Thứ Sáu, 26/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Đề xuất sửa đổi theo hướng giảm tối đa các thủ tục quy hoạch khu công nghiệp

Lê Hoàng

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) – Ông Trần Quốc Trung, Phó vụ trưởng Vụ Quản lý các khu kinh tế (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), cho biết thủ tục quy hoạch các khu công nghiệp đang được đề xuất sửa đổi giảm tối đa để nhà đầu tư thực hiện dự án nhanh nhất.

Ông Trần Quốc Trung (giữa) chia sẻ về việc sửa đổi để giảm tối đa thủ tục quy hoạch các khu công nghiệp để nhà đầu tư thực hiện dự án nhanh nhất tại diễn đàn. Ảnh: Lê Hoàng

Thông tin này được ông Trần Quốc Trung chia sẻ với các nhà phát triển hạ tầng bất động sản công nghiệp, nhà đầu tư, doanh nghiệp sản xuất tại sự kiện Diễn đàn bất động sản công nghiệp năm 2022 diễn ra ngày 24-5 tại TPHCM.

Chia sẻ những khó khăn của các nhà đầu tư, ông Trần Quốc Trung nói: “Chúng tôi đã trình Chính phủ dự thảo nghị định thay thế Nghị định số 82/2018/NĐ-CP về quản lý khu công nghiệp và khu kinh tế. Hy vọng trong quí 2 này Thủ tướng sẽ xem xét ban hành”.

Trong phần sửa đổi sắp tới, theo ông Trung, có nhiều nội dung mà nhà phát triển hạ tầng khu công nghiệp nêu sẽ được giải quyết như quy hoạch, thủ tục hành chính… “Chúng tôi sẽ sửa đổi để giảm tối đa thủ tục hành chính cho nhà đầu tư, đặc biệt là thủ tục quy hoạch các khu công nghiệp, giảm bớt các thủ tục trùng lắp để nhà đầu tư thực hiện dự án nhanh nhất”, ông Trung nói.

Tại sự kiện, một số ý kiến cũng cho rằng hiện nay việc giữ chân công nhân lao động ở lại làm việc lâu dài tại các doanh nghiệp khó khăn do thiếu đất để phát triển nhà ở cho người lao động.

Liên quan vấn đề này, theo ông Trung, trong dự thảo nghị định thay thế Nghị định 82, cơ quan này cũng đưa vào một số quy định để khi phát triển khu công nghiệp đảm bảo phải cung cấp các dịch vụ cho người lao động sinh sống ổn định lâu dài để doanh nghiệp sản xuất trong khu công nghiệp đó có thể giữ chân người lao động.

Một điểm khác trong dự thảo nghị định thay thế Nghị định 82, theo ông Trung là bổ sung thêm một số cơ chế chính sách giao thẩm quyền cho các UBND cấp tỉnh có thể ban hành thêm cơ chế nhằm thu hút đầu tư cho các khu công nghiệp sinh thái, bổ sung thêm một số cơ chế chính sách để các nhà đầu tư có thể kết nối với nhau.

Một số chính sách ưu đãi như tín dụng xanh, quỹ bảo vệ môi trường,… cũng được bổ sung vào nghị định để các khu công nghiệp có thể hướng tới phát triển sinh thái.

Theo nhận định của đại diện Vụ Quản lý các khu kinh tế, dù thời gian qua bị ảnh hưởng lớn bởi đại dịch Covid-19, nhưng trên phạm vi tổng thể thì các dự án phát triển bất động sản công nghiệp tại Việt Nam vẫn tiến triển rất tích cực.

Đến nay, cả nước có gần 300 khu công nghiệp đi vào hoạt động trên tổng số hơn 400 khu công nghiệp đã được thành lập. Tỷ lệ lấp đầy khu công nghiệp tăng từ 71% lên gần 75% tính đến cuối năm 2021.

Với các dấu hiệu tích cực trong việc cấp phép đầu tư cho các khu công nghiệp trong thời gian qua, nhu cầu đất nhà xưởng xây sẵn cũng như kho bãi, các dịch vụ logistics… sẽ được đáp ứng tốt hơn. Tuy nhiên, phân tích tại phiên thảo luận “Kiến tạo hệ sinh thái khu công nghiệp” của Diễn đàn bất động sản công nghiệp Việt Nam 2022, thì việc phát triển các thành phố công nghiệp thông minh, thân thiện với môi trường theo các nhà phát triển hạ tầng là sẽ tăng chi phí rất nhiều.

Giải pháp được các nhà phát triển hạ tầng đưa ra là phải quy hoạch với diện tích lớn hơn 10.000 héc ta. Do đó, các doanh nghiệp phát triển hạ tầng đề xuất Chính phủ cần xem xét lại việc giới hạn diện tích của khu công nghiệp hiện nay.

Bà Somhatai Panichewa, Tổng giám đốc điều hành Amata Vietnam, cho rằng, với quy mô này, Amata mới có thể đưa ra những quy hoạch lớn hơn, kế hoạch lớn, cùng hợp tác với các đối tác lớn, để làm nó trở lên cạnh tranh hơn.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới