Thứ Tư, 15/05/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan: tiếp cận vốn bên ngoài khả thi hơn với doanh nghiệp

L. Hoàng

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) – Với các doanh nghiệp Việt Nam, việc tìm kiếm nguồn vốn ở bên ngoài được xem là một xu hướng và đang cho thấy khả thi cũng như “rẻ hơn” so với nguồn vốn ở trong nước.

Thông tin này được ghi nhận tại hội thảo do Hội Doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao và Câu lạc bộ Doanh nghiệp dẫn đầu tổ chức vào ngày 12-3 ở TPHCM.

Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan trao đổi trực tuyến cùng với các diễn gỉa tại hội thảo. Ảnh: L. Hoàng

Cụ thể trao đổi tại hội thảo “Ngành hàng tiêu dùng và phân phối: Xu hướng M&A và chiến lược kêu gọi đầu tư bền vững cho doanh nghiệp Việt Nam”, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan cho rằng, để đầu tư kinh doanh và phát triển, nhu cầu gọi vốn của doanh nghiệp Việt Nam là rất lớn, nhất là doanh nghiệp tư nhân.

Bởi theo bà Lan, có những doanh nghiệp hoạt động lâu năm và đã thành công nhất định. Đây là lúc họ phải vươn lên tầng phát triển mới, mạnh hơn nữa để cạnh tranh nhằm đảm bảo tương lai. Họ không thể cứ đi theo con đường đã tạo dựng như thời gian qua.

Để đạt được mục tiêu này, bà Lan cho rằng, vốn là một trong những điều kiện rất quan trọng với doanh nghiệp. Và tình hình cho thấy, việc tìm kiếm nguồn vốn ở bên ngoài là một xu hướng với các doanh nghiệp Việt Nam bởi khả thi hơn so với việc tìm nguồn vốn trong nước.

Theo chuyên gia kinh tế này, nguồn vốn trong nước hiện cũng có nhưng khá “đắt đỏ”, chi phí vốn cao hơn so với các nước xung quanh chứ chưa nói đến đến những nước phát triển.

“Vốn đang có sẵn trong nước và khá dồi dào nhưng làm cách nào để huy động và phân bổ nguồn vốn đến các doanh nghiệp. Việc tiếp cận được nguồn vốn với doanh nghiệp vẫn còn rất khó khăn”, bà Chi Lan nói.

Cũng theo bà Lan, do việc tiếp cận nguồn vốn còn nhiều khó khăn nên khi nền kinh tế khó khăn dẫn đến doanh nghiệp “rơi rụng” nhiều. “Số doanh nghiệp ngưng hoạt động từ năm ngoái đến những tháng đầu năm nay tiếp tục tăng cao. Nếu được tiếp cận nguồn lực kịp thời thì có thể họ không phải đi đến rút khỏi thị trường, hoặc có thể tạm thời chuyển sang làm những công việc khác để vượt qua giai đoạn vất vả này”, bà Lan chia sẻ.

Trong năm 2023 có khoảng 172.600 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường, tăng 20,5% so với năm 2022.

 

Riêng 2 tháng đầu năm nay, cả nước có 62.977 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường, tăng 22,5% so với cùng kỳ 2023. (Theo Cổng Thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp).

Đa số doanh nghiệp Việt Nam có quy mô nhỏ và siêu nhỏ, nên chính sách cần phải hỗ trợ họ để có thể tiếp cận được nguồn vốn tốt. Theo quan điểm của bà Lan, cái cần hơn hết là chính sách vĩ mô phải tốt để doanh nghiệp có thể tiếp cận vốn và giúp nâng cao vị thế kinh doanh.

Cũng liên quan đến vốn, trong kiến nghị nhằm hỗ trợ doanh nghiệp tiếp tục phục hồi và phát triển, gần đây Hiệp hội doanh nghiệp TPHCM (HUBA) cũng cho rằng, mặc dù ngân hàng có nhiều vốn cho vay nhưng doanh nghiệp nhỏ và vừa không thể tiếp cận nguồn vốn do không đảm bảo yêu cầu về thế chấp tài sản hoặc không đủ điều kiện vay.

Liên quan đến nguồn vốn bên ngoài, trao đổi với KTSG Online bên lề cuộc họp, luật sư Đào Tiến Phong, Giám đốc điều hành hãng luật Investpush cho biết, nhiều nhà đầu tư thuộc các nước như Singapore, Mỹ và Trung Quốc… cũng đang rất quan tâm đến việc góp vốn hoặc M&A với các doanh nghiệp Việt Nam tiềm năng.

Ông Phong cho biết Investpush cũng đang làm việc với một quỹ đầu tư của Mỹ có dòng tiền lớn muốn đưa vào Việt Nam. Ở giai đoạn đầu, quỹ đầu tư này chỉ muốn cho vay để thực hiện các dự án đầu tư sản xuất và phát triển bất động sản tiềm năng với lãi suất thấp chỉ ở mức 2-3%/năm.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới