Thứ Năm, 25/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Cần có quy định riêng bảo vệ Big data

Nguyễn Lương Sỹ(*)

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG) – Big data là nhiên liệu của cuộc cách mạng công nghiệp.

Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đã phủ sóng trên khắp các phương tiện truyền thông trong những năm gần đây. Theo sát nút nó là hàng loạt thuật ngữ dẫu phức tạp nhưng cũng trở nên rất đỗi quen thuộc với công chúng, như Internet vạn vật, trí tuệ nhân tạo, và đặc biệt là Big data (Dữ liệu lớn).

Thật khó để mô tả Big data chỉ trong một vài dòng ngắn ngủi. Như tên gọi của nó, Big data là một tập hợp dữ liệu rất… lớn, cung cấp “nhiên liệu” đầu vào cho hoạt động vận hành của các nền tảng Internet, công nghệ học máy (machine learning) hay trí tuệ nhân tạo.

Tầm quan trọng của dữ liệu đối với sự phát triển toàn thế giới không phải đến bây giờ mới xuất hiện. Cơ sở dữ liệu vốn đã được ghi nhận từ hàng nghìn năm trước, thông qua các phương tiện thô sơ như đá, gỗ, và sau đó là hệ thống các thư viện. Khi máy tính ra đời, cơ sở dữ liệu dần được số hóa mang đến sự tiện dụng trong lưu trữ và khai thác.

Và giờ đây, với Big data, cơ sở dữ liệu được mở rộng khủng khiếp về khối lượng thông tin, tốc độ truy cập, từ đó gia tăng gấp nhiều lần giá trị hữu ích của dữ liệu. Ngày nay, phát triển Big data là một khoản đầu tư khổng lồ của gần như mọi lĩnh vực toàn cầu, từ mạng xã hội, thương mại điện tử, đến các nền tảng trí tuệ nhân tạo vẽ tranh đang tạo nên trào lưu mới trong giới trẻ, hay cấp thiết hơn như hệ thống y tế, dược phẩm, giáo dục…

Khi Big data không phải là… danh bạ điện thoại

Nhận thức được vai trò của cơ sở dữ liệu, pháp luật Việt Nam ghi nhận đây là một quyền sở hữu trí tuệ theo đúng chuẩn mực của pháp luật quốc tế. Hoạt động xây dựng cơ sở dữ liệu được luật hóa dưới thuật ngữ “sưu tập dữ liệu” và được bảo hộ bằng quyền tác giả.

Dữ liệu được nhắc đến ở đây là các thông tin thực không có tính sáng tạo như tên tổ chức – cá nhân, địa chỉ, số điện thoại, giá hàng hóa, chức năng – thành phần sản phẩm… Do đó, điểm đặc biệt của loại hình tác phẩm này đó là chỉ bảo hộ hoạt động sắp xếp, tuyển chọn dữ liệu chứ không bảo hộ nội dung dữ liệu.

Vậy nhắc đến danh bạ điện thoại để làm gì? Thực ra, danh bạ điện thoại là một ví dụ “kinh điển”, thường được dùng khi giảng dạy về loại hình sưu tập dữ liệu. Việc tạo ra một quyển danh bạ như vậy là rất đơn giản, chỉ cần có nguồn thông tin về người dùng; khi đấy, danh bạ chỉ được bảo vệ đối với hoạt động sắp xếp tổng thể, còn mọi thông tin trong danh bạ đều có thể được tự do sử dụng. Nhưng Big data đâu có dễ dàng tạo ra như danh bạ điện thoại.

Chẳng hạn trong lĩnh vực thương mại điện tử, các sàn giao dịch đều thu thập dữ liệu khách hàng, gồm các thông tin thực như thời gian và thói quen truy cập, xu hướng tìm kiếm, lịch sử hoạt động… để đề xuất quảng cáo cá nhân hóa phù hợp với sở thích của từng đối tượng.

Về mặt nguyên tắc, do các thông tin thực nói trên không được bảo hộ nên bất kỳ ai cũng có quyền sử dụng nếu họ tiếp cận dữ liệu đó một cách hợp pháp. Từ đó, cơ chế bảo hộ bằng quyền tác giả làm dấy lên lo ngại rằng tài sản dữ liệu của doanh nghiệp sẽ bị đối thủ khai thác dễ dàng, nhất là với sự hỗ trợ đắc lực của trí tuệ nhân tạo.

Đã đến lúc cân nhắc về quy định riêng bảo vệ Big data

Khi các doanh nghiệp đang dốc túi tiền vào phát triển Big data, một trong những mối quan tâm lớn nhất chính là sản phẩm của họ sẽ được bảo vệ như thế nào? Liên minh châu Âu dường như đã đón làn sóng phát triển của dữ liệu từ rất lâu, khi năm 1996, họ tạo ra một hệ thống song song và độc lập với quyền tác giả để bảo vệ các cơ sở dữ liệu phức tạp.

Quyền này chỉ áp dụng đối với cơ sở dữ liệu nào được đầu tư đáng kể về tài chính, vật chất và thời gian để tạo ra. Khi đó, chủ sở hữu sẽ có thời hạn 15 năm để độc quyền khai thác nội dung cơ sở dữ liệu. Hệ thống quyền này của châu Âu vô cùng thú vị vì nó là sự kết hợp giữa quyền tác giả, sáng chế, và thậm chí là bí mật kinh doanh.

Big data là “đồng tiền xương máu” của doanh nghiệp, nên dĩ nhiên họ không thể cam lòng nếu như nội dung trong đó bị đối thủ tự do khai thác. Do vậy, các thương nhân hẳn sẽ rất hài lòng với cơ chế đặc thù của Liên minh châu Âu, nhất là nếu so với mức độ bảo hộ vô cùng thấp của quyền tác giả đối với hoạt động sưu tập dữ liệu.

Đây liệu có phải là một gợi mở cho pháp luật Việt Nam trong bối cảnh nhiều quốc gia tiên tiến khác như Mỹ vẫn đang trung thành với các quy định truyền thống chứ chưa ghi nhận chế định mới nói trên?

Ở Việt Nam, ngoài quyền tác giả, các lĩnh vực khác như luật cạnh tranh, luật công nghệ thông tin, luật an ninh mạng cũng chưa có quy định cụ thể để giải quyết nếu có tranh chấp xảy ra, đặc biệt trên nền tảng số.

Hơn nữa, kinh nghiệm cũng cho thấy Việt Nam thường chỉ có thể điều chỉnh tốt một đối tượng khi có hành lang pháp lý chi tiết và đầy đủ. Rõ ràng, Việt Nam không có các lợi thế về hệ thống pháp luật như Mỹ để có thể nối gót họ trung thành với hình thức bảo hộ truyền thống.

Chúng ta đang nói về tham vọng “đi tắt, đón đầu” của Việt Nam trong cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Vậy thì đã đến lúc mạnh dạn dỡ bỏ hệ thống sở hữu trí tuệ cũ kỹ để nghiêm túc cân nhắc về việc xây dựng một hành lang pháp lý đột phá, sẵn sàng “đón đại bàng về làm tổ”.

(*) Thạc sĩ Luật. Giảng viên trường Đại học Luật, Đại học Huế.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới