Thứ Bảy, 27/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Có giãn cách thì cũng chớ xa mặt cách lòng!

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Có giãn cách thì cũng chớ xa mặt cách lòng!

Trương Trọng Hiểu (*)

Có giãn cách thì cũng chớ xa mặt cách lòng!
Đường phố Sài Gòn vắng tênh những ngày giãn cách xã hội. Ảnh: N.K

(TBKTSG) – Một chiều cuối năm, đang chờ bạn tại điểm hẹn trong khu đô thị Landmark 81, một bạn giao hàng (shipper) còn trẻ ghé hỏi đường đến một hiệu cà phê. Tôi chưa kịp trả lời, bạn đã nhìn thấy điểm cần tìm chếch ở góc trái sau lưng tôi. Khoảng cách đủ để tôi nhận biết được người nhận hàng là một cô gái trẻ.

Lát sau cùng bạn ngang qua cửa hiệu, tôi còn phát hiện cô ngồi một mình với chiếc máy tính, mặt hướng ra trước, nơi tòa nhà cũng có hiệu bánh mà cô order (đặt hàng). Tôi biết cô… ăn gì vì sau khi giao hàng xong, lúc quay ra, còn thấy tôi, bạn shipper đã tự thông tin rằng, em ship bánh cho khách, kiểu như dù gì cũng đã làm phiền tôi nên có thêm lời giải thích xã giao.

Nhu cầu mua hàng theo giá “CIF” (nhận hàng tại nhà) bằng cách đặt (order) hàng trực tuyến đã không còn xa lạ, thậm chí ngày một phát triển, và dần trở thành xu hướng. Không phủ nhận, thực tế đó định hình từ những giá trị ưu trội trong phương thức mua – bán trực tuyến.

Những ngày giáp tết, cả xã hội âu lo khi cả cô và trò thuộc hai lớp của một trường tiểu học ở Hà Nội phải cùng nhau vào sống ở  khu cách ly.

Trong ấy, các em cũng còn có bạn bè, nhưng cả thế giới bên ngoài đã bị đóng lại, và người ta bắt đầu nghĩ đến chuyện phải trang bị cả… kỹ năng mềm cho trẻ trước những tình huống phải sống… tự lập như vậy

Nhưng cũng không phủ nhận rằng, chính sự phát triển “quá nhanh và quá nguy hiểm” của công nghệ đã tạo men kích thích lớn. Tiếp nữa, dù muốn hay không thì rõ ràng đòi hỏi cần thiết về giữ khoảng cách xã hội đã trở thành môi trường tốt cho giao dịch/giao tiếp không trực tiếp ngày một trở nên phổ biến.

Một mặt, điều này khắc phục những trở ngại bởi giãn cách xã hội. Mặt khác, liệu giao tiếp… không trực tiếp có hình thành nên thói quen, và tiếp tục được duy trì, lan rộng ngay cả khi đòi hỏi về giãn cách xã hội đã được dỡ bỏ?

Nếu có thì lúc này, quả thật công nghệ sẽ càng được công dân thế hệ Z (sinh giữa cuối thập niên 1990 và đầu thập niên 2010) tận dụng tối đa, khai thác triệt để, và ở không ít góc nhìn, công nghệ lại trở thành tác nhân của nhu cầu… không giao tiếp.

Dẫu câu chuyện order và ship hàng kể trên xảy ra lúc Sài Gòn tạm hết mùa giãn cách thì việc mặc định về một tương lai… không giao tiếp cũng quá sớm. Tất cả chỉ mới manh nha dự cảm. Nhưng thật ra, ngay cả khi dịch Covid-19 bùng phát đỉnh điểm trong giai đoạn 1, không ít quốc gia vẫn ngần ngại với phương án đóng cửa (lockdown).

Dẫu lý do kinh tế thường được nhắc đến như một bấu víu quan trọng cho các quyết định đó, thì tại không ít quốc gia, các vấn đề xã hội đi kèm với lối sống tự mình đóng cửa và lo liệu cũng đã được nhắc đến.

Hơn lúc nào hết, các nghiên cứu về mặt trái của lối sống cách ly xã hội từ nhiều năm trước đã được đưa ra bàn thảo trở lại vào giữa và cuối năm 2020. Đơn cử, nghiên cứu được công bố trên tạp chí Sức khỏe cộng đồng của Nhà xuất bản Đại học Cambridge vào giữa năm 2020 cho rằng, giãn cách xã hội là giải pháp cần thiết để ngăn virus và bệnh dịch lây lan, nhưng chính điều này cũng làm cho mức độ thoát ly xã hội trở nên tăng cao, và từ đó tạo ra những hệ lụy khác.

Cô độc, các vấn đề về sức khỏe và tinh thần (thậm chí là tâm lý và tâm thần) được nhắc đến nhiều nhất. Chi tiết hơn, nghiên cứu của hai tác giả người Ý và Úc công bố trên tạp chí Frontiers in Psychology vào tháng 9 sau đó còn cho rằng dịch Covid-19 và cuộc sống giãn cách dễ tạo ra “cơn bão” trầm cảm. 

Đương nhiên, tình trạng của lối sống cô độc trước thời dịch Covid-19 là xuất phát từ lựa chọn của cá nhân, mà theo thống kê tại Mỹ, Nhật Bản, châu Âu và nhiều nước phát triển khác, tỷ lệ này càng tăng cao ở thế hệ sau. Kết nối công nghệ thậm chí còn gia cố và gia tăng thêm tỷ lệ này ở lực lượng công dân thế hệ Z.

Khác với điều đó, cách ly tại nhà thời dịch Covid-19 mang tính… bị động, và dù gì cũng chỉ mang tính thời cuộc. Dẫu vậy, cũng không quá sớm để e ngại là liệu rằng, lựa chọn tạm thời này có tiếp tục kích hoạt cho cuộc sống “đơn chiếc” đã thành xu hướng, ngay cả khi dịch Covid-19 đã qua? Dẫu ở Việt Nam, xu hướng này chưa quá rõ ràng, nhưng thói quen trò chuyện với… điện thoại, ipad mà quên cả thế giới xung quanh là có.

Những ngày giáp Tết, cả xã hội âu lo khi cả cô và trò thuộc hai lớp của một trường tiểu học ở Hà Nội phải cùng nhau vào sống ở  khu cách ly. Trong ấy, các em cũng còn có bạn bè, nhưng cả thế giới bên ngoài đã bị đóng lại, và người ta bắt đầu nghĩ đến chuyện phải trang bị cả… kỹ năng mềm cho trẻ trước những tình huống phải sống… tự lập như vậy. Cho dù có thế nào, thì lớp học về những kỹ năng đó cũng không thể tuyên bố với các em rằng, có ti vi, có iPad hay điện thoại là chúng ta đã có… tất cả.

Tôi chợt nhớ lại câu chuyện của bản thân ở ba thập kỷ trước. Lúc đó, “người máy” là khái niệm mới, và rất hấp dẫn đối với Việt Nam. Ở một diễn đàn phân tích các tác phẩm văn học mới của học sinh phổ thông, chúng tôi thảo luận về câu chuyện chiếc xe gom rác “robot” đã đi qua vì không hề cảm nhận được rằng người lao công đang gục xuống bên đường.

Câu hỏi đặt ra, liệu rằng máy móc, thiết bị, và ngay cả robot có khiến con người ta trở nên chai sạn? Câu chuyện ấy liệu có tiếp tục trở thành nỗi lo lắng, ám ảnh nếu như con người ngày càng có thêm phương tiện, và thậm chí là động lực, để ngại giao tiếp, đối diện, va chạm và cả… xa lánh nhau?

Đương nhiên, vượt qua cơn đại dịch sẽ rất gian nan. Nói như vậy không phải để mình “chìm vào cơn đau” mà để cùng nhau tìm thêm một lối thoát cho các vấn đề xã hội mới phát sinh ngoài việc phải thoát ra cơn đại dịch.

(*) Trường Đại học Kinh tế – Luật (ĐHQG TPHCM)

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới