Thứ Ba, 7/05/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Doanh nghiệp chế biến thức ăn chăn nuôi “ngấm đòn”

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Doanh nghiệp chế biến thức ăn chăn nuôi “ngấm đòn”

Trung Chánh

(TBKTSG Online) – Ngành sản xuất cá tra gặp khó; tôm nuôi chết trên diện rộng; thịt heo tiêu thụ khó khăn do có thông tin có chứa chất tạo nạc…, đã ảnh hưởng mạnh đến cả hệ thống dây chuyền ngành chăn nuôi, đặc biệt là các nhà máy chế biến thức ăn chăn nuôi.

Doanh nghiệp chế biến thức ăn chăn nuôi “ngấm đòn”
Các nhà máy sản xuất thức ăn chăn nuôi đang gặp khó, trong ảnh là thức ăn chăn nuôi tại 1 đại lý ở ĐBSCL – Ảnh: Trung Chánh

Điều này không chỉ doanh nghiệp gặp khó khăn mà ngay cả người nông dân cũng đang có nguy cơ phá sản.

Doanh nghiệp gặp khó

Theo thống kế của Hiệp hội Thức ăn chăn nuôi (TACN) Việt Nam, năm 2011 ngành sản xuất thức ăn công nghiệp đã sản xuất được 14,3 triệu tấn, tăng 12% so với năm trước đó. Trong đó, thức ăn cho gia súc, gia cầm là 11,5 triệu tấn, cho thủy sản 2,8 triệu tấn.

Ông Lê Bá Lịch, Chủ tịch hiệp hội cho biết, trong những năm qua, ngành sản xuất thức ăn công nghiệp của Việt Nam liên tục phát triển và góp phần rất lớn đến năng suất, chất lượng của đàn vật nuôi. Tuy nhiên, theo ông Lịch trong 3 tháng đầu năm 2012, tình hình sản xuất TACN của Việt Nam gặp rất nhiều khó khăn.

“Ảnh hưởng của sự tăng giá hàng hóa, biến động tỷ giá đã tác động mạnh đến giá nguyên liệu thức ăn, đặc biệt là các loại nguyên liệu phụ thuộc vào nhập khẩu (khô đậu tương, ngô, cám, chất bổ sung và các loại phụ gia khác), lãi suất cao, giá điện nước đều tăng… Chính những khó khăn này đã khiến nhiều doanh nghiệp gặp khó trong sản xuất, đặc biệt là đối với những doanh nghiệp 100% vốn trong nước có khả năng cạnh tranh yếu”.

Một nguyên nhân khác cũng có tác động mạnh mẽ, gây khó khăn cho các doanh nghiệp sản xuất TACN trong những tháng đầu năm nay đó là tình hình tôm nuôi chết trên diện rộng; người nông dân thiếu vốn đầu tư phát triển con cá tra; người chăn nuôi heo ngại đầu tư trở lại vì lo giá tiếp tục xuống thấp bởi ảnh hưởng từ chất tạo nạc.

Ông Nguyễn Văn Phước, Giám đốc Công ty sản xuất TACN Thành Lợi (Bình Dương) thừa nhận: “Đối với doanh nghiệp Thành Lợi, trong những tháng đầu năm nay, tình hình sản xuất cũng như sản lượng bán ra có giảm đi nhiều. Lý do, ngoài ảnh hưởng của dịch bệnh, thiếu vốn của người nông dân…, thì thị trường bây giờ cũng không giống như ngày xưa, mỗi tỉnh, mỗi vùng đều có nhà máy chế biến TACN nên mức độ cạnh tranh cao vì vậy doanh số bán ra giảm đi”.

Ông Phạm Đức Bình, Giám đốc Công ty TNHH Thanh Bình, đồng thời là Phó Chủ tịch Hiệp hội TACN Việt Nam nhấn mạnh: “Khó khăn hiện nay của các doanh nghiệp TACN đang gặp là khó khăn chung của ngành kinh tế. Nếu doanh nghiệp nào quản trị dòng tiền tốt thì rất dễ dàng vượt qua. Riêng doanh nghiệp Thanh Bình, chúng tôi coi đây là cơ hội phát triển chứ không hoàn toàn là khó khăn”.

Ứng 70% tiền để có thức ăn

Cả hệ thống ngành chăn nuôi Việt Nam, từ doanh nghiệp sản xuất thức ăn chăn nuôi, người nông dân sản xuất đến các doanh nghiệp chế biến xuất khẩu đang gặp rất nhiều khó khăn, trong đó, người chăn nuôi gia súc gia cầm và người nuôi trồng thủy sản là bộ phận phải “gánh” nhiều rủi ro nhất, ít được ưu đãi nhất.

Điều này, khiến các doanh nghiệp, đại lý cung ứng TACN thay đổi hình thức mua bán theo hướng nào an toàn nhất đối với họ.

“Nếu như trước đây chúng tôi chỉ cần đến đại lý cung cấp TACN (đại lý cấp 1 hoặc 2 ở địa phương mình, có quen biết là có thể mua thức ăn về cho cá hoặc gia súc gia cầm sử dụng. Đến khi có sản phẩm thì đem bán và chúng tôi lấy tiền đó trả cho các doanh nghiệp hoặc đại lý cung cấp thức ăn. Nhưng bây giờ họ (doanh nghiệp, đại lý thức ăn) bắt chúng tôi phải thanh toán tiền ngay mới bán” – ông Trần Văn Hùng, hộ nuôi cá bè tại phường Tân Long, TP Mỹ Tho, Tiền Giang cho biết.

Theo ông Tăng Trình, ấp Tân An, xã An Nhơn , huyện Châu Thành, Đồng Tháp, trước đây, người nuôi cá tra làm ăn dễ kiếm lời vì vậy trả tiến vốn, tiền lãi cho các đại lý cung cấp TACN cũng nhanh chóng. Còn bây giờ, nuôi cá tra gặp nhiều khó khăn nên đại lý cung cấp thức ăn bắt buộc phải ứng trước 50-70% tiền mới cung cấp thức ăn.

“Để có vốn nuôi một ao cá tra đã rất khó khăn, chúng tôi phải chạy đầu này vay, chạy đầu kia vay mới có mà giờ doanh nghiệp, đại lý lại TACN bắt bước đưa tiền cho họ trước mới bán thức ăn. Điều này có khác nào chúng tôi đưa tiền cho đại lý lấy thức ăn dùm tôi, nhưng còn phải đóng lãi cho họ nũa” – ông Trình cho biết.

Ông Nguyễn Văn Phước thừa nhận: “Khi buôn bán với người nông dân trong thời buổi khó khăn như hiện nay thì phải cẩn thận lại, phải tìm hiểu rõ người chăn nuôi có chữ tín hay không, có khả năng chi trả hay không. Nếu mình mà liều mạng mà bán, không coi trước coi sau thì coi chừng mất tiền”.

Việc các doanh nghiệp, đại lý TACN thay đổi hình thức mua bán với người nông dân, người chăn nuôi, đã vô tình đẩy họ đứng trước nguy cơ phá sản, mà người nông dân "treo" ao tôm, ao cá, bỏ trống chuồng heo thì nhiều nhà máy chế biến thức ăn có khả năng càng không bán được hàng, càng đình đốn thêm.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới