Thứ Năm, 18/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Đà Nẵng sẽ áp dụng Chỉ thị 19 từ đầu tháng 10

Nhân Tâm

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) – Thành phố Đà Nẵng sẽ áp dụng Chỉ thị 19 của Thủ tướng Chính phủ trong phòng chống dịch kể từ ngày 1-10. Và từ 16-10, thành phố miền Trung này sẽ chuyển sang áp dụng phương án “bình thường mới”, dần mở cửa lại kinh tế khi hầu như người dân trên 18 tuổi đã được tiêm vaccine mũi 1.

Việc tiêm vaccine đại trà sẽ giúp Đà Nẵng nới lỏng dần các hoạt động nhưng vẫn đảm bảo phòng chống dịch. Ảnh: Nhân Tâm

Thông tin trên được ông Hồ Kỳ Minh, Phó chủ tịch thường trực UBND thành phố Đà Nẵng, đề cập trong dự thảo Kế hoạch phòng, chống dịch và phục hồi kinh tế – xã hội thành phố Đà Nẵng trong trạng thái bình thường mới công bố tại hội nghị “Đối thoại doanh nghiệp” diễn ra sáng nay, 24-9.

Cụ thể, Đà Nẵng đưa ra các mức đánh giá nguy cơ và áp dụng các cấp độ phòng chống dịch dựa trên hướng dẫn của Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch Covid-19 về thích ứng an toàn với dịch.

Các cấp 1, 2, 3 và 4 tương ứng với áp dụng “Bình thường mới”, Chỉ thị 19, Chỉ thị 15 và Chỉ thị 16 sẽ được áp dụng tùy theo diễn biến phòng chống dịch.

Dựa vào đánh giá ở các cấp độ, thành phố dự kiến áp dụng biện pháp phòng, chống dịch và triển khai các hoạt động kinh tế, xã hội theo cấp độ 2 (Chỉ thị 19) từ 1-10-2021 đến 15-10-2021 (để đảm bảo đủ thời gian tạo kháng thể sau tiêm vaccine mũi 1), sau đó sẽ chuyển sang áp dụng cấp độ 1 (Bình thường mới) khi hướng dẫn được ban hành chính thức.

Trường hợp diễn biến dịch xấu hơn so với dự kiến của ngành y tế, tùy vào đánh giá mức độ nguy cơ, thành phố sẽ chuyển sang áp dụng trạng thái phòng chống dịch ở cấp độ cao hơn.

Theo kế hoạch này, với tỷ lệ tiêm vaccine mũi 1 đạt trên 95% vào cuối tháng 9-2021, 100% mũi 1 và 22,1% mũi 2 vào cuối tháng 10-2021; khả năng kiểm soát dịch bệnh ở cấp độ 1 (trạng thái bình thường mới) thì khả năng thành phố sẽ đạt được các chỉ tiêu năm 2022 theo kịch bản Trung bình.

Trường hợp dịch bệnh được kiểm soát tốt, kinh tế quốc tế sớm phục hồi trở lại thì các ngành kinh tế cấp 1 chiếm tỷ trọng cao trong GRDP của thành phố như công nghiệp chế biến, chế tạo; xây dựng vận tải kho bãi; dịch vụ lưu trú và ăn uống… sẽ được phục hồi nhanh, trở lại mức tương đương hoặc cao hơn năm 2019 thì khả năng thành phố sẽ đạt được tăng trưởng ở mức kịch bản Cao.

Cụ thể, trong kịch bản Trung bình, tốc độ tăng trưởng GRDP năm 2022 đạt 5,75% so với năm 2021, trong đó các khu vực nông, lâm, thủy sản; công nghiệp – xây dựng; dịch vụ có tốc độ tăng trưởng lần lượt là 2,5%; 6,8% và 5,4%. Một số ngành phục hồi và có mức tăng trưởng mạnh là tài chính, ngân hàng và bảo hiểm (tăng 20,2%), thông tin và truyền thông (tăng 18,9%), hoạt động chuyên môn, khoa học và công nghệ (tăng 17,2%), bán buôn, bán lẻ (tăng 16,8%), giáo dục và đào tạo (tăng 16,7%); một số ngành phục hồi nhưng chưa trở lại tương đương với năm 2019 là công nghiệp chế biến, chế tạo (93,4%), xây dựng (98,5%), vận tải kho bãi (94,51%), lưu trú và ăn uống (57%).

Trong kịch bản Cao, tốc độ tăng trưởng GRDP năm 2022 đạt 7,01% so với năm 2021, trong đó các khu vực nông, lâm, thủy sản; công nghiệp – xây dựng; dịch vụ có tốc độ tăng trưởng lần lượt là 3,01%, 8,40% và 6,63%.

Sự khác nhau trong việc áp dụng các Chỉ thị 15, 16 và 19 trong phòng chống dịch.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới