Thứ Hai, 20/05/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Chiến sự Nga-Ukraine sẽ thúc đẩy doanh nghiệp đưa sản xuất về cố hương

Chánh Tài

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) – Các nhà đầu tư lớn đang đặt cược rằng chiến sự Nga-Ukraine sẽ thúc đẩy giới doanh nghiệp đưa hoạt động sản xuất về nước của họ hoặc khu vực lân cận trong một nỗ lực định hình lại chuỗi cung ứng toàn cầu.

Dấu chấm hết cho toàn cầu hóa?

Larry Fink, Giám đốc điều hành BlackRock, công ty quản lý tài sản lớn nhất thế giới, cho rằng cuộc chiến tranh mà Nga phát động ở Ukraine đã đặt dấu chấm hết cho toàn cầu hóa. Ảnh: Fox Business

Trong nhiều thập kỷ, các chủ đề đầu tư đều xoay quanh ý tưởng rằng các chuỗi cung ứng thông suốt và mạng lưới sản xuất ở những nước ngoài có chi phí rẻ có thể giúp giảm chi phí cho các doanh nghiệp và kiểm soát lạm phát.

Nhưng chiến sự tại Ukraine cùng với tác động của nó đối với nguồn cung hàng hóa nguyên liệu và làn sóng rút hoạt động kinh doanh khỏi Nga đã buộc giới đầu tư và doanh nghiệp suy xét lại.

Larry Fink, Giám đốc điều hành BlackRock, công ty quản lý tài sản lớn nhất thế giới với trị giá hơn 10 ngàn tỉ đô la, viết trong lá thư thường niên gửi các cổ đông hôm 24-3: “Cuộc tấn công quân sự của Nga ở Ukraine đã đặt dấu chấm hết cho quá trình toàn cầu hóa mà chúng ta đã trải qua trong ba thập niên qua”.

Ông cho rằng việc Nga bị cô lập khỏi nền kinh tế toàn cầu buộc các chính phủ và doanh nghiệp phải đánh giá lại sự phụ thuộc của họ vào các quốc gia khác và phân tích lại các khu vực sản xuất và lắp ráp của họ. Ông nhận định một số nước có thể được hưởng lợi nhờ tập trung củng cố hoạt động sản xuất trong nước khi giới doanh nghiệp chuyển hoạt động sản xuất về cố hương hoặc các nước lân cận.

Ông chỉ ra rằng đại dịch Covid-19 đã thúc đẩy xu hướng này, đặc biệt là sau khi các nước phải chật vật mua thiết bị bảo hộ cá nhân được sản xuất tại Trung Quốc vào thời kỳ ban đầu của dịch bệnh. Khi các nền kinh tế tái mở cửa, nhu cầu hàng hóa tăng vọt và tình trạng tắc nghẽn chuỗi cung ứng đã đẩy lạm phát lên cao đến mức chưa từng thấy trong nhiều thập niên. Đặc biệt, tình trạng thiếu chip bán dẫn đã gây khó khăn cho một loạt ngành công nghiệp trong năm qua, từ các nhà sản xuất ô tô đến các công ty công nghệ.

Và giờ đây, chiến sự tại Ukraine, các lệnh trừng phạt của phương Tây và một loạt các công ty tháo chạy khỏi Nga đã làm gián đoạn thị trường xuất khẩu quốc tế. Giá dầu chuẩn quốc tế Brent có lúc tăng vọt lên mức hơn 139 đô la/thùng hồi đầu tháng 3 khi giới đầu tư lo ngại cú sốc nguồn cung.

Fink nhận định: “Cùng với cuộc chuyển đổi năng lượng, vấn đề an ninh năng lượng đã trở nên ưu tiên hàng đầu trên toàn cầu”.

Ông cho rằng, giá năng lượng hóa thạch tăng cao có thể sẽ giúp năng lượng tái tạo trở nên cạnh tranh hơn. “Về dài hạn, tôi tin rằng những sự kiện gần đây sẽ thực sự thúc đẩy sự chuyển dịch sang các nguồn năng lượng xanh hơn ở nhiều nơi trên thế giới”, Fink viết.

Cơ hội để xây dựng mô hình kinh tế bền vững hơn

Trong một bài viết đăng trên Financial Times trong tuần này, Howard Marks, đồng sáng lập Công ty đầu tư Oaktree Capital Management, cũng cho rằng “con lắc của toàn cầu hóa đang quay trở về với hoạt động gia công tại địa phương”.

Ông cho biết hoạt động gia công sản xuất ở nước ngoài khiến các nước và giới doanh nghiệp phụ thuộc vào các mối quan hệ hữu hảo với các nước ngoài cũng như tính hiệu quả của hệ thống vận tải quốc tế.

Ba thập niên qua đánh dấu thời kỳ toàn cầu hóa phát triển rực rỡ khi các doanh nghiệp tìm cách cắt giảm chi phí bằng cách chuyển phần lớn hoạt động sản xuất ra nước ngoài và sử dụng lao động giá rẻ. Điều này giúp kiểm soát giá cả, cho phép các ngân hàng trung ương neo lãi suất ở các mức thấp, thúc đẩy đầu tư vào các tài sản có tính rủi ro cao. Nhưng mẫu hình này đang rạn nứt.

“Cuộc chiến tranh ở Ukraine là một phần của mẫu hình chuỗi cung ứng đang bị gián đoạn ngày càng thường xuyên và nghiêm trọng hơn”, Dan Swan, đồng lãnh đạo ở bộ phận tư vấn hoạt động của Công ty tư vấn quản lý toàn cầu McKinsey, nhận định và cho biết các sự kiện khác cũng gây gián đoạn cho chuỗi cung ứng gồm cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung, sự cố nghẽn của kênh đào Suez vào năm ngoái và đại dịch Covid-19.

Tất cả những rủi ro nói trên khiến giới doanh nghiệp phải tập trung sự chú ý vào chủ quyền chuỗi cung ứng và các cơ sở sản xuất trong nước. Chính phủ Mỹ đang thúc đẩy những chương trình đầu tư lớn cho hoạt động sản xuất chip bán dẫn trong nước để giảm bớt sự phụ thuộc vào châu Á. Toàn cầu hóa đã khiến thị phần sản xuất chất chip bán dẫn trên toàn cầu của Mỹ và châu Âu sa sút nhanh chóng trong ba thập niên qua, giảm từ khoảng 80% vào năm 1990 xuống chỉ còn 20% vào năm 2020.

Đồng thời, cuộc chiến ở Ukraine đã làm nổi bật rủi ro của việc châu Âu phụ thuộc vào nguồn cung năng lượng từ Nga, đặc biệt là khí đốt tự nhiên. Giá khí đốt ở khu vực này đã tăng lên các mức cao nhất lịch sử trong những tuần gần đây trước các mối lo ngại về khả năng Nga cắt giảm nguồn cung để đáp trả các lệnh trừng phạt của phương Tây. Nỗi lo này đang gia tăng sức ép tăng tốc đầu tư vào lĩnh vực năng lượng tái tạo.

Hôm 25-3, Đức tuyên bố sẽ dừng mua gần như hoàn toàn khí đốt của Nga vào giữa năm 2024. Mỹ đã cấm nhập khẩu dầu của Nga, trong khi Anh dự kiến ​​sẽ làm như vậy vào cuối năm 2022.

“Ba xu hướng lớn đã giúp các công ty tạo ra các khoản lợi nhuận khổng lồ trong 30 năm qua là xu hướng về lãi suất danh nghĩa trong dài hạn, xu hướng về thuế suất doanh nghiệp và toàn cầu hóa”. Thomas Friedbergerm, Phó giám đốc điều hành Tikehau Capital, công ty đang quản lý các tài sản rị giá 34,3 tỉ euro, nhận định.

Ông nói thêm: “Chúng ta cần học cách đầu tư trở lại trong một môi trường lạm phát… Các nhà quản lý tài sản phải tự định vị mình để tận dụng những lợi ích lớn từ các xu hướng lớn mới: chuyển đổi năng lượng, an ninh mạng và số hóa”

Friedbergerm cho rằng rằng mô hình kinh tế toàn cầu hóa hiện nay tác động tiêu cực đến khí hậu, tính đa dạng sinh học, bất bình đẳng xã hội. Ông tin rằng rốt cục, xu hướng đảo ngược toàn cầu hóa tạo ra cơ hội để xây dựng một mô hình kinh tế bền vững hơn. Ông nói: “Thực tế là những cuộc khủng hoảng vừa qua buộc chúng ta phải thử xây dựng một mô hình kinh tế bền vững hơn và đây chắc chắn không nhất thiết là tin xấu đối với thế giới”.

Theo Financial Times

2 BÌNH LUẬN

  1. Điều đó là tất yếu. Xu hướng hợp tác song phương lên ngôi. Các quốc gia có mối quan hệ hợp tác tốt qua thời gian qua sẽ càng gắn bó hơn. Trong khi các khối liên kết chung không thể hiện được vai trò điều tiết thị trường. Sức mạnh đồng usd giảm, các quốc gia tăng cường dự trữ tiền tệ với các quốc gia có tỷ lệ thương mại lớn với chính quốc gia mình, bên cạnh tăng cường dự trữ vàng.

  2. Tự động hóa sản xuất sẽ tăng tốc một cách đáng kinh ngạc. Khi các công ty đa quốc gia trở về với mẫu quốc, thay vì sử dụng dây chuyền củ thì họ sẽ đầu tư rất mạnh cho rô bốt và dây chuyền tự động hóa sản xuất. Các nước nghèo sẽ được mua lại các công nghệ củ này và rất dễ bị mắc kẹt ở bẫy thu nhập thấp đó mãi mãi. Hay nói cách khác, khoảng cách giàu nghèo giữa nhóm nước giàu và nước nghèo sẽ kéo giãn khá lớn trong những năm tới

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới