Thứ ba, 26/11/2024
27 C
Ho Chi Minh City

Biến động cổ đông nước ngoài

Thụy Lê

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG) - Có thể thấy những ngân hàng mà IFC thoái vốn đều đang gặp những khó khăn và hạn chế trong các chiến lược tăng trưởng. Chưa rõ IFC có đầu tư thêm vào một ngân hàng nào khác trong thời gian tới hay không, hay sẽ tập trung vốn để tăng tỷ lệ sở hữu tại các khoản đầu tư hiện có.

IFC đã bán hơn 84 triệu cổ phiếu của ABBank, tương đương 8,2% cổ phiếu đang lưu hành, theo lộ trình thoái vốn đã được hoạch định trước đó. Nguồn: ABBank

Biến động cổ đông nước ngoài

Ngày 21-5-2024, hơn 68,7 triệu cổ phiếu của ABBank (UpCom: ABB) đã được trao tay, đánh dấu khối lượng khớp lệnh kỷ lục kể từ khi lên sàn; tiếp đó, ngày 22-5, thêm 15,76 triệu cổ phiếu nữa khớp lệnh. Theo thông tin từ ABBank, Tổ chức Tài chính quốc tế (IFC) đã bán hơn 84 triệu cổ phiếu của ABBank, tương đương 8,2% cổ phiếu đang lưu hành, theo lộ trình thoái vốn đã được hoạch định trước đó.

Đầu tư vào ABBank từ năm 2020 với giá trị lên tới 40,5 triệu đô la Mỹ, bao gồm việc mua 480 tỉ đồng trái phiếu chuyển đổi (khoảng 24,5 triệu đô la), cho phép IFC sở hữu 10% vốn điều lệ của ABBank và 312 tỉ đồng (khoảng 16 triệu đô la) trái phiếu thường, việc IFC chính thức thoái hết vốn sau 14 năm đã thu hút sự chú ý của giới tài chính trong những ngày qua.

Đặc biệt, với mức giá khớp lệnh bình quân trong hai phiên IFC bán ra chỉ khoảng 8.800 đồng/cổ phiếu, ước tính giá trị mà IFC thu về là hơn 739 tỉ đồng, tương đương khoảng 29,2 triệu đô la (tính theo tỷ giá 25.300 đồng/đô la), thấp hơn nhiều so với giá trị đầu tư ban đầu. Hiện chưa rõ ai mua cổ phần do IFC thoái ra, trong khi ABBank cũng chỉ còn một cổ đông chiến lược nước ngoài là Maybank của Malaysia, với tỷ lệ sở hữu duy trì ở mức 20%.

Hoạt động kinh doanh của ABBank trong những năm qua thiếu sự bứt phá, với lợi nhuận sau thuế năm 2023 chỉ đạt hơn 453 tỉ đồng, giảm hơn 66% so với năm 2022; lãi cơ bản trên cổ phiếu (EPS) chỉ còn 438 đồng/cổ phiếu. Đáng lưu ý, trong quí 1-2024, quy mô kinh doanh của ABBank bất ngờ sụt giảm đáng kể, với tổng tài sản giảm 10,7%, trong đó dư nợ cho vay giảm 19,3%, còn tiền gửi khách hàng cũng giảm 16,5%.

Trong thương vụ thoái vốn tại ACB, bên mua được cho là vẫn là một nhóm nhà đầu tư nước ngoài khác, khi tỷ lệ sở hữu nước ngoài tại ACB vẫn ở mức 30%. Thương vụ tại Home Credit Việt Nam cũng là sự sang tay giữa các nhà đầu tư nước ngoài. Còn thương vụ tại ABBank, có lẽ IFC đơn thuần đang tái cơ cấu lại danh mục đầu tư và muốn tìm kiếm một thương vụ khác hấp dẫn hơn.

Thực tế gần đây thị trường cũng chứng kiến sự biến động cổ đông nước ngoài tại các tổ chức tín dụng. Hồi tháng 3-2024, quỹ ngoại Whistle Investment Limited đã bán hết 193,9 triệu cổ phiếu ACB, thu về tổng cộng hơn 5.471 tỉ đồng sau sáu năm gắn bó. Whistle Investment Limited cùng Sather Gate Investments Limited, cả hai quỹ đều thuộc sở hữu của công ty mẹ Alp Asia Finance Vietnam Limited, đã trở thành cổ đông lớn của ACB vào năm 2018, thay thế cho Standard Chartered Bank.

Hay trước đó, cuối tháng 2-2024, Tập đoàn Home Credit công bố việc ký thỏa thuận khung có điều kiện để chuyển nhượng 100% phần vốn góp trong Công ty Tài chính TNHH MTV Home Credit Việt Nam (Home Credit Vietnam) cho bên mua là The Siam Commercial Bank Public Company Limited (SCB) - thành viên của SCBX Public Company Limited (SCBX). Như vậy, sau 15 năm hoạt động tại thị trường Việt Nam, Home Credit Việt Nam sắp đổi chủ.

Trước xu hướng biến động cổ đông nước ngoài tại các tổ chức tín dụng, xuất hiện một số lo ngại tính hấp dẫn và tiềm năng phát triển của thị trường tài chính Việt Nam đang suy giảm, nhất là trong bối cảnh rủi ro tỷ giá cũng ảnh hưởng lên chiến lược đầu tư của các tập đoàn tài chính quốc tế tại thị trường Việt Nam. Thời gian qua, các nhà đầu tư nước ngoài cũng bán ròng trên thị trường chứng khoán Việt Nam.

Dù vậy, còn quá sớm để nhận định về xu hướng này. Thực tế trong thương vụ thoái vốn tại ACB, bên mua được cho là vẫn là một nhóm nhà đầu tư nước ngoài khác, khi tỷ lệ sở hữu nước ngoài tại ACB vẫn ở mức 30%. Thương vụ tại Home Credit Việt Nam cũng là sự sang tay giữa các nhà đầu tư nước ngoài. Còn thương vụ tại ABBank, có lẽ IFC đơn thuần đang tái cơ cấu lại danh mục đầu tư và muốn tìm kiếm một thương vụ khác hấp dẫn hơn, nhất là khi đây không phải là tên tuổi xa lạ trên thị trường tài chính Việt Nam.

Tìm cơ hội mới?

Trong một diễn biến khác, hồi đầu tháng 4-2024, Ngân hàng Phương Đông (OCB) và IFC chính thức ký kết thỏa thuận tư vấn chuyển đổi ngân hàng xanh và dịch vụ ngân hàng số bán lẻ và doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME), hướng đến mục tiêu phát triển bền vững, hiệu quả cho ngân hàng, khách hàng, xã hội… Mối quan hệ hợp tác giữa OCB và IFC đã được thiết lập từ năm 2011; gần đây nhất, vào tháng 3-2023, ngân hàng này đã nhận thêm khoản vay 100 triệu đô la từ IFC, với kỳ hạn năm năm, nhằm mở rộng cho vay doanh nghiệp SME tại Việt Nam.

Trong năm 2023, IFC cũng rót vốn tài trợ cho các ngân hàng như SHB, VIB hay SeABank với giá trị lên tới hàng trăm triệu đô la, theo các dự án hỗ trợ vốn cho các doanh nghiệp SME, cung cấp các khoản vay mua nhà có giá trị thấp… Không chỉ rót vốn vào các tổ chức tín dụng, IFC còn đầu tư và cung cấp vốn khá lớn cho nhiều doanh nghiệp Việt Nam, các dự án tập trung vào giải quyết các thách thức lớn như biến đổi khí hậu, an ninh lương thực, rào cản thương mại, tín dụng nhà ở.

IFC từng thành công với nhiều thương vụ đầu tư vào các ngân hàng Việt Nam như ngân hàng ACB, Sacombank, Techcombank, Eximbank…, cùng với việc liên tục mở rộng nguồn cấp tín dụng qua hình thức tài trợ thương mại cho nhiều ngân hàng trong nước.

Đây không phải là lần đầu tiên IFC thoái vốn khỏi một ngân hàng trong nước. Trước đó, vào cuối năm 2019 và đầu năm 2020, IFC từng thực hiện thoái vốn dần khỏi VietinBank, sau tám năm hiện diện tại ngân hàng này với tỷ lệ sở hữu ban đầu hơn 8%. Giai đoạn đó VietinBank cũng đối mặt với khó khăn không thể tăng thêm vốn, nên triển vọng tăng trưởng trong hoạt động kinh doanh cũng không mấy tích cực.

Có thể thấy những ngân hàng mà IFC thoái vốn đều đang gặp những khó khăn và hạn chế trong các chiến lược tăng trưởng, từ VietinBank cách đây bốn năm cho đến ABBank mới đây. Chưa rõ IFC có đầu tư thêm vào một ngân hàng nào khác trong thời gian tới hay không, hay sẽ tập trung vốn để tăng tỷ lệ sở hữu tại các khoản đầu tư hiện có.

Hiện IFC vẫn đang là cổ đông chiến lược của TPBank kể từ khi rót 403,1 tỉ đồng (tương đương khoảng 18,3 triệu đô la) thông qua hình thức mua cổ phiếu ưu đãi từ tháng 8-2016 để sở hữu gần 5% cổ phần của TPBank. TPBank có hoạt động kinh doanh bứt phá mạnh mẽ trong những năm gần đây, là một trong những ngân hàng có tốc độ chuyển đổi số nhanh nhất và mang lại nhiều hiệu quả. Việc IFC tập trung tăng tỷ lệ sở hữu tại TPBank nếu có xảy ra cũng không phải là điều bất ngờ.

Sau khi đạt mức lợi nhuận trước thuế kỷ lục 7.828 tỉ đồng trong năm 2022, năm 2023 TPBank tuy có giảm lợi nhuận xuống còn 5.589 tỉ đồng do trích lập dự phòng rủi ro tín dụng tăng mạnh từ 1.844 tỉ đồng lên 3.946 tỉ đồng, nhưng EPS vẫn ở mốc trên 2.000 đồng/cổ phiếu. Kế hoạch lợi nhuận trước thuế năm 2024 của ngân hàng này là 7.500 tỉ đồng, tăng 34% so với thực hiện năm 2023, đồng thời ngân hàng có kế hoạch sở hữu một công ty tài chính tiêu dùng trong thời gian tới.

Dù vậy, trong cơ cấu cổ đông hiện nay của TPBank, tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài đã lên tới 29,72%, tiệm cận mức trần theo quy định là 30%. Trong đó, có một số cổ đông nước ngoài lớn như SBI VEN Holdings PTE. LTD - thành viên thuộc Tập đoàn SBI, một trong những tập đoàn tài chính lớn nhất Nhật Bản, hiện đang nắm 4,51%.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới