Thứ Năm, 28/03/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Xây dựng cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam vì sự phát triển bền vững

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Ngày 9-12-2021, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Hội đồng Doanh nghiệp vì sự Phát triển bền vững Việt Nam (VBCSD-VCCI) đã tổ chức Diễn đàn Doanh nghiệp Phát triển bền vững Việt Nam (VCSF 2021) với chủ đề “Hướng tới thập kỷ phát triển bền vững tốt đẹp hơn: Không để ai bị bỏ lại phía sau”.

Vai trò quan trọng của chiến lược phát triển bền vững

Phát biểu tại diễn đàn, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Chủ tịch Hội đồng quốc gia về phát triển bền vững và nâng cao năng lực cạnh tranh khẳng định, phát triển bền vững đã trở thành xu thế tất yếu, không thể đảo ngược.

Trong xu hướng chuyển dịch tăng trưởng xanh, cam kết của Thủ tướng Phạm Minh Chính về giảm phát thải khí nhà kính ròng về 0 tại hội nghị COP 26 và bối cảnh Covid-19, lãnh đạo Chính phủ nhấn mạnh sự góp sức từ cộng động doanh nghiệp cho mục tiêu phát triển bền vững này. Trong thời gian vừa qua, cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam đã có những đóng góp rất lớn về tài lực, vật lực và cả tinh thần vào công cuộc phòng chống dịch bệnh và khôi phục nền kinh tế Việt Nam.

Làn sóng thứ 4 của đại dịch Covid-19 đang gây ra những hệ quả hết sức nặng nề đến sự phát triển kinh tế – xã hội trên phạm vi toàn quốc. Tuy nhiên, vượt lên trên những thách thức, những doanh nghiệp có sự cam kết mạnh mẽ, bền bỉ, kiên trì theo đuổi chiến lược Phát triển bền vững trong nhiều năm qua đã thể hiện sự chống chịu, khả năng thích ứng và tự tạo ra được “kháng thể” trước đại dịch, duy trì ổn định hoạt động và tăng trưởng trong kinh doanh, đóng góp tích cực trong việc thực hiện mục tiêu kép.

“Đừng coi phát triển bền vững chỉ là sân chơi của các doanh nghiệp lớn, mà gồm cả các doanh nghiệp nhỏ và vừa. Tất cả doanh nghiệp dù nhỏ, nên theo đuổi triết lý, giải pháp cụ thể để xây dựng doanh nghiệp theo hướng bền vững ngay từ đầu”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh.

Phó Thủ tướng phát biểu tại Diễn đàn. Ảnh BTC

Tạo động lực cho các doanh nghiệp phát triển bền vững

Chương trình đánh giá, công bố Doanh nghiệp bền vững tại Việt Nam (CSI) được VCCI phối hợp với Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Tổng Liên đoàn Lao động tổ chức thường niên từ năm 2016 theo sự chỉ đạo của Chính phủ đã đạt được dấu ấn mạnh mẽ và sức lan tỏa trong cộng đồng kinh doanh tại Việt Nam. Chương trình nhằm tạo động lực cho các doanh nghiệp phát triển bền vững, hiệu quả, đảm bảo kết hợp chặt chẽ, hợp lý và hài hoà giữa hiệu quả kinh tế với trách nhiệm xã hội.

Bước sang năm thứ 6 triển khai, dù gặp nhiều thách thức từ đại dịch Covid-19, CSI 2021 vẫn ghi nhận số lượng hồ sơ tham gia đông đảo của DN từ các lĩnh vực khác nhau, không phân biệt quy mô và thành phần kinh tế. Từ hơn 600 doanh nghiệp lọt qua vòng sơ khảo, Ban tổ chức đã lựa chọn ra 100 doanh nghiệp tiêu biểu nhất, đi đầu trong thực hiện phát triển bền vững.

Các doanh nghiệp phát triển bền vững Việt Nam được đánh giá chủ yếu thông qua bộ tiêu chí CSI trên 4 lĩnh vực của VCCI. Bộ chỉ số này được cập nhật và đổi mới qua từng năm để phù hợp với bối cảnh phát triển của đất nước. Bộ chỉ số đánh giá phát triển bền vững mới nhất của VCCI (CSI 2021) có 119 chỉ tiêu trong đó có 12 chỉ số kết quả phát triển bền vững, 22 chỉ số quản trị, 25 chỉ số về môi trường và 60 chỉ số về lao động và xã hội.

Tổng Thư ký VCCI, Phó Chủ tịch điều hành VBCSD Nguyễn Quang Vinh phát biểu tại chương trình, những doanh nghiệp bền vững được vinh danh là những doanh nghiệp đã nhận thức đúng triết lý cốt lõi của kinh doanh chân chính là tạo nên giá trị lợi ích hài hòa, bền lâu cho chính doanh nghiệp, cho cả cộng đồng và cho thế hệ tương lai. Nhiều doanh nghiệp là những doanh nghiệp lớn đã có bề dày lịch sử hoạt động sản xuất – kinh doanh, đã quyết liệt “làm mới mình” chuyển đổi một cách có hệ thống từ tư duy kinh đơn thuần sang kinh doanh bền vững.

Là công ty dược duy nhất được vinh danh “Top 10 Doanh nghiệp bền vững năm 2021”, Traphaco đã thể hiện được sự tiên phong của doanh nghiệp lớn trên con đường thực hiện các chiến lược phát triển bền vững. Bà Đào Thúy Hà, Thành viên Hội đồng quản trị kiêm Phó Tổng giám đốc cho biết, Traphaco đã vận dụng những tiêu chí, tiêu chuẩn bền vững của bộ chỉ số CSI cho mô hình quản trị, hoạt động sản xuất, kinh doanh của mình để thích ứng linh hoạt, trụ vững và duy trì hiệu quả tăng trưởng. Định hướng kinh doanh có trách nhiệm và phát triển bền vững được thấm nhuần và trở thành cam kết trong toàn bộ bộ máy Traphaco, từ cấp lãnh đạo đến từng cá nhân người lao động.

Dự kiến hết năm 2021, doanh thu đạt 2.170 tỉ đồng, vượt 4% kế hoạch năm và tăng trưởng 14% so với năm 2020. Lợi nhuận sau thuế dự kiến đạt 265 tỉ dồng, vượt 10% kế hoạch năm và tăng trưởng 25%. Kết quả tăng trưởng kép thực tế cho thấy Chiến lược bền vững mà Traphaco theo đuổi nhiều năm nay đã phát huy hiệu quả, duy trì chuỗi sản xuất – cung ứng thông suốt khi toàn xã hội giãn cách, thực hiện “3 tại chỗ”, bà Hà cho biết thêm.

Phát triển kinh doanh gắn liền với thực hiện trách nhiệm xã hội, Traphaco đã triển khai nhiều chương trình cộng đồng để tạo ra những tác động tích cực cho nền kinh tế, văn hóa và xã hội, góp phần cải thiện chất lượng môi trường và nâng cao đời sống của người dân tại nhiều địa phương trên cả nước.

Nhân viên kỹ thuật Traphaco hướng dẫn bà con dân tộc tại Sapa, Lào Cai trồng Actiso theo chuẩn GACP-WHO. Ảnh Traphaco

Để phát triển bền vững không chỉ là một vài điểm sáng mà là chiến lược của cả cộng đồng doanh nghiệp tại Việt Nam như Phó Thủ tướng chỉ đạo. Chương trình mong muốn tiếp tục được lan tỏa cùng cộng đồng doanh nghiệp đóng góp vào công cuộc xây dựng Tổ quốc Việt Nam hưng thịnh, hạnh phúc, phát triển bền vững và không để ai bị bỏ lại phía sau.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới