Thứ Sáu, 29/03/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Chọn ‘lối đi xanh’ là con đường phát triển dài hạn

Vân Ly

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) – Tháng 3 vừa qua có thể được xem một trong những mốc thời gian đáng nhớ trong hơn 20 năm hoạt động của An Phát Holdings khi thông qua cuộc hợp tác với Nexeo Plastics, doanh nghiệp đã đưa nguyên liệu nhựa phân hủy sinh học vào thị trường Mỹ, Canada, Mexico. Sự kiện này không chỉ đánh dấu bước phát triển quan trọng của doanh nghiệp trong việc mở rộng và thâm nhập thị trường châu Mỹ mà còn là “trái ngọt” của hành trình gia nhập vào chuỗi cung ứng nguyên liệu xanh toàn cầu.

An Phát Holdings bắt đầu sản xuất sản phẩm nhựa phân hủy sinh học sau khi nhiều nước trên thế giới đưa ra quy định cấm hoặc hạn chế sử dụng sản phẩm nhựa dùng một lần (không phân hủy, gây ảnh hưởng đến môi trường).

Đơn cử, Pháp đã đưa ra quy định cấm sử dụng túi nhựa dùng một lần vào năm 2017. Tại Mỹ và Canada, có bang cấm hoàn toàn và nhiều bang thì đưa ra lộ trình về việc không sử dụng loại túi nhựa không phân hủy.

Tại Ấn Độ, một số thành phố đã cấm túi nhựa dùng một lần trong giai đoạn 2018-2019, dự kiến nền kinh tế tỉ dân này sẽ cấm túi nhựa trên phạm vi toàn quốc trong tương lai. Một số quốc gia khác như Hàn Quốc, Úc… sử dụng chính sách thuế đánh vào từng loại sản phẩm nhựa, để điều tiết hành vi của doanh nghiệp cũng như tiêu dùng của người dân.

Tại Việt Nam, để bảo vệ môi trường, Chính phủ khuyến cáo người dân hạn chế sử dụng sản phẩm nhựa dùng một lần (túi nylon, ống hút…), khuyến khích sử dụng các sản phẩm thay thế thân thiện với môi trường…

Ghi nhận từ thực tế và qua khảo sát, nghiên cứu, An Phát Holdings nhận ra sự thiếu hụt sản phẩm túi nhựa phân hủy sinh học tại một số thị trường và xác định đây là một cơ hội lớn cho doanh nghiệp. Sau đó, tập đoàn bắt đầu nhập khẩu nguyên liệu nhựa là chất dẻo sinh học từ châu Âu về Việt Nam để sản xuất ra các sản phẩm túi, dao, thìa, dĩa…. Vào năm 2018, công ty cho ra mắt sản phẩm nhựa phân hủy sinh học AnEco đạt các yêu cầu về thân thiện với thiên nhiên, bảo vệ môi trườngvà xuất khẩu trở lại các thị trường châu Âu.

Quầy hàng giới thiệu sản phẩm AnEco của An Phát Holdings tại một sự kiện. Ảnh: DNCC

Hiện tại, dòng nguyên liệu nhựa sinh học được phân phối tại Mỹ, Canada và Mexico của An Phát bao gồm các loại đáp ứng tiêu chuẩn ASTM D6400 (tiêu chuẩn về khả năng phân huỷ sinh học trong môi trường ủ công nghiệp) và các loại chứa lần lượt 30% và 80% gốc sinh học, là lựa chọn lý tưởng để sản xuất dao thìa dĩa, ống hút, nắp chai…

Trong thông cáo liên quan đến sự kiện hợp tác với Nexeo Plastics vào tháng 3-2022, ông Nirav Patel, Tổng Giám đốc AFC Ecoplastics, thành viên HĐQT An Phát Holdings, chia sẻ rằng Nexeo Plastics được biết đến là một trong những doanh nghiệp hàng đầu thế giới trong ứng dụng công nghệ mới để sản xuất hạt nhựa. Khi được hợp tác với Nexeo Plastics, An Phát có thể đưa ra thị trường các dòng nguyên liệu nhựa phân hủy sinh học có nhiều điểm mới và cải tiến.

Về phía Nexeo Plastics, ông Arturo Hoyo, Phó Chủ tịch quản lý dây chuyền sản xuất của công ty này, đánh giá nguyên liệu nhựa của An Phát Holdings đáp ứng được các tiêu chuẩn chất lượng về tính bền vững, linh hoạt, dễ dàng xử lý trên các qui trình máy móc…

Ông Phạm Ánh Dương, Chủ tịch HĐQT An Phát Holdings, cho biết Bắc Mỹ, đặc biệt là Mỹ luôn là mục tiêu chiến lược của doanh nghiệp trong việc mở rộng thị trường quốc tế. Mảng nguyên liệu và sản phẩm nhựa phân hủy sinh học là thế mạnh của An Phát trong hơn một thập kỷ qua và hiện tại, với những hoạt động đầu tư mới, doanh nghiệp kỳ vọng sẽ đem lại những giá trị khác biệt trong chuỗi cung ứng nguyên liệu xanh toàn cầu.

Trong kế hoạch phát triển, An Phát Holdings định vị châu Mỹ là thị trường trọng điểm, trong đó đặc biệt tập trung vào Mỹ, Canada và Mexico với các sản phẩm bao bì và nguyên liệu nhựa phân hủy sinh học. Tập đoàn đã đăng ký thành công nhãn hiệu cho dòng sản phẩm sinh học AnEco tại Hoa Kỳ. Điều này không những được pháp luật bảo hộ mà còn mở đường, tạo cơ hội rộng lớn cho Tập đoàn thực hiện các dự án hợp tác kinh doanh, đưa dòng sản phẩm đến đông đảo người tiêu dùng Mỹ nói riêng và Bắc Mỹ nói chung.

Mới đây, An Phát Holdings đã động thổ xây dựng nhà máy sản xuất chất dẻo phân huỷ sinh học PBAT có công suất 30.000 tấn/năm tại Hải Phòng. Khi nhà máy này đi vào hoạt động, nguồn cung nguyên liệu dồi dào, An Phát Holdings sẽ có nhiều ưu thế vượt trội để phát triển thị trường cũng như mở rộng sang các thị trường quốc tế khác.

Hiện tại, dự án chiến lược của tập đoàn là nhà máy sản xuất chất dẻo sinh học phân huỷ hoàn toàn PBAT đang được đẩy nhanh tốc độ, dự kiến đi vào hoạt động năm 2024. Khi đó, An Phát Holdings kỳ vọng sẽ chính thức gia nhập chuỗi cung ứng nguyên liệu xanh toàn cầu.

Quầy hàng giới thiệu sản phẩm AnEco của An Phát Holdings tại một sự kiện. Ảnh: DNCC

Điều khác biệt của sản phẩm AnEco so với các sản phẩm khác là không tạo ra vi nhựa, có khả năng phân hủy sinh học thành mùn, nước và CO2 trong vòng 6 tháng đến một năm, tùy thuộc vào điều kiện chôn lấp.

Thời gian đầu sản xuất AnEco, An Phát Holdings phải nhập nguyên liệu từ châu Âu, sản xuất ở Việt Nam rồi xuất lại sang châu Âu, dẫn đến tính cạnh tranh sản phẩm không cao. Doanh nghiệp tự đặt ra yêu cầu cho chính mình là phải chủ động về nguồn nguyên liệu để giảm chi phí đầu vào, từ đó tiến tới giảm giá thành sản phẩm. Ngoài ra, sự lựa chọn này còn giúp doanh nghiệp không bị phụ thuộc vào đối tác cung ứng nguyên liệu cũng như các tác động của giá nguyên liệu đầu vào, giá cước vận tải biển tăng cao…

An Phát đã hợp tác với đối tác Hàn Quốc, đó là một trong những công ty sở hữu bằng sáng chế về nguyên liệu nhựa phân hủy sinh học trên thế giới. Và vào tháng 2-2022, doanh nghiệp động thổ dự án xây dựng nhà máy sản xuất chất dẻo phân hủy sinh học PBAT tại Hải Phòng. Đây là dự án chiến lược lớn nhất từ trước đến nay của tập đoàn này, được đầu tư với tổng số vốn lên đến 120 triệu đô la Mỹ, với công suất 30.000 tấn/năm, dự kiến hoàn thành sau 24 tháng.

Phát biểu tại lễ động thổ dự án, ông Phạm Ánh Dương chia sẻ dự án xây dựng nhà máy sẽ là lời giải cho bài toán về nguồn nguyên liệu của tập đoàn. Khi đi vào hoạt động, nhà máy sẽ đáp ứng toàn bộ nhu cầu nguyên liệu của tập đoàn đồng thời phục vụ mục tiêu xuất khẩu quốc tế. Khi tự chủ về nguyên liệu, An Phát Holdings sẽ có cơ sở để giảm giá thành, đưa sản phẩm đến gần hơn với người tiêu dùng và tiến tới thay thế cho các sản phẩm nhựa truyền thống không phân hủy hoàn toàn và ảnh hưởng đến môi trường.

Lễ động thổ nhà máy sản xuất nguyên liệu xanh của An Phát Holdings tại Hải Phòng. Ảnh: DNCC

Thông qua dự án này, An Phát Holdings sẽ khép kín hệ sinh thái tuần hoàn xanh từ đầu vào cho đến đầu ra sản phẩm, trở thành doanh nghiệp Việt Nam đầu tiên sản xuất thành công nguyên liệu và sản phẩm nhựa sinh học phân hủy hoàn toàn đồng thời chính thức tham gia vào mạng lưới nguyên liệu xanh thế giới. Giá thành sản phẩm xanh của An Phát Holdings sẽ giảm 20%-30% khi nhà máy PBAT đi vào hoạt động.

Nhà máy cũng sẽ là nền móng để doanh nghiệp mở rộng các dự án phát triển sản phẩm và nguyên liệu xanh, đáp ứng nhu cầu ngày càng lớn của Việt Nam và quốc tế.

Những năm vừa qua, toàn ngành nhựa thế giới tiêu thụ khoảng 400 triệu tấn sản phẩm/năm, trong đó mới chỉ có khoảng 2 triệu tấn của nhựa sinh học. Trong khi đó các quốc gia trên thế giới đều đang và sẽ thực hiện giảm thiểu nhựa thông thường và chuyển đổi sang sử dụng nhựa sinh học để bảo vệ môi trường. Trên thế giới, có 127 quốc gia đã và đang xem xét lộ trình cấm sử dụng túi nhựa thông thường.

Theo thông tin từ đại hội đồng cổ đông thường niên được tổ chức vào ngày 14-6 vừa qua, An Phát Holdings đặt mục tiêu ưu tiên lĩnh vực trọng tâm là nguyên vật liệu và sản phẩm sinh học, hướng tới vận hành nhà máy sản xuất chất dẻo sinh học tự hủy PBAT, tự chủ hoàn toàn nguồn nguyên liệu sinh học, hoàn thiện chuỗi giá trị xanh.

Bên cạnh đó, mảng bao bì vẫn sẽ đóng vai trò quan trọng trong hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Ngoài việc giữ vững vị thế là nhà sản xuất bao bì màng mỏng hàng đầu Đông Nam Á, năm 2022, tập đoàn này sẽ vẫn kiên định theo đuổi chiến lược chuyển đổi xanh thông qua chuyển dịch cơ cấu sản xuất sang các sản phẩm bao bì thân thiện với môi trường. Các thị trường trọng tâm sẽ tiếp tục là Việt Nam, châu Âu và Mỹ. An Phát Holdings hướng tới mục tiêu chiến lược năm 2024, doanh thu từ bao bì tự hủy sẽ đóng góp 40-50% trong doanh thu từ bao bì.

Hoạt động sản xuất sản phẩm AnEco tại nhà máy của An Phát Holdings. Ảnh: DNCC

Tại buổi nói chuyện với 150 cán bộ quản lý của An Phát Holdings được tổ chức gần đây, ông Phạm Ánh Dương chia sẻ việc phát triển dòng nguyên liệu nhựa sinh học PBAT sẽ là con đường chính, con đường dài của doanh nghiệp. Con đường này dẫu có nhiều khó khăn nhưng là điều tất yếu, bởi nó phù hợp với xu hướng tiêu dùng của thế giới đó là sử dụng các sản phẩm, nguyên liệu xanh nhằm giảm thiểu rác thải nhựa đang gây hại cho môi trường.

An Phát Holdings hiện có 17 công ty thành viên với hơn 5.000 nhân viên tại Việt Nam và nhiều nước trên thế giới. Khách hàng của tập đoàn này hiện có ở hơn 70 quốc gia và khu vực trên thế giới như Mỹ, Nhật Bản, châu Âu, Hàn Quốc, Singapore, Các tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất UAE, Đài Loan, Philippines…

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới