Thứ Sáu, 26/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Doanh nhân không còn lạc quan

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Doanh nhân không còn lạc quan

Uyên Viễn thực hiện

(TBKTSG Online) – Một năm trước, người dân Việt Nam còn đứng đầu bảng xếp hạng lạc quan thế giới về triển vọng kinh tế của đất nước, theo thăm dò của Viện Thăm dò BVA (Pháp). Chắc hẳn trong mẫu khảo sát đó có không ít người là doanh nhân. Nhân ngày 13-10 – Ngày Doanh nhân Việt Nam, phóng viên Thời báo Kinh tế Sài Gòn Online đã gặp một số doanh nhân. Họ đã không còn lạc quan như trước nữa.

– Ông Nguyễn Tuấn Quỳnh, Phó tổng giám đốc Công ty Vàng bạc đá quý Phú Nhuận (PNJ):

Doanh nhân không còn lạc quan

Tình hình kinh tế trong nước từ nay đến cuối năm 2011, tôi không nghĩ có nhiều sự thay đổi. Doanh nghiệp sẽ gặp rất nhiều khó khăn để có thể tồn tại và phát triển. Và như vậy, tình trạng doanh nghiệp nhìn chung là không “khỏe mạnh”. Tôi tin rằng, sẽ có nhiều doanh nghiệp đã và đang nghĩ đến việc đóng cửa, bán công ty hoặc chuyển hướng kinh doanh. Mặt khác tôi cũng tin rằng, sang năm 2012 nền kinh tế Việt Nam sẽ tốt hơn.

– Ông Nguyễn Thanh Phong, Giám đốc Công ty TNHH thương mại, dịch vụ, kiến trúc xây dựng Ngạc Nhiên:

Để các doanh nghiệp thoát khỏi cảnh "sống trong sợ hãi” như thời gian qua, hứng chịu vô vàn áp lực, chúng tôi rất trông chờ vào các chính sách ra đời mang tính ổn định, căn cứ theo sự vận hành của nền kinh tế thị trường.

Chính sách hợp lý sẽ giúp doanh nghiệp dựa vào đó để phát triển, trở thành trụ cột cho nền kinh tế quốc gia. Cứ như tình hình hiện nay, nhiều doanh nghiệp trong nước đang dần đánh mất giá trị của mình vì thiếu vốn đầu tư phải thoái vốn, bán dự án, bán bớt cổ phần cho các nhà đầu tư nước ngoài để rồi một ngày nào đó các doanh nghiệp Việt Nam chỉ còn là cái bóng. Đáng buồn thay!

– Bà Huỳnh Long Ngọc Diệp, Giám đốc Việt Chay Group:

Tôi thường quan sát chiếc bình chứa đầy những viên sỏi. Khi thấy nó đầy, ta có thể đổ thêm cát vào. Thấy đầy rồi ta lại đổ thêm nước vào. Bấy giờ chiếc bình nhìn thấy tuy đã đầy nhưng ta vẫn có thể đổ vào đó tiếp nào là màu sắc, nào là mùi hương. Đó chính là thị trường ngách và cơ hội chính là ở điểm này.

Trong thương trường, thứ nhất, doanh nghiệp nhạy bén sẽ nhìn thấy được sự khác biệt trong cùng lĩnh vực mà đơn vị khác chưa nhìn ra. Kế đến là xây dựng được chiến lược giá hợp lý. Yếu tố con người chiếm vị trí thứ ba.

– Thạc sĩ Đỗ Thanh Năm, Giám đốc Công ty tư vấn và hỗ trợ chiến lược Win-Win:

Thời gian gần đây giới doanh nhân, doanh nghiệp đối diện với rất nhiều khó khăn. Chuyện này ai cũng biết và vẫn tiếp tục xoay xở tìm lối thoát.

Những lúc khó khăn chính là lúc cần tạo ra một tinh thần tốt nhất cho chủ doanh nghiệp và cán bộ, nhân viên. Sức mạnh lớn nhất của doanh nhân nằm ở ý chí và tinh thần vượt khó. Vì vậy, doanh nhân nên xem đây là cơ hội để trưởng thành, thể hiện bản lĩnh, trí tuệ của mình. Nếu làm được điều này, doanh nhân Việt Nam từng bước sẽ sánh vai với doanh nhân thế giới. Tôi hy vọng điều này sẽ không xa.

– Ông Trần Việt Tiến, Giám đốc Công ty cổ phần Mỹ thuật Gia Long:

Cùng với tâm lý muốn kết toán cuối năm và mãi lực tiêu dùng những tháng cuối năm có thể nhiều doanh nghiệp sẽ cầm cự. Thế nhưng sang đầu năm 2012 thì sẽ có nhiều doanh nghiệp rút khỏi thương trường, vì cơ bản các chi phí tăng đều mà đầu ra lại quá khó khăn, trong khi đó giá không tăng được.

Giai đoạn vừa qua các doanh nghiệp đã tự bơi. Nếu được các ban ngành hỗ trợ, chia sẻ thì sức đề kháng của doanh nghiệp sẽ tốt hơn và nội lực quốc gia cũng sẽ vững mạnh hơn.

Một điều không thể chấp nhận là trong lúc các doanh nghiệp lâm vào hoàn cảnh khốn đốn, thì ngân hàng vẫn phè phè ít nhất là 4% lợi nhuận như thời hoàng kim.

– Bà Nguyễn Thị Tâm, Giám đốc Công ty tư vấn tâm lý Hồn Việt:

Sang năm 2012, có lẽ tình trạng “sức khỏe” của doanh nghiệp chưa thể phục hồi khá lên ngay được. Sự hồi phục này còn tùy thuộc vào cơ chế, chính sách vĩ mô của những người điều hành nền kinh tế đất nước, và còn bị ảnh hưởng bởi kinh tế và hệ thống tiền tệ của thế giới.

– Ông Lưu Nhật Huy, Giám đốc điều hành Viện Phát triển Quản trị và Công nghệ mới:

Có thể trong thời điểm khó khăn, số doanh nghiệp nhỏ và vừa bị phá sản hoặc rút lui khỏi thị trường tăng rất nhanh, đến khi gặp điều kiện thuận lợi hơn thì việc gia nhập trở lại thị trường của họ cũng nhanh không kém. Cơ hội vẫn có nhiều trong thị trường, chỉ có điểm khác biệt là ai nhận ra, thay đổi nhanh để nắm bắt được thì sẽ thắng.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới