Thứ Hai, 13/05/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Tìm hiểu tiềm năng một số thị trường nhỏ tại EU

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Tìm hiểu tiềm năng một số thị trường nhỏ tại EU

Thu Nguyệt ghi

(TBKTSG Online) – Bên cạnh các thị trường lớn thuộc Liên minh châu Âu (EU) như Đức, Anh, một số thị trường khác tuy có quy mô nhỏ nhưng được đánh giá là tiềm năng đối với các mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam, như Áo, Slovakia và Slovenia.

Ngày 30-8, Bộ Công Thương tổ chức buổi đối thoại trực tuyến qua Cổng thông tin Thị trường nước ngoài (www.ttnn.com.vn) nhằm giúp doanh nghiệp khai thác ba thị trường được cho là rất mới với doanh nghiệp Việt Nam.

Doanh nghiệp Việt Nam có khai thác ba thị trường này, nhưng còn rất khiêm tốn, do thiếu thông tin. Trong đó, thương mại giữa Việt Nam và Slovenia mang tính tự phát, khởi xướng chủ yếu từ doanh nghiệp Việt Nam tại các nước Đông Âu, theo bà Nguyễn Thị Thu Hương, Tham tán thương mại tại Thương vụ Việt Nam tại Áo.

Nhìn chung, thị trường Áo, Slovakia và Slovenia là ba thị trường có quy mô không lớn. Ngoài ra, ba nước này thuộc EU, nên hàng hoá vào đây vẫn phải đáp ứng các yêu cầu về chất lượng, an toàn vệ sinh chung và luật lệ của EU. Chẳng hạn như, khi xuất hàng sang Áo, hàng hóa phải đạt yêu cầu theo tiêu chuẩn (ISO) của EU, mẫu mã thiết kế chất liệu thân thiện với môi trường, đồ gỗ thì có chứng minh nguồn gốc…

Tuy nhiên, mỗi thị trường có một số đặc điểm và nhu cầu mà doanh nghiệp Việt Nam có thể khai thác.

Theo bà Hương, Tham tán thương mại tại Thương vụ Việt Nam tại Áo, Slovenia là thị trường hàng chất lượng cao, dân số trên hai triệu người với mức sống tương đối cao so với các nước Đông Âu.

Đây được xem là nơi giúp doanh nghiệp có thể tiếp cận thị trường EU vì hàng hoá vào Slovenia có thể được vận chuyển dễ dàng sang các nước khác trong khu vực, thông qua cảng Koper (thuộc tuyến ngắn nhất nối các trung tâm thương mại của Trung Âu và Đông Âu với các nước Địa Trung Hải và Viễn Đông). Hiện một số nước như Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc đã khai thác cảng này để đưa hàng hóa xâm nhập EU.

Bà Hương cho biết thêm, ba nước này không có lợi thế đánh bắt hải sản, nên thủy hải sản được xem là mặt hàng tiềm năng.

Thủy sản chiếm tỷ trọng lớn trong cơ cấu hàng xuất khẩu của Việt Nam vào ba nước này, đặc biệt Áo là nước không có biển nên nhu cầu tiêu thụ cá, tôm thủy sản tương đối lớn.

Ngoài ra, tại thị trường Slovenia và Slovakia, mặt hàng cá tra đang được ưa chuộng vì giá thấp, chất lượng thịt ngọt, nhưng kim ngạch xuất khẩu cá tra vào hai thị trường này còn rất thấp.

Áo hầu như không có tài nguyên khoáng sản, nên sức mua rất lớn, và nhu cầu nhập khẩu hàng hoá và dịch vụ lớn. Giày dép là một trong những mặt hàng xuất khẩu có kim ngạch cao của Việt Nam vào thị trường Áo, đạt giá trị xuất khẩu 38 triệu đô la Mỹ trong bảy tháng đầu năm 2011. Trong đó, mặt hàng giày thể thao, một số giày dép cói đi trong nhà, một số loại giày dép với mức giá trung bình…đã xuất khẩu sang Áo thành công, bà Hương cho biết.

Trong bảy tháng đầu năm 2011, Áo nhập khẩu từ Việt Nam hàng hoá có tổng giá trị gần 119 triệu đô la Mỹ, trong đó chủ yếu là máy móc (37,8 triệu đô la Mỹ), dược phẩm (16,4 triệu đô la Mỹ), sản phẩm sắt thép (4,5 triệu đô la Mỹ). Tháng 11-2011, dự kiến có một đoàn doanh nghiệp Áo sang Việt Nam tìm hiểu thị trường.

Bà Hương cũng khuyên doanh nghiệp nên kiểm chứng kỹ thông tin về đối tác thông qua các thương vụ tại nước sở tại trước khi ký kết hợp đồng. “Bất kỳ ở thị trường nào cũng đều có hiện tượng lừa đảo, gian lận thương mại. Tại thị trường Áo, công ty vừa và nhỏ của Việt Nam ký kết hợp đồng thông qua mạng nhưng khi rủi ro hàng không nhận được, công ty nhờ đến thương vụ, thương vụ trực tiếp gọi điện đến họ đều từ chối cuộc hẹn, hỏi nguyên nhân thì họ nói những lỗi này do công ty Việt Nam”, bà Hương cho biết.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới