Thứ Tư, 24/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Xe hơi trở thành tài sản chống lạm phát ở Pakistan

Khánh Lan

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) – Tại Pakistan, mọi người có thể mua một chiếc xe mới, lái nó trong nhiều năm và bán lại với giá cao hơn giá gốc. Do vậy, xe hơi đang trở thành tài sản được săn lùng như là một công cụ chống lạm phát hiệu quả.

Chợ bán xe cũ ở khu New Karachi, Pakistan. Ảnh: Bloomberg

Muhammad Rameez, trưởng bộ phận bán hàng của Công ty Foundation Securities, cho biết ông đã mua chiếc hatchback (biến thể của sedan) mới từ một đại lý của Suzuki Motor vào năm 2019. Sau ba năm sử dụng với tổng quãng đường di chuyển là 12.000 km, Rameez định giá nó cao hơn 65% so với giá gốc. Theo Công ty Optimus Capital Management, một chiếc Toyota Corolla mua mới với giá 2 triệu rupee (8.766 đô la Mỹ) cách đây 5 năm có thể bán lại trên thị trường xe cũ với giá 3,2 triệu rupee, tăng 60% so với trước khi điều chỉnh lạm phát.

Đồng rupee giảm giá, thị trường bảo hộ và lạm phát cao góp phần  làm tăng giá trị ô tô và tạo thị trường điên rồ đối với những chiếc xe đã qua sử dụng. Các bên trung gian, thường được gọi là “nhà đầu tư” và đại lý ô tô, đã mua xe mới với số lượng lớn và bán chúng với giá cao. Để được giao xe nhanh, người mua phải trả thêm cho các bên trung gian này một loại phí, khiến giá bán xe cao hơn giá niêm yết.

Theo Viện Kinh tế phát triển Pakistan, khách hàng mua xe ở Pakistan đã trả khoản phí này với tổng giá trị 170 tỉ rupee (760 triệu đô la Mỹ) trong 5 năm qua. Dù bị xem là bất hợp pháp, khoản phí này vẫn tồn tại vì hai lý do: nguồn cung xe thấp và lượng khách hàng đặt mua trước quá lớn.

Muhammad Faisal, Chủ tịch bộ phận ô tô của Lucky Motor Corp., công ty bán các mẫu xe thương hiệu Kia (Hàn Quốc) và Peugeot (Pháp) ở Pakistan, nói: “Mục tiêu của nhà đầu tư là thu được lợi nhuận tài chính trong ngắn hạn. Khi chúng tôi nói chuyện này với các nhà sản xuất toàn cầu khác, họ rất ngạc nhiên khi biết được khách hàng phải bỏ thêm một khoản tiền ngoài giá niêm yết để mua một chiếc xe hơi”.

Nếu chọn phương án đặt mua và chờ giao xe, khách hàng thậm chí có thể tốn kém hơn. Khi Subhan Mohsin Ahmed đặt mua một chiếc Honda Civic đời 2022 hồi tháng 3, có giá niêm yết 5,3 triệu rupee, ông được thông báo sẽ mất một năm để nhận được xe. Kể từ đó, giá xe đã tăng 33% và dự kiến sẽ còn tăng nữa. Các hợp đồng mua xe ở Pakistan yêu cầu khách hàng phải trả trước một phần vào thời điểm đặt mua và phần lớn tiền còn lại vào ngày giao xe.

Tại một chợ bán xe cũ ở khu New Karachi, người mua và người bán  chốt các giao dịch liên tục vào mỗi tối Chủ nhật. Để vào khu chợ có sức chứa khoảng 2.000 xe, mọi người phải mua chiếc vé khoảng 300 rupee.

Các chu kỳ kinh tế tăng trưởng bùng nổ rồi trì trệ lặp đi lặp lại đã đẩy Pakistan vào 13 chương trình vay giải cứu của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) kể từ cuối những năm 1980 và thu nhập bình quân đầu người ở nước này hầu như không thay đổi trong nhiều thập niên. Pakistan là một trong những nơi ghi nhận tốc độ lạm phát nhanh nhất ở châu Á và đồng rupee giảm gần 300% kể từ năm 2000.

Mức sống thấp khiến thị trường của nước này trở nên nhỏ bé, với doanh số ô tô 120.000-220.000 chiếc mỗi năm trong hầu hết các năm kể từ năm 2004. Điều đó khiến việc thiết lập các nhà máy sản xuất ô tô quy mô lớn là không khả thi. Thay vào đó, các công ty đã nhập khẩu các linh kiện, lên đến 90% của chiếc ô tô thông thường, và lắp ráp xe trong nước. Các nhà máy sẽ lắp ráp xe sau khi nhận được đơn đặt hàng, thay vì sản xuất trước để đón đầu nhu cầu, do vậy, khách hàng thường phải đợi cả năm mới nhận được xe.

Theo Công ty đầu tư thị trường cận biên Tundra Fonder, xu hướng tương tự cũng diễn ra ở các nước khác đang đối mặt với sự sụt giá tiền tệ thường xuyên.

Mattias Martinsson, Giám đốc đầu tư của Tundra Fonder, nói: “Hầu hết các thị trường của chúng tôi đều có tiền tệ tương đối ổn định và chúng tôi không nhận thấy yếu tố này. Nhưng Ai Cập lại có những đặc điểm tương tự với ngành công nghiệp ô tô của Pakistan”.

Khi Lucky Group giới thiệu các mẫu xe Kia ở thị trường Pakistan vào năm 2019, công ty này muốn nhìn thấy những chiếc xe này chạy trên đường thay vì trong các showroom xe cũ. Vì vậy, các nhân viên đã rà soát và kiểm soát danh sách những người mua từng ghé thăm showroom của công ty để đảm bảo rằng không có bất kỳ “nhà đầu tư” nào trong số họ. Muneeb Gulzar, chủ đại lý ô tô đã qua sử dụng Sam Automobiles, chuyên bán các loại ô tô nhập khẩu cao cấp như Audi và Porsche ở Karachi, cho biết ông không vội bán chúng.

“Những chiếc xe này nằm ở đây càng lâu, chúng càng có giá trị”, ông giải thích.

Theo Bloomberg

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới