh ở Dubai (Tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất) và London (Anh) nhưng phải hoãn lại vì biết trước năm 2009 sẽ rất khó khăn. Để đối phó với khó khăn do sụt giảm doanh số từ các thị trường Mỹ, Nhật và châu Âu, Fsoft đã đề ra những chính sách nhằm bảo vệ khách hàng, đội ngũ nhân viên, tiếp tục nâng cao năng lực kỹ thuật và quy trình chất lượng trong năm nay.

Ngoài ra, Fsoft còn thành lập ban chống khủng hoảng, kiểm soát chặt chi phí, tìm kiếm các cơ hội  mới, thâm nhập vào các thị trường tiềm năng, chia sẻ khó khăn với khách hàng bằng cách nâng cao chất lượng và giảm giá thành… Ông Nam cho biết những biện pháp này đã phát huy tác dụng bởi những tháng đầu năm nay, Fsoft đã đạt được kế hoạch kinh doanh, tăng trưởng 20% so với cùng kỳ năm ngoái.

Khác với FPT là đơn vị chuyên về xuất khẩu phần mềm, Công ty cổ phần Misa lại chuyên về phần mềm đóng gói (phần mềm thành phẩm tự viết và hoàn thiện) để cung cấp cho thị trường trong nước. Ông Lữ Thành Long, Tổng giám đốc Misa, cho biết Misa đang gặp phải vô vàn khó khăn. “Đặc thù của việc làm phần mềm đóng gói là phải đầu tư lớn cho nghiên cứu và phát triển (R&D), tiếp thị trước khi có được hợp đồng. Khủng hoảng kinh tế làm cho doanh nghiệp không những không dám đầu tư lớn mà còn đứng trước bờ vực thua lỗ hoặc phải thu hẹp quy mô.

Trong khi đó, giá cả, chi phí liên quan tới việc làm và triển khai phần mềm đều tăng. Giá phần mềm lại luôn hạ thấp, nên lợi nhuận làm phần mềm bị suy giảm nghiêm trọng. Mặt khác, để tăng cường kích cầu trong lúc khó khăn, các doanh nghiệp phải cố gắng giảm giá sản phẩm mới hy vọng thu được phí dịch vụ triển khai hoặc đào tạo. Vì vậy việc tăng thuế (thuế dịch vụ phần mềm tăng lên 25%) càng làm cho doanh nghiệp gặp khó khăn khi thực hiện chiến lược này,” ông Long nói.

Thêm nữa, theo ông Long, kinh phí hỗ trợ của Chính phủ cho các doanh nghiệp phần mềm để mở rộng thị trường xuất khẩu đã ít lại được giải ngân quá chậm, chưa kể đến việc sử dụng thiếu hiệu quả càng gây lãng phí và không giúp gì được nhiều cho doanh nghiệp lúc khó khăn. Chính phủ hầu như không tận dụng hệ thống các đại sứ quán của Việt Nam tại nước ngoài như một cầu nối xúc tiến thương mại cho lĩnh vực phần mềm, nên doanh nghiệp muốn vươn ra nước ngoài phải cứ tự mò mẫm, không được cung cấp thông tin và hỗ trợ.

Chương trình xúc tiến ứng dụng CNTT trong khối doanh nghiệp theo Đề án 191 của Chính phủ dường như không mấy có ích cho các doanh nghiệp cung cấp phần mềm trong nước bởi không kết nối được người tiêu dùng với nhà cung cấp phần mềm. Tiếp đến, do Chính phủ kêu gọi các đơn vị hành chính sự nghiệp tiết kiệm 10% chi tiêu ngân sách trong tình hình khủng hoảng nên các thị trường này cũng hạn chế chi tiêu cho CNTT.

Một khó khăn nữa mà Misa đang gặp phải là nhận thức của doanh nghiệp trong việc ứng dụng CNTT để tiết kiệm và tăng cường khả năng cạnh tranh không cao. Do đó, khi phải thu nhỏ quy mô hoạt động các doanh nghiệp thường hạn chế mua sắm phần mềm.

Vẫn có cơ hội

Mặc dù nêu ra những khó khăn nhưng ông Bình lại nhìn nhận rằng chính những khó khăn của cuộc khủng hoảng kinh tế lại tạo cơ hội cho Việt Nam. “Đây chính là mảng sáng của ngành phần mềm hiện nay. Bởi chúng ta khó, các nước khác còn khó hơn nhiều. Xu hướng của thế giới đang chuyển sang việc hình thành các trung tâm điện toán đám mây, dùng chung các dịch vụ như chúng ta đang dùng điện hiện nay. Nay trong tình hình khủng hoảng, các trung tâm ấy đang được chuyển về châu Á (trong đó Singapore và Việt Nam được coi là điểm sáng). Nhiều khách hàng lớn đang nhìn về Việt Nam như một địa điểm chuyển dịch cần thiết bởi Việt Nam đang có lợi thế về giá nhân công rẻ,” ông Bình nói.

Một cơ hội nữa, theo ông Bình, là trong khủng hoảng, các doanh nghiệp sẽ tập trung chuẩn bị cho sản phẩm mới, nâng cao khả năng cạnh tranh của chính mình cho tương lai nên việc chuyển hướng dịch vụ trong thời điểm này là rất quan trọng. Theo ông Bình, lúc này Vinasa nên tập trung đầu tư vào giáo dục bằng việc đẩy mạnh việc xây dựng trường đại học vì lĩnh vực này đang được Chính phủ hỗ trợ.

Mặc dù “vẽ” ra rất nhiều khó khăn mà doanh nghiệp mình đang gặp phải song ông Long cũng nhìn nhận thời điểm khó khăn này chính là cơ hội cho các doanh nghiệp có thời gian xem xét lại quy trình quản lý và tối ưu hóa chi phí. “Một trong những công cụ có hiệu quả nhất trong vấn đề tái cấu trúc và chuẩn mực hóa quy trình lại chính là phần mềm. Vì thế, đây sẽ là cơ hội kinh doanh tốt cho các nhà cung cấp phần mềm biết chứng minh và thuyết phục khách hàng về hiệu quả của việc đầu tư,” ông Long nói.

Trong khi không ít công ty phần mềm cắt giảm nhân viên trong cơn khủng hoảng kinh tế thì một số công ty phần mềm Việt Nam lại chuẩn bị nhân lực sẵn sàng để đón thời điểm hậu khủng hoảng, khi nhu cầu tăng trở lại. Ông Lê Xuân Hải, Giám đốc điều hành Công ty Phần mềm Việt Quốc tế (VietSoftware International), cho biết việc giờ đây ít khách hàng cũng giúp công ty có nhiều thời gian rảnh để tập trung hơn vào công tác đào tạo đội ngũ, xây dựng các quy trình quản lý sản xuất và chất lượng, nhằm nâng cao sức cạnh tranh trong tương lai.

Ông Nam cũng cho rằng khó khăn là cơ hội để doanh nghiệp trưởng thành hơn. Vì nếu ít việc, công ty sẽ có nhiều thời gian tìm cách tăng năng suất lao động, hoàn thiện một số công cụ, phát triển các sản phẩm để sử dụng hết nguồn lực. Bên cạnh đó sẽ tăng cường cho nghiên cứu các hướng công nghệ mới, đón đầu xu hướng thị trường và công nghệ khi giai đoạn  khủng hoảng kết thúc.

Ông Nguyễn Hữu Lệ, Chủ tịch Công ty Phần mềm TMA Solutions, cho rằng khó khăn là cơ hội cho Việt Nam nâng cao trình độ nhân lực bằng cách chuyển hướng dịch vụ. “Có thể chuyển từ gia công sang dịch vụ R&D. Đã có một số khách hàng dùng TMA để làm R&D. Trong tương lai, nhu cầu về các dự án R&D chuyển về Việt Nam sẽ tăng lên rất nhiều,” ông Lệ cho biết. Ngoài ra, ông Lệ còn cho rằng gặp khó trong xuất khẩu phần mềm, doanh nghiệp có thể tính đến việc viết phần mềm đóng gói.

Thị trường viễn thông trong nước đang tạo ra cơ hội lớn cho các doanh nghiệp phần mềm. Giấy phép phát triển 3G đã được cấp, mà muốn triển khai các dịch vụ 3G phải nội địa hóa, không thể yêu cầu các doanh nghiệp nước ngoài làm phần mềm tiếng Việt. Đây là cơ hội cho các doanh nghiệp Việt tham gia phát triển những phần mềm phục vụ cho viễn thông. Ông Lệ nói : “Nếu không có thử thách làm sao chúng ta biết được mình đang ở mức nào. Việt Nam còn thua xa Ấn Độ và Trung Quốc. Đây là lúc cần phải tận dụng cơ hội từ thị trường nội địa.”

Ông Nguyễn Lâm, Giám đốc Công ty Nghiên cứu thị trường IDC Việt Nam, cho biết IDC dự báo mức chi tiêu cho CNTT của Việt Nam năm 2009 đạt khoảng 2,2 tỷ đô-la Mỹ, giảm 102 triệu đô-la Mỹ so với dự báo trước đây. “Trong khi đó các doanh nghiệp lại có mục tiêu mở rộng kinh doanh, cải thiện dịch vụ khách hàng, phát triển sản phẩm mới, giảm thiểu thời gian tiếp cận thị trường… để thực hiện các mục tiêu đó, không còn cách nào khác là phải ứng dụng CNTT nên điều này tạo ra cơ hội lớn cho các công ty phần mềm,” ông Lâm nói.

Cần thêm chính sách để có thể vượt qua khủng hoảng

Tình trạng suy thoái kinh tế đang ảnh hưởng rất lớn đến ngành công nghiệp phần mềm Việt Nam. Thị trường thế giới đã bị thu hẹp với tốc độ chóng mặt, nhiều hợp đồng xuất khẩu bị cắt giảm nghiêm trọng, nhiều đơn hàng sắp ký bị dừng lại vô thời hạn, nhiều hợp đồng bị hoãn, hủy. Trong khi đó, các doanh nghiệp phần mềm Đông Âu đang tăng tốc để chiếm lĩnh thị trường châu Âu nhờ lợi thế về địa lý và sự gần gũi văn hóa. Doanh nghiệp Trung Quốc giảm giá để giữ khách hàng Nhật. Doanh nghiệp Ấn Độ lại tăng cường hiệu quả với thị trường Mỹ và Anh.

Còn với thị trường trong nước, do lường trước được tác động của khủng hoảng kinh tế nên khách hàng đã cắt giảm các khoản chi tiêu cho CNTT. Mặc dù biết rằng thời điểm khủng hoảng là lúc cần tận dụng tối đa tính năng của các hệ thống phần mềm trong quản lý để  tăng hiệu suất lao động và hiệu quả kinh doanh, nhưng không phải doanh nghiệp nào cũng thực hiện.

Hiện các doanh nghiệp phần mềm đang phải gồng mình để bảo đảm việc làm cho người lao động và chống chọi với những khó khăn. Khủng hoảng kinh tế thế giới đang là thách thức to lớn và đe dọa trực tiếp đến việc thực hiện các mục tiêu phát triển của ngành phần mềm đến năm 2010 mà Chính phủ đã thông qua.

Các doanh nghiệp phần mềm bắt buộc phải thay đổi, phải tìm ra giải pháp để vượt khó. Có một số tiêu chí các doanh nghiệp cần lưu ý là : tiếp tục hạ thấp giá thành để cạnh tranh nhưng lại nâng cao chất lượng dịch vụ và sản phẩm, nâng cao kỹ năng của nhân lực. Bên cạnh đó là xác định giá trị và năng lực cốt lõi của doanh nghiệp và tập trung phát triển. Tuy nhiên, để đạt được các tiêu chí này doanh nghiệp lại phải đầu tư cả về tiền bạc lẫn sức lực. Đây sẽ là những điểm khó khăn nhất của doanh nghiệp ngành phần mềm Việt Nam.

Một khó khăn tiềm ẩn nữa mà doanh nghiệp phần mềm sẽ phải đương đầu là vấn đề nhân sự. Do thiếu việc nên phải sa thải bớt nhân viên, và vấn đề đặt ra là đến khi có việc lại khó tuyển. Năm nay dự kiến có 15.000 sinh viên các trường đại học và 10.000 sinh viên trường cao đẳng ngành CNTT ra trường, vậy họ sẽ đi đâu, về đâu ?

Chúng ta đang nhắm đến việc xây dựng đội ngũ một triệu nhân lực của ngành trong 10 năm tới, nhưng ngay thời điểm này nếu số sinh viên ra trường không có việc làm thì trong tương lai số người chọn học ngành CNTT sẽ giảm. Như thế mục tiêu có được một triệu người làm CNTT để trở thành cường quốc về phần mềm, về CNTT sẽ khó có thể đạt được.

Theo Vinasa, Chính phủ đã có nhiều văn bản và chính sách hỗ trợ để ngành phần mềm phát triển, tuy nhiên, dường như chưa đủ để ngành công nghiệp này có thể vượt qua cơn khủng hoảng hiện nay.

Oanh Nguyễn

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới