Thứ Sáu, 29/03/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Vàng tăng nóng trong ‘tuần lễ’ Thần Tài

D.Nguyễn

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) – Dịp vía Thần Tài năm 2022, giá vàng trong nước được ghi nhận tăng cao nhất trong lịch sử, cùng sự hút hàng từ vàng trang sức khi sức cầu phục hồi.

Giá vàng tăng trong cả “tuần lễ” chứ không tính riêng ngày vía Thần Tài năm nay, dù nhiều điểm bán được ghi nhận không sôi động bằng năm ngoái, vì nhiều lý do khác nhau như việc chống dịch, thu nhập giảm và giá vàng tăng cao.

Người dân mua vàng vào đầu ngày Vía Thần Tài năm nay. Ảnh: Lê Vũ

Trong ngày vía Thần Tài, giá vàng niêm yết trong ngày nhanh chóng điều chỉnh tăng so với đầu ngày. Theo đó, giá vàng SJC niêm yết giá mua vào ở mức 61,7 triệu đồng/lượng, bán 62,7 triệu đồng mỗi lượng, tăng khoảng 600.000 đồng so với ngày hôm qua; trong khi đó các loại vàng trang sức giữ ở mức ổn định, không tăng quá nhiều. Cuối giờ chiều, giá vàng tại Doji đã điều chỉnh xuống còn 62,4 triệu đồng/lượng ở chiều bán ra.

Mức chênh lệch giữa chiều mua vào và bán ra vẫn tiếp tục duy trì ở mức cao, từ 1-1,4 triệu đồng mỗi lượng.

Trên thực tế, vàng đã tăng giá mạnh kể từ khi hết kỳ nghỉ Tết âm lịch, có thời điểm cá biệt lên đến 63-64 triệu đồng mỗi lượng dù sau đó nhanh chóng điều chỉnh giảm. Một lý do khiến giá giảm nhanh là vì xuất hiện lực bán ra trong bối cảnh giá vàng nội địa tăng cao kỷ lục, cũng như mức chênh lệch với giá vàng quốc tế cũng ghi nhận mức kỷ lục, tới hơn 13 triệu đồng mỗi lượng.

Giá vàng neo cao ở mức lịch sử là điểm khác biệt trong dịp vía Thần Tài năm nay. Trong năm ngoái mức giá chỉ quanh khoảng 56 triệu đồng mỗi lượng, tức năm nay giá vàng miếng SJC đã tăng hơn 6 triệu đồng mỗi lượng. Bên cạnh đó, mức chênh lệch giữa giá vàng trong nước và quốc tế trong năm nay cũng tăng vọt khoảng gấp đôi so với kỳ trước. Thông thường, sau ngày này giá vàng thường có xu hướng đi xuống.

Tính tổng quan thì lượng khách mua sắm trong ngày Thần Tài giảm, nhưng trước đó khách hàng cũng đã mua rải rác trong nhiều ngày trước. Tại các điểm mua sắm, khách mua tập trung chủ yếu vào đầu giờ sáng (trước giờ làm việc), khoảng 10 giờ sáng lượng khách bắt đầu nhiều hơn và đạt đỉnh vào thời điểm buổi trưa.

Theo ghi nhận, các sản phẩm bán chạy chủ yếu là loại nhỏ (từ 1-5 chỉ), các mẫu vàng trang sức mang hình tượng may mắn, hình hổ… vẫn hút khách hàng nhiều hơn, tương tự như mọi năm, trong khi sức cầu mua vàng miếng giá trị lớn thì lại bị ảnh hưởng bởi dịch và mức giá cao.

Ngoài ra, điểm khác biệt trong năm nay, theo đại diện PNJ chia sẻ, là vì ngày vía Thần Tài năm nay trùng với các dịp lễ khác như ngày Valentine và chuẩn bị bước vào mùa cưới ngay sau Tết âm lịch, nên lượng mua vàng trang sức tăng mạnh, chủ yếu là giới trẻ. Đặc biệt, nhu cầu mua vàng trang sức phục vụ cho việc cưới hỏi đã quay trở lại sau hai năm giãn cách xã hội.

Theo Công ty chứng khoán Yuanta Việt Nam, giá vàng SJC trong nước tính đến cuối tháng 1-2022 tăng khoảng 1,39% ở chiều mua vào và 1,38% ở chiều bán ra so với tháng trước đó. Giá vàng và nhu cầu mua vào ở trong nước tiếp tục ở mức cao trong tháng 1, tiếp tục đẩy giá vàng SJC trong nước cao hơn so với giá vàng thế giới khoảng 28%.

Ông Lê Trí Thông, Tổng giám đốc Công ty Vàng bạc đá quý Phú Nhuận (PNJ), đánh giá từ cuối năm 2021 và trong tháng 1 vừa qua, sức mua đều đang tăng trưởng rất tốt. Theo đó, mặc dù thu nhập ảnh hưởng vì đại dịch tác động đến việc mua vàng và trang sức nhưng sức mua cũng có sự phân hóa theo sản phẩm.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới