Thứ Bảy, 27/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Chứng khoán thế giới: đã qua thời suy thoái

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Chứng khoán thế giới: đã qua thời suy thoái

Phương Huỳnh

Kết quả kinh doanh khá sáng sủa trong quí 2-2009 góp phần làm cho thị trường chứng khoán thêm sôi động.

(TBKTSG) – Kết thúc phiên giao dịch cuối tuần trước, các thị trường chứng khoán bên hai bờ Đại Tây Dương đã đạt mức điểm cao nhất trong nhiều tháng sau khi những dữ liệu kinh tế tốt hơn mong đợi của Mỹ và Đức đã củng cố niềm hy vọng vào sự phục hồi kinh tế. Kết quả kinh doanh khá sáng sủa trong quí 2-2009 cũng góp phần làm cho thị trường chứng khoán thêm sôi động

Hôm thứ Năm (6-8), chỉ số Standard & Poor’s 500 của thị trường Wall Street đã trở lại mức 1.000 điểm – mức cao nhất từ tháng 11 năm ngoái.

Ở châu Á, chỉ số Nikkei 225 của Nhật cũng đã lên mức cao nhất trong vòng 10 tháng qua, tăng thêm 135,56 điểm lên 10.388,09 điểm lần đầu tiên kể từ ngày 6-10-2008.

Ở châu Âu chỉ số FTSE Eurofirst 300 toàn châu Âu cũng lên mức cao nhất trong vòng chín tháng nay sau khi Chính phủ Đức công bố tăng trưởng xuất khẩu 7%, lớn hơn rất nhiều so với mong đợi. Chỉ số Paris CAC 40 (Pháp) đã tăng thêm 1,24% lên 3.521,14 điểm, chỉ số FTSE 100 (Anh) lên mức 4.600 điểm và chỉ số DAX (Đức) đạt 5.300 điểm.

Theo giới phân tích, thị trường chứng khoán thế giới đã lấy lại phong độ như thời trước khủng hoảng. Sự sụp đổ của Ngân hàng đầu tư Lehman Brothers hồi tháng 9 năm ngoái đã làm dấy lên nỗi lo sợ cho tương lai của hệ thống tài chính tư bản chủ nghĩa và đẩy thị trường chứng khoán thế giới vào quá trình tụt dốc thê thảm.

Nhưng hiện nay đã có những dấu hiệu cho thấy thời điểm bi thảm nhất đã trôi qua và sự hồi phục của thị trường chứng khoán chứng tỏ rằng hệ thống này “sẽ không sụp đổ”, theo nhận định của ông Francois Duhen ở Công ty Chứng khoán CM-CIC, Pháp.

Kết quả kinh doanh quí 2-2009 của các doanh nghiệp, đặc biệt là các ngân hàng Mỹ, chẳng hạn như JPMorgan đã bắt đầu có lãi lớn từ tháng 7-2009, là yếu tố kích thích sự phục hồi đó. Ông Christan Parisot, chuyên gia về cổ phần của Công ty môi giới Aurel, nhận định: “Giới doanh nghiệp cho thấy họ có thể tự tái cấu trúc và cải thiện lợi nhuận một cách nhanh chóng”. Còn theo ông Jorg Kramer, nhà kinh tế chính của ngân hàng Đức Comerzbank, tăng trưởng xuất khẩu của Đức là một phần của “hiện tượng toàn cầu”, theo đó cuộc tranh luận về tính chất dễ tổn thương của các nền kinh tế phụ thuộc vào xuất khẩu đã không còn ý nghĩa nữa.

Triển vọng sáng sủa của kinh tế Mỹ là yếu tố then chốt khác. Thứ Sáu tuần trước, Bộ Thương mại Mỹ công bố số liệu cho thấy số người mất việc trong tháng 7 chỉ còn 247.000 người, thấp hơn mức dự kiến 320.000 người mà các nhà kinh tế đưa ra trong cuộc khảo sát của hãng Reuters; đồng thời tỷ lệ thất nghiệp trong lực lượng lao động cũng giảm xuống 9,4% từ mức 9,5% của tháng trước. 

Tổng thống Barack Obama gọi các tin tức này là dấu hiệu cho thấy nước Mỹ “đang đi đúng hướng”, và các nhà đầu tư đáp lại bằng việc đẩy chỉ số Standard & Poor’s 500 tăng 1,34%, gần tới mức 1.010,45, mức cao nhất từ đầu tháng 10 năm ngoái.

Ông Jim Paulsen, nhà chiến lược chính về đầu tư của Công ty Quản lý quỹ Wells Capital Management, nhận định việc chỉ số Standard & Poor’s 500 vượt qua ngưỡng 1.000 điểm là điều có ý nghĩa đặc biệt về phân tích kỹ thuật, cho thấy thị trường Wall Street có khả năng lên mức 1.100 điểm trong vài ngày tới.

Đầu tuần này, Hội đồng Thị trường Mở liên bang (FOMC) – cơ quan hoạch định chính sách tài chính của Mỹ – sẽ họp phiên thường kỳ và giới quan sát cho rằng, FOMC sẽ quyết định giữ nguyên lãi suất cơ bản trong khoảng 0-0,25% để hỗ trợ đà khôi phục kinh tế.

Những dấu hiệu từ kinh tế Mỹ còn cho thấy giá bất động sản đã ngừng rơi và sản xuất công nghiệp bắt đầu nhích lên trở lại.

Theo giới phân tích, có thể thế giới đã vượt qua được lúc khó khăn nhất trong cuộc khủng hoảng kinh tế, song vẫn còn quá sớm để tính tới sự hồi phục và tăng trưởng bởi vì vẫn còn quá nhiều điều chưa rõ ràng. “Về phương diện tăng trưởng, đã rõ ràng rằng quí 3 và quí 4 năm nay sẽ ít lo lắng hơn”, ông Duhen của Công ty CM-CIC nhận định, song cũng cảnh báo rằng, những tác động tích cực từ các gói kích cầu trên toàn thế giới sẽ biến mất trong năm 2010 và năm tới sẽ là “một năm nguy hiểm”.

Giá nguyên liệu nhiên liệu tăng cao, đồng đô la Mỹ mất giá, sức mua vẫn còn yếu làm giảm khối lượng thương mại toàn cầu cùng với khả năng vỡ bong bóng chứng khoán – nhà đất – tín dụng ở Trung Quốc… có thể ngăn cản thế giới tiến nhanh ra khỏi cuộc khủng hoảng hiện nay.

Trên thị trường chứng khoán, giới quan sát ghi nhận hiện tượng giá cổ phiếu tăng nhưng khối lượng giao dịch lại thấp, có thể do nhà đầu tư tích lũy cổ phiếu để chờ giá lên cao hơn nữa – và điều đó có ý nghĩa tiêu cực đối với sự phát triển dài hạn của thị trường.

(Tổng hợp)

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới