Thứ Hai, 6/05/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Bức tranh ảm đạm của thị trường công nghệ

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Bức tranh ảm đạm của thị trường công nghệ

Thu Hiền

Khách tham quan tại gian hàng của hãng Sony tại cuộc triển lãm VCW 16, TPHCM. Ảnh: Thu Hiền.

(TBVTSG) – Thị trường công nghệ Việt Nam năm 2011 đang chững lại, với mức tăng trưởng không đồng đều giữa các lĩnh vực phần cứng, phần mềm, dịch vụ và đào tạo nhân lực. Một trong những nguyên nhân chính tạo nên bức tranh ảm đạm của thị trường vẫn là những tác động từ sự sụt giảm của thị trường chung toàn cầu. Bên cạnh đó, những nguyên nhân khác được xác định từ những biến động của nền kinh tế vĩ mô, giá cả, chi phí leo thang, kế hoạch thắt chặt mức chi tiêu cho công nghệ thông tin (CNTT) của các tổ chức, cơ quan và doanh nghiệp.

Các chuyên gia nhận định rằng nếu xem giai đoạn 2008-2009 là khoảng thời gian ngành CNTT của Việt Nam rơi vào thời kỳ khó khăn chủ yếu do những áp lực từ bên ngoài thì giai đoạn 2010-2011 ngược lại, gặp khó khăn từ chính thị trường trong nước. Trong giai đoạn 2008-2009, tác động từ cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu đã khiến nhiều tập đoàn công nghệ trên thế giới cắt giảm hợp đồng gia công phần mềm và nhiều doanh nghiệp lớn cắt giảm chi tiêu cho công nghệ. Còn hai năm nay, doanh nghiệp CNTT lại phải đối mặt lần lượt với vấn đề tỷ giá, áp lực tăng lương cho nhân viên để bù trượt giá, lạm phát tăng cao, chi phí đầu vào như điện, nước, xăng dầu… liên tục tăng.

Nhiều lĩnh vực suy giảm

Ông Chu Tiến Dũng, Chủ tịch Hội Tin học TPHCM (HCA), tại sự kiện Toàn cảnh thị trường CNTT Việt Nam (ICT Outlook) diễn ra ở thành phố tuần rồi nhận định rằng thị trường CNTT năm nay sẽ phát triển chậm lại, chỉ khoảng 15% so với mức 20-25% của những năm trước đó. Doanh thu toàn ngành năm 2010 ước tính đạt hơn 7 tỉ đô la Mỹ, tăng trưởng khoảng 15% so với năm 2009. Tuy nhiên, nhìn trên bình diện chung có thể thấy một sự tăng trưởng không đồng đều giữa các lĩnh vực trong ngành và điều này vẫn tiếp diễn trong năm 2011.

Chính sách thắt chặt tiền tệ của Chính phủ đề ra từ đầu năm nay đã tác động rất mạnh tới môi trường kinh doanh của doanh nghiệp, trong đó các doanh nghiệp CNTT phải chịu áp lực khi mà các dự án công liên quan đến chuyên ngành này bị cắt giảm.

Chính sách thắt chặt tiền tệ của Chính phủ đề ra từ đầu năm nay đã tác động rất mạnh tới môi trường kinh doanh của doanh nghiệp, trong đó các doanh nghiệp CNTT phải chịu áp lực khi mà các dự án công liên quan đến chuyên ngành này bị cắt giảm.

Theo thống kê của HCA, trong lĩnh vực phần cứng, các doanh nghiệp nước ngoài vẫn đóng vai trò chủ đạo, đặc biệt là sau khi nhà máy Intel chính thức đi vào hoạt động. Tổng doanh thu ngành phần cứng năm 2010 có tăng trưởng nhưng mức tăng thấp hơn 15%.

Doanh thu của các nhà sản xuất máy tính thương hiệu Việt Nam tiếp tục sụt giảm so với những năm trước, ước tính khoảng 25%, nguyên nhân chủ yếu là áp lực cạnh tranh quá lớn trên thị trường. Lĩnh vực bán lẻ thiết bị CNTT tuy tăng trưởng 15% nhưng nếu xét trong tương quan với chỉ số giá tiêu dùng bình quân sáu tháng đầu năm 2011 so với cùng kỳ năm 2010 đã tăng 16, 03% thì rõ ràng không phát triển.

Lĩnh vực đào tạo CNTT cũng đang gặp thách thức khi mà lượng thí sinh chọn thi vào các trường đại học, cao đẳng chuyên ngành CNTT đã giảm sút và các dự báo cho thấy lĩnh vực này cũng sẽ tăng trưởng chậm trong năm nay. Trong lĩnh vực cung cấp giải pháp và tích hợp hệ thống, mức tăng trưởng của các doanh nghiệp đã chậm lại so với những năm trước, thậm chí có doanh nghiệp có mức tăng trưởng âm.

Sự ảm đạm của thị trường đã khiến nhiều doanh nghiệp CNTT-viễn thông cắt giảm mức chi tiêu cho các hoạt động tiếp thị. Điều này có thể ghi nhận được từ cuộc triển lãm quốc tế “Kỷ nguyên công nghệ số” với sự tham gia của khá ít tập đoàn công nghệ. Chỉ có Sony, HP, Asus và Samsung là những gương mặt lớn tham gia cuộc triển lãm lần này. Các tập đoàn công nghệ khác từng góp mặt trong những lần triển lãm trước đây như Canon, Nikon, Lenovo, Toshiba, LG và Dell hoàn toàn vắng bóng. Trong khi đó, các công ty công nghệ lớn trong nước như CMC, CMS, FPT hay VTC cũng không hiện diện. Mặc dù 3G là một phần quan trọng trong mảng dịch vụ kết nối, nhưng lại không có một công ty viễn thông hay mạng viễn thông nào đang hoạt động ở lĩnh vực này tham gia cuộc triển lãm.

Hy vọng vào ngành phần mềm

Có thể nói trong bối cảnh không mấy sáng sủa của ngành CNTT nói chung thì lĩnh vực phần mềm đang mang lại những tín hiệu lạc quan. Lĩnh vực gia công phần mềm giữ được tốc độ tăng trưởng trong năm 2010 là 25% so với năm trước đó. Ông Dũng cho biết số lượng các hợp đồng gia công phần mềm bắt đầu tăng lên trong năm ngoái và tăng vọt vào đầu năm nay. Dự báo mức tăng trưởng của năm 2011 có thể đạt đến 40%, với sự góp phần của các tên tuổi như FPT, TMA, CSC, GCS, GHP Par East, ISB, Capgemini. Sự phục hồi của lĩnh vực này sau một giai đoạn khó khăn được đánh giá là nhờ thị trường phần mềm thế giới đã tăng trưởng trở lại, trong đó phải kể đến hai thị trường truyền thống của Việt Nam là Bắc Mỹ và Tây Âu.

Theo dự báo của hãng Gartner, mức chi tiêu cho phần mềm ở Bắc Mỹ sẽ đạt 121,2 tỉ đô la Mỹ trong năm 2011, cao hơn mức 112,9 tỉ đô la của năm 2010. Trong khi đó, khoản này ở Tây Âu sẽ đạt 78,3 tỉ đô la so với 70,3 tỉ đô la của năm 2010.

Ông Denny Nguyen, Giám đốc điều hành toàn cầu của LogiGear, cho rằng sự phục hồi nhanh của lĩnh vực phần mềm là nhờ doanh nghiệp Việt Nam đã có thể đảm nhận nhiều loại hình dự án, nhất là trong hoạt động kiểm thử phần mềm (software testing). Trong khi đó, ông Ngô Văn Toàn, Phó tổng giám đốc Công ty Global CyberSoft (GCS), cũng tiết lộ rằng từ đầu năm đến nay, GCS nhận được nhiều đơn hàng từ hai thị trường Bắc Mỹ và Nhật Bản.

Cũng theo thông tin từ Công viên Phần mềm Quang Trung – nơi tập trung hơn 100 doanh nghiệp phần mềm – trong năm 2010 vừa qua tình hình kinh doanh của các doanh nghiệp đã khởi sắc khi các hợp đồng gia công đã quay trở lại. Ông Chu Tiến Dũng nhận định rằng ngành gia công phần mềm đang đi vào chuyên sâu, với giá trị gia tăng cao khi có nhiều doanh nghiệp tham gia vào lĩnh vực gia công quy trình nghiệp vụ kinh doanh (Business Process Outsourcing – BPO) và giải pháp kiến trúc doanh nghiệp (Business Intelligence).

Các chuyên gia cho rằng các doanh nghiệp cần tìm ra những phương thức kinh doanh mới và đón những cơ hội hợp tác kinh doanh mới khi nhiều tập đoàn quốc tế đang có xu hướng chuyển dịch các trung tâm dịch vụ toàn cầu sang Việt Nam. Thêm vào đó, doanh nghiệp phải đầu tư mạnh mẽ hơn cho hoạt động nghiên cứu và phát triển (R&D) nhằm nâng cao giá trị gia tăng trong mỗi sản phẩm của mình.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới