Thứ Sáu, 26/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Cuộc chiến khốc liệt trên thị trường thanh toán di động

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Cuộc chiến khốc liệt trên thị trường thanh toán di động

Lê Linh

(TBKTSG Online) – Cuộc đối đầu khốc liệt giữa hai tập đoàn tư nhân hàng đầu Trung Quốc Alibaba và Tencent đang diễn ra ở các khu mua sắm, các xe bán đồ ăn trên đường phố và các tiệm nail hay bất nơi nào mà mọi người có thể thanh toán chỉ bằng một cú vuốt tay trên điện thoại di động.

Cuộc chiến giành thị trường 15.400 tỉ đô la

Tờ Wall Street Journal cho biết trong năm qua, Alibaba, chủ sở hữu của nền tảng thanh toán di động  Alipay và Tencent, đang cung cấp dịch vụ thanh toán di động WeChat Pay, bị mắc kẹt trong một cuộc chiến tranh giành thị phần đầy tốn kém.

Cuộc chiến khốc liệt trên thị trường thanh toán di động
Khách hàng tại một khu chợ ở TP. Hàng Châu, Trung Quốc thanh toán bằng cách sử dụng điện thoại di động để quét mã QR. Ảnh: Wall Street Journal

Trong quí 4-2017, công ty dịch vụ tài chính Ant Financial, một thành viên của Alibaba và là đơn vị trực tiếp quản lý Alipay, ghi nhận khoản lỗ ròng hiếm hoi vì chi tiêu quá nhiều cho các chương trình giảm giá và khuyến mãi dịch vụ nhằm mở rộng mạng lưới người dùng của Alipay và kìm hãm đà phát triển tăng tốc của nền tảng thanh toán di động WeChat Pay của Tencent.

Thanh toán di động đang phát triển bùng nổ Trung Quốc. Hàng trăm triệu người Trung Quốc giờ đây sử dụng smartphone để thanh toán mọi thứ từ cước xe buýt, taxi cho đến các bữa ăn và vé xem phim,  khiến những chiếc ví đựng tiền và thẻ tín dụng trở nên thừa thải.

Theo công ty dữ liệu iResearch, năm ngoái, khoảng 15.400 tỉ đô la Mỹ giá trị giao dịch thanh toán được thực hiện qua các nền tảng thanh toán di động của Trung Quốc so với con số gần 2.000 tỉ đô la Mỹ vào năm 2015. Trong khi đó, các hãng thẻ tín dụng hàng đầu thế giới như Visa và Mastercard chỉ xử lý tổng cộng 12.500 tỉ đô la Mỹ giá trị giao dịch trên toàn cầu vào năm ngoái.

Tại Mỹ, thanh toán di động vẫn còn chưa phổ biến. Giá trị giao dịch qua PayPal và Apple Pay chỉ đạt 377 tỉ đô la Mỹ trong năm 2017, theo ước tính của côngty tư vấn Javelin Strategy & Research.

Đối với Alibaba và Tencent, câu chuyện của thanh toán di động không chỉ là phí giao dịch. Thanh toán di động giúp họ thu được một khối lượng dữ liệu khổng lồ về mức chi tiêu và thói quen chi tiêu của hàng triệu người dân và doanh nghiệp. Các dữ liệu này có thể được sử dụng để giúp họ chào mời các sản phẩm khác chẳng hạn các gói bảo hiểm, các gói đầu tư và các khoản vay.

Để tìm kiếm thêm người dùng, Alipay và WeChat đã phải cạnh tranh quyết liệt. Họ cử nhân viên đến các cửa hàng trên khắp nước để chào mời sử dụng dịch vụ thanh toán di động. Họ cũng cung cấp báo cáo giao dịch thanh toán di động hàng ngày, hàng tháng cho những người bán dạo trái cây trên đường và những gánh hàng rong bán đồ ăn sáng.

Tuần trước, Ant Financial đã huy động được 14 tỉ đô la Mỹ từ các nhà đầu tư bao gồm những nhà đầu tư nước ngoài. Đây cũng là vòng huy động vốn thu về số tiền nhất của một công ty tư nhân trên thế giới. Để được quyền mua cổ phần của Ant Financial, các nhà đầu tư này phải cam kết không đầu tư vào các công ty có liên quan đến Tencent.

WeChat Pay bứt phát và tăng tốc

Alipay được tỉ phú Jack Ma triển khai vào năm 2004 để hỗ trợ các giao dịch trên các nền tảng thương mại điện tử của Alibaba. Giờ đây, Alipay có hơn 520 triệu người dùng tại Trung Quốc. Đối thủ đàn em WeChat Pay, dù xuất hiện sau Alipay gần 10 năm, cũng nhanh chóng bứt tốc, chủ yếu là nhờ ứng dụng mạng xã hội và nhắn tin WeChat đang đóng vai trò trung tâm trong đời sống hằng ngày của cư dân mạng Trung Quốc. Tencent cho biết số người dùng của ứng dụng WeChat đã vượt qua con số một tỉ vào tháng 3-2018.

Cả hai nền tảng thanh toán Alipay và WeChat Pay cho phép người dùng chuyển tiền ngay lập tức đến cho người khác bằng cách mở điện thoại và quét mã QR (mã phản hồi nhanh).

Năm 2015, Alipay xử lý 74,3% khối lượng các giao dịch thanh toán di động tại Trung Quốc. Đến cuối năm 2017, thị phần của Alipay rơi xuống mức 54%, trong khi đó, thị phần của WeChat Pay vượt mức 39%, theo công ty nghiên cứu Analysys.

Tencent cho rằng công ty này đang là nhà cung cấp dịch vụ thanh toán di động số một Trung Quốc vì hiện nay, nền tảng thanh toán di động WeChat Pay có 600 triệu người dùng thường xuyên hàng tháng.
Hồi tháng 5-2018, Tencent cho biết sẽ tiếp tục chi tiêu để mở rộng thị phần thanh toán di động dù đang đối mặt áp lực lớn từ chính sách trợ giá lớn của các đối thủ.

Xing Zipeng, chủ một nhà hàng lẩu ở TP. Hàng Châu, nơi cho phép khách hàng thanh toán bằng Alipay lẫn WeChat Pay. Ảnh: Wall Street Journal

Dữ liệu từ công ty đầu tư mạo hiểm Kleiner Perkins Caufield & Byers và công ty nghiên cứu thị trường eMarketermcho thấy trung bình mỗi người Trung Quốc dành một một tiếng mỗi ngày cho ứng dụng mạng xã hội và tin nhắn WeChat. Thậm chí, số người bỏ ra bốn tiếng mỗi ngày cho ứng dụng này cũng rất lớn. Điều này tạo cho WeChat một lợi thế trong thanh toán di động.

“Người tiêu dùng rất lười biếng. Nếu họ đang sử dụng ứng dụng WeChat thì họ sẽ sử dụng WeChat Pay, chứ không muốn tắt để sử dụng Alipay”, Kathy Xu, người sáng lập công ty Capital Today Group, nói.
Chen Jianwei, người làm việc tại một quỹ đầu tư ở Thượng Hải, cho biết anh sử dụng cả Alipay lẫn We Chat Pay. Tuy nhiên, anh thích sử dụng WeChat Pay để thanh toán các khoản mua sắm nhỏ hàng ngày như đồ ăn hay thực phẩm.

“Quá phiền phức để mở Alipay chỉ để thanh toán một hộp sữa hay một bó rau khi mà ứng dụng WeChat của tôi luôn luôn mở”, Chen Jianwei nói.

Lợi thế của Alipay

Tuy nhiên, Alipay vượt trội hơn WeChat Pay về các sản phẩm đầu tư qua di động cũng như dịch vụ cho vay với lãi suất thấp. Chen Jianwei đã đầu tư khoảng 15% tiền tiết kiệm của anh để mua các chứng chỉ quỹ của các quỹ đầu tư tập thể (mutual funds) trên nền tảng Alipay. Các sản phẩm đầu tư này được thiết kế để giúp người dùng Alipay kiếm được lợi nhuận từ số dư của họ có trên tài khoản Alipay. Gần đây, Tencent cũng bắt đầu bán các sản phẩm đầu tư, tuy nhiên, quy mô vẫn còn nhỏ so với Ant Financial.

Khi Xing Zipeng, chủ một nhà hàng lẩu ở TP. Hàng Châu, nơi cho phép khách hàng thanh toán bằng Alipay lẫn WeChat Pay, cần tiền để mở rộng kinh doanh, anh phát hiện ứng dụng Alipay chào mời khoản vay 30.000 nhân dân tệ.

Chỉ vào phút sau khi đăng ký vay, số tiền này được chuyển vài tài khoản của anh với mức lãi suất thấp hơn so với các ngân hàng. Điều này khiến anh hết sức ngạc nhiên vì không ngờ thủ tục xét duyệt cho vay nhanh đến như vậy. Anh đoán rằng Ant Financial nắm rõ nhà hàng của anh thu về bao nhiêu tiền mỗi ngày nhờ dữ liệu thu thập được từ Alipay và đã sử dụng dữ liệu đó để cung cấp cho anh khoản vay.

Ma Yaolin cùng chồng là chủ tiệm sửa xe máy ở Thượng Hải nói rằng cô bắt đầu trưng tấm biển có mã QR của Alipay vào đầu năm 2017 sau khi nhân viên kinh doanh của Ant Financial ghé đến thuyết phục. Cô cho biết giờ đây phần lớn khách hàng sử dụng smartphone đều thanh toán các dịch vụ như thay lốp xe.

Năm ngoái, khuyến khích mọi người sử dụng Alipay, Ant Finance đã khuyến mãi thanh toán tiền mua vé buýt cho họ. Tại Hàng Châu, nơi đặt trụ sở của Alibaba, các tài xế taxi cho biết họ thích thanh toán qua Alipay hơn vì không bị tính phí rút tiền giống như WeChat Pay.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới