Thứ Ba, 14/05/2024
32 C
Ho Chi Minh City

DN trúng thầu cung cấp gạo dự trữ quốc gia muốn ‘xù’ hợp đồng

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

DN trúng thầu cung cấp gạo dự trữ quốc gia muốn ‘xù’ hợp đồng

Trung Chánh

(TBKTSG Online) – Đã trúng thầu cung cấp gạo dự trữ cho Tổng cục dự trữ Quốc gia, thuộc Bộ Tài chính, nhưng hiện nay nhiều doanh nghiệp hoặc từ chối bằng văn bản hoặc không đến ký hợp đồng theo quy định.

Chính phủ đồng ý cho xuất khẩu 400.000 tấn gạo trong tháng 4-2020

Kiến nghị dừng xuất khẩu gạo cấp thấp để thực hiện dự trữ quốc gia

DN trúng thầu cung cấp gạo dự trữ quốc gia muốn ‘xù’ hợp đồng
Doanh nghiệp trúng thầu hợp đồng dự trữ muốn "xù" hợp đồng. Trong ảnh là vận chuyển gạo vào kho tại một doanh nghiệp. Ảnh: Trung Chánh

Bộ Tài chính, hôm 10-4, đã có văn bản số 4355/BTC-QLG gửi Bộ Công Thương về tham gia ý kiến đối với dự thảo báo cáo Thủ tướng Chính phủ về phương án điều hành xuất khẩu gạo.

Trong văn bản nêu trên, ông Huỳnh Quang Hải, Thứ trưởng Bộ Tài chính, cho biết Tổng cục dự trữ Quốc gia đã đấu thầu và trúng được 178.000 trên 190.000 tấn gạo kế hoạch mua dự trữ năm 2020.

Tuy nhiên, theo ông Hải, đến nay có rất nhiều doanh nghiệp đã được phê duyệt kết quả trúng thầu và thống báo kết quả trúng thầu, nhưng đã có văn bản từ chối ký hợp đồng hoặc không đến ký hợp đồng theo quy định với số lượng gạo là 160.300 tấn (đã trúng thầu 178.000 tấn).

Do vậy, Bộ Tài chính đề nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ cho phép thực hiện xuất khẩu gạo với những doanh nghiệp đã trúng thầu với Cục dự trữ Quốc gia khu vực và phải ký hợp đồng, giao gạo xong cho các Cục dự trữ Quốc gia khu vực và chỉ được thực hiện xuất khẩu gạo sau ngày 15-6-2020.

Theo tìm hiểu của TBKTSG Online, ngày 3-4 vừa qua, ông Hải của Bộ Tài Chính cũng đã ký văn bản số 3905/BTC-QLG (văn bản số 3905/BTC-QLG được đính kèm chung văn bản 2412/BCT-XNK của Bộ Công Thương- PV) để tham gia đóng góp ý kiến cho bản dự thảo báo cáo Thủ tướng Chính phủ về phương án điều hành xuất khẩu gạo của Bộ Công Thương.

Tại văn bản này, Bộ Tài chính cũng kiến nghị dừng xuất khẩu gạo tẻ thường (được biết đến là gạo cấp thấp của giống IR 50404) đến hết ngày 15-6-2020 và chỉ cho phép xuất khẩu gạo thơm, gạo nếp và gạo hữu cơ.

Mục đích của đề nghị nói trên cũng nhằm để các doanh nghiệp đã trúng thầu cung cấp gạo cho Tổng Cục dự trữ Quốc gia thực hiệp hợp đồng. Bởi lẽ, những đơn vị trúng thầu đã có dấu hiệu cho thấy đang cố tình "kéo dài thời gian ký hợp đồng" và "không thực hiện thương thảo hợp đồng". Trong đó, Tổng công ty lương thực miền Bắc (Vinafood 1) và các doanh nghiệp thành viên là những đơn vị đã trúng thầu.

Trao đổi với TBKTSG Online vào hôm nay, 11-4, về lý do các doanh nghiệp không thực hiện hợp đồng đã trúng thầu với Tổng Cục dự trữ Quốc gia, Giám đốc một doanh nghiệp xuất khẩu gạo ở thành phố Cần Thơ (không muốn nêu tên), cho rằng khả năng giá ký hợp đồng đã thấp hơn so với giá thị trường hiện nay, cho nên, các doanh nghiệp muốn “xù”. “Ngoài ra, nguồn cung gạo cấp thấp hiện đang hạn hẹp cũng là một yếu tố”, vị này nói.

Văn bản số 4355/BTC-QLG ngày 10-4 của Bộ Tài chính

Tại văn bản số 4355/BTC-QLG gửi Bộ Công Thương hôm 10-4, Bộ Tài chính cũng đề nghị không được ký hợp đồng xuất khẩu gạo tẻ thường mới (kể cả phụ lục bổ sung các hợp đồng đã ký làm thay đổi tổng số lượng xuất khẩu), tạm dừng xuất khẩu loại gạo tẻ thường đến hết ngày 15-6-2020 để đảm bảo mua đủ gạo dự trữ quốc gia theo kế hoạch.

Tuy nhiên, cũng trong ngày 10-4, Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý với đề xuất xuất khẩu gạo trở lại như “kịch bản” được Bộ Công Thương đưa ra, tức trong tháng 4-2020 cho phép xuất khẩu 400.000 tấn. Trong khi đó, phương án điều hành trong tháng 5-2020 sẽ được Bộ Công Thương và các đơn vị liên quan báo cáo Thủ tướng Chính phủ quyết định trước ngày 25-4 sắp tới.

Ngày 10-4-2020, Bộ Công Thương cũng đã có Quyết định số 1106/QĐ-BCT về việc công bố hạn ngạch xuất khẩu đối với mặt hàng gạo trong tháng 4-2020.

Theo đó, nguyên tắc quản lý hạn ngạch sẽ được thực hiện như sau: thương nhân đăng ký tờ khai hải quan trước sẽ được trừ vào hạn ngạch xuất khẩu trước. Số lượng khai trên tờ khai hải quan đã đăng ký sẽ được trừ lùi vào số lượng được phép xuất khẩu trong tháng 4. Trường hợp tờ khai hải quan không còn giá trị làm thủ tục hoặc số lượng thực xuất ít hơn số lượng đã khai hải quan, thì số dư sẽ được cộng trở lại số lượng được phép xuất khẩu trong tháng 4-2020.

Tờ khai hải quan có giá trị làm thủ tục hải quan cho tới khi tổng số lượng đăng ký xuất khẩu của các tờ khai chạm mốc 400.000 tấn (tờ khai hải quan vượt mốc 400.000 tấn sẽ không có giá trị làm thủ tục hải quan). Trường hợp tờ khai hải quan không còn giá trị làm thủ tục hoặc số lượng thực xuất ít hơn số lượng đã khai hải quan, thì số dư sẽ được cộng trở lại số lượng được phép xuất khẩu trong tháng 4.

Về cửa khẩu xuất khẩu, chỉ cho phép xuất khẩu gạo qua cửa khẩu quốc tế (đường bộ, đường sắt, biển, đường thủy và hàng không). Quyết định nêu trên có hiệu lực từ 0 giờ ngày 11-4-2020.

 

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới