(KTSG Online) - Ý vừa thông qua đạo luật cấm sản xuất thịt được nuôi từ tế bào động vật trong phòng thí nghiệm nhằm bảo vệ ngành nông nghiệp và văn hóa ẩm thực truyền thống của nước này.
- Mỹ lần đầu tiên cho phép bán thịt nuôi cấy trong phòng thí nghiệm
- Singapore cấp phép bán thịt gà sản xuất từ phòng thí nghiệm
Hôm 16-11, Quốc hội Ý thông qua đạo luật cấm sản xuất thịt trong phòng thí nghiệm do chính phủ cánh hữu của Thủ tướng Giorgia Meloni đề xuất. Đạo luật mô tả sự phát triển của thịt nuôi cấy trong phòng thí nghiệm và các thực phẩm phi truyền thống khác như bột côn trùng giàu protein là mối đe dọa đối với di sản ẩm thực của đất nước.
Bộ trưởng Nông nghiệp Ý Francesco Lollobrigida gọi lệnh cấm này “biện pháp dũng cảm mà người dân yêu cầu”, đưa Ý trở thành nước tiên phong về một lệnh cấm như vậy.
“Chúng tôi là nước đầu tiên đưa ra lệnh cấm này, dù rất tôn trọng các công ty đa quốc gia, những bên đang hy vọng kiếm được lợi nhuận khổng lồ bằng cách gây nguy hiểm cho việc làm và sức khỏe của người dân”, Bộ trưởng Lollobrigida viết trong một bài đăng trên Facebook.
Trao đổi với Politico, ông Lollobrigida nhấn mạnh lệnh cấm nhằm “bảo vệ việc làm, môi trường, văn hóa và bản sắc, bắt nguồn từ chất lượng thực phẩm”. Đối với ông, sản xuất thịt nuôi cấy là mối đe dọa hiện hữu đối với nghề chăn nuôi truyền thống và lối sống gắn chặt với đất đai ở vùng nông thôn.
“Nếu bạn sản xuất một loại thực phẩm không liên quan đến con người, đất đai, công việc, bạn có thể chuyển sản xuất sang một nơi có thuế thấp hơn và ít tiêu chuẩn môi trường hơn, gây tổn hại đến việc làm và môi trường”, ông bày tỏ quan điểm.
Kể từ khi nhậm chức một năm trước, ông Lollobrigida đã đưa ra một loạt biện pháp bảo vệ văn hóa và di sản ẩm thực Ý. Hồi tháng 3, ông yêu cầu dán nhãn rõ ràng và cảnh báo sức khỏe đối với loại bột có nguồn gốc từ côn trùng như dế và ấu trùng sâu bột. Bột côn trùng, chứa nhiều vitamin, protein và khoáng chất, đã được Liên minh châu Âu (EU) cấp phép.
Bộ trưởng Lollobrigida giải thích, ông không chống đối bột côn trùng mà chỉ là bảo vệ sự minh bạch. Ông muốn đảm bảo rằng người dân biết “liệu có bọ cạp hay ấu trùng trong bột mì của họ hay không”.
Năm ngoái, Coldiretti, một trong những hiệp hội nông nghiệp lớn nhất của Ý, bắt đầu vận động cấm thịt nuôi cấy vì cho rằng loại thịt mới đe dọa tương lai của các nông trại chăn nuôi và chuỗi thực phẩm của Ý. Chiến dịch vận động của Coldiretti đã thu hút được hơn 2 triệu chữ ký và sự ủng hộ của 3.000 chính quyền địa phương và khu vực của Ý.
“Chúng tôi tự hào là nước đầu tiên làm được điều đó. Chúng tôi muốn ngăn chặn việc bán thực phẩm được sản xuất trong các phòng thí nghiệm hiện chưa rõ ảnh hưởng đến sức khỏe của người tiêu dùng như thế nào”, Ettore Prandini, Chủ tịch Coldiretti, viết trên Facebook hôm 16-11.
Các công ty nông nghiệp Ý lo ngại nhu cầu trong tương lai của giới trẻ về thịt phòng thí nghiệm có thể ảnh hưởng đến lợi nhuận của họ. Theo ISMEA, một cơ quan chính phủ có trụ sở tại Rome, chuyên cho vay và cung cấp hỗ trợ kỹ thuật cho các công ty nông nghiệp, năm ngoái, ngành chăn nuôi của Ý đã bán được các sản phẩm thịt bò trị giá 6,3 tỉ euro, bao gồm bít tết và các sản phẩm thịt heo trị giá 8,4 tỉ euro.
Theo đạo luật mới, các công ty và nhà hàng cũng sẽ bị cấm sử dụng các từ như “bít tết” hoặc “xúc xích” để mô tả các sản phẩm có nguồn gốc từ thực vật.
“Thực phẩm tổng hợp đại diện cho một phương thức nguy hiểm nhằm phá hủy mọi mối liên hệ với thực phẩm tự nhiên và các vùng đất khác nhau bằng cách xóa bỏ mọi nét khác biệt về văn hóa, thường có niên đại hàng nghìn năm”, đạo luật cho biết.
Tuy nhiên, không phải tất cả người Ý đều hài lòng với lệnh cấm nói trên. Các thành viên của đảng đối lập Più Europa ở Ý chỉ trích chủ tịch của Coldiretti “thiếu hiểu biết”.
“Coldiretti đã bóp méo cuộc tranh luận (về thịt nuôi cấy trong phòng thí nghiệm) vì lợi ích kinh tế trực tiếp của họ”, Benedetto Della Vedova, Chủ tịch của Più Europa, nói.
Francesca Gallelli từ Viện Thực phẩm tốt châu Âu, một tổ chức vận động “thịt thực vật”, nói với Financial Times rằng lệnh cấm cản trở cuộc chiến chống biến đổi khí hậu.
“Thịt sản xuất từ phòng thí nghiệm cho phép mọi người ăn những gì họ yêu thích với lượng khí thải ít hơn”, bà nói và cho biết thêm, trong khi các nhà đầu tư đổ tiền vào lĩnh vực này ở các nước châu Âu khác, Ý lại đóng cửa những cơ hội đầu tư tương tự.
Liên minh protein bổ sung Ý, một tổ chức đại diện cho các công ty và nhà nghiên cứu về protein thịt được nuôi cấy và có nguồn gốc thực vật, cho rằng đạo luật mới quy định những gì người dân có thể và không thể ăn, ngăn cản sự đổi mới và có khả năng vi phạm luật pháp của EU.
“Ý từng nổi tiếng trên thế giới với những đổi mới như vi mạch và thời trang đột phá, nhưng các nhà chính trị Ý hiện chọn cách đi lùi trong khi thế giới tiến về phía trước”, tổ chức này cho biết.
Khác với Ý, một số nước đang hướng đến thịt nuôi cấy. Cuối năm 2020, Good Meat, công con của Eat Just, có trụ sở ở California, đã được cấp phép bán sản phẩm thịt gà nuôi cấy trong phòng thí nghiệm ở Singapore.
Good Meat có kế hoạch xây dựng cơ sở sản xuất ở bang California và Singapore với tổng công suất lên tới 13.600 tấn thịt mỗi năm. Hồi tháng 6-2023, Upside Foods và Good Meat xác nhận đã được Bộ Nông nghiệp Mỹ cấp phép sản xuất và bán thịt gà nuôi cấy trong phòng thí nghiệm.
Các công ty sản xuất thịt nuôi cấy hy vọng sản phẩm của họ sẽ cung cấp một giải pháp thay thế hấp dẫn cho những người muốn tìm kiếm một sự lựa chọn nhân đạo và thân thiện với môi trường hơn cho khẩu phần thịt hàng ngày. Họ cũng nhắm đến những người có thể không hài lòng với các sản phẩm “thịt thực vật” đã có trên thị trường.
Theo Financial Times, Politico.eu