Thứ Sáu, 26/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Đưa tàu vượt bãi thủy lôi

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Đưa tàu vượt bãi thủy lôi

Nội dung: Đào Loan – Trình bày: Thu Trang

Đưa tàu vượt bãi thủy lôi
 

(TBKTSG Online) – Những ngày này, ông Ngô Minh Đức, Chủ tịch HG Holdings bận rộn suốt với những buổi họp cùng đồng sự và các cuộc làm việc với đối tác để bàn các kế hoạch kinh doanh mới. Tình hình dịch bệnh trong nước tạm yên, ở bên ngoài cũng có một số thay đổi khiến thị trường bắt đầu có những chuyển biến mới và doanh nhân này không muốn lỡ nhịp.

HG Holdings được định hình là tập đoàn hoạt động trong lĩnh vực du lịch, hàng không, với 4 mảng kinh doanh chính, gồm dịch vụ lữ hành có HG Travel (chuyên làm tổng đại lý, đại lý bán vé máy bay và văn phòng đại diện chính thức tại Việt Nam cho một số hãng bay nước ngoài như: American Airlines, Turkish Airlines…); dịch vụ du thuyền Bhaya Group với 3 thương hiệu là Bhaya Classic, The Au Co, Legend Halong (gồm 19 du thuyền và 178 phòng nghỉ); du lịch nghỉ dưỡng với Lang Co Beach Resort (có 124 phòng nghỉ) và lĩnh vực OTA (Online Travel Agency) với ứng dụng có tên gọi Gotadi.

Trong tình hình khó khăn chung của ngành hàng không,  du lịch trong đại dịch Covid-19, vị chủ tịch Ngô Minh Đức chia sẻ trong thời gian vừa qua ông điều hành doanh nghiệp như cách người thuyền trưởng điều khiển con tàu bị trúng thủy lôi, tức khoang nào bị bục thì đóng ngay lại để tàu không chìm nhưng vẫn hoạt động.

Ông Đức bắt đầu làm việc trong ngành hàng không từ 1993, sau đó chuyển sang mảng du lịch. Đến 2004, doanh nhân này đã cùng các đồng sự tạo dựng và phát triển Tập đoàn HG Holdings, tiền thân là Công ty Du lịch Hương Giang (thành lập năm 1997) thành một “hệ sinh thái”. Trong đó, các công ty về dịch vụ hàng không sẽ đưa khách từ nước ngoài vào Việt Nam, các công ty mảng du lịch quốc tế phục vụ khách rồi đưa khách đến với dịch vụ tàu du lịch, dịch vụ khách sạn… tật cả đều vận hành theo một chuỗi hoàn chỉnh với dòng tiền tốt. Thế nhưng, Covid-19 đã làm chuỗi tuần hoàn này bị tắc nghẽn.

"Như mảng lữ hành quốc tế, năm ngoái 160 nhân viên của chúng tôi mang về doanh số hơn 30 triệu đô la Mỹ. Mới cuối năm 2019, mọi người còn tính toán kế hoạch phát triển rất tưng bừng nhưng đến tháng Ba thì gần như không còn gì" ông nói và cho rằng, điều may mắn nhất khi dịch đến là tập đoàn đã trả hết các khoản vay.

Thế nhưng, doanh nhân này cho rằng, thuận lợi đó cũng không mang lại cảm giác "dễ thở" hơn khi điều hành doanh nghiệp trong điều kiện dịch bệnh diễn biến thất thường và thị trường du lịch, đặc biệt là du lịch quốc tế gần như bằng không như hiện nay. Các kịch bản quay lại thị trường cứ phải chỉnh liên tục.

 

Như mảng quốc tế, ban đầu công ty định là có thể khởi động lại từ tháng Bảy để đón khách vào cuối năm nhưng rồi phải kéo đến đầu năm, rồi giữa năm sau và mốc thời gian mới nhất là đến quí 4-2021. Với mảng nội địa, có lúc tưởng như đã tạm ổn vì thị trường khởi động tốt, khu nghỉ dưỡng kín khách, tàu du lịch có thể chạy một phần công suất thì dịch đợt hai bùng lên khiến mọi thứ lại về zero.

"Thị trường thay đổi, suy giảm đến sửng sờ. Cứ nghĩ như SARS hồi 2003, chúng tôi chuẩn bị là sẽ mất mùa hè, đến mùa đông là có thể đón khách trở lại và đã chuẩn bị nguồn quỹ cho việc này nhưng mọi việc phải thay đổi", ông nói.

Trả lời câu hỏi, đại dịch đã ảnh hưởng đến HG Holdings như thế nào? ông bước lại tấm bảng trắng và lược ra những con số. Trong đó, với bộ phận điều hành điểm đến (mảng lữ hành quốc tế), từ 160 người gồm 20 người nước ngoài, đến tháng Năm chỉ 45 người và sẽ phải cắt giảm tiếp, có thể chỉ còn 10 người.

Đội tàu du lịch từ 360 người, đến trước dịch lần hai còn 100 người, hiện giờ còn 60 người để vận hành cơ sở vật chất. Khu nghỉ dưỡng ở Huế trong mùa hè phải thuê thêm nhân viên để hoạt động nhưng hiện tại phải "đứng im"… Năm ngoái, doanh thu của tập đoàn khoảng 3.000 tỉ đồng, năm nay chưa biết sẽ giảm đến đâu vì thị trường đang rất khó đoán.

"Điều kiện thị trường như thế này đòi hỏi CEO phải rất quyết liệt và sáng tạo. Ở thời điểm này, tôi điều hành doanh nghiệp như cách thuyền trưởng điều khiển một con tàu trúng thủy lôi, cứ khoang nào bị bục là phải đóng ngay lại để ngăn tàu chìm", ông Đức nói.

Ông nhấn mạnh "đóng khoang" chứ không phải "đóng tàu", có nghĩa là chỉ ngăn để tàu không chìm nhưng không ngăn mọi hoạt động. Trước đây, dòng tiền của bộ phận này có thể sẽ đẩy qua bộ phận kia nhưng nay tập đoàn ngăn lại để những mảng khó khăn không ảnh hưởng đến mảng khác nhằm có thể tiếp tục thúc đẩy những mảng đầu tư có tiềm năng phát triển trong tương lai.

 

"Công nghệ là tương lai của ngành du lịch. Sau dịch, cơ hội vẫn sẽ đến từ công nghệ. Vì thế, chúng tôi đang tập trung cao độ Gotadi", ông Đức nói khi trao đổi về việc phát triển trang web và ứng dụng đặt vé máy bay, khách sạn trực tuyến Gotadi, mảng đầu tư mà tập đoàn thực hiện từ năm năm nay.

Theo đó, năm năm qua, HG đã "đổ" vào mảng này khoảng 100 tỉ đồng. Khoản đầu tư này tuy chưa mang lại lợi nhuận nhưng đã đem đến kết quả không tồi. Gotadi hiện có hệ thống kết nối trực tiếp với 4 hãng hàng không nội địa, 54 hãng hàng không nước ngoài bay Việt Nam cùng 900 hãng hàng không khác trên thế giới, hơn 6.000 khách sạn nội địa và 400.000 khách sạn quốc tế.

"Tuy thị phần của chúng tôi vẫn còn nhỏ nhưng lượng khách hàng tăng trưởng rất khả quan. Trong đợt dịch này, chúng tôi sẽ có sự chuyển biến mạnh mẽ về công nghệ để có thể phát triển tốt hơn", ông Đức nói.

Theo đó, thương mại điện tử vẫn tăng trưởng rất mạnh mẽ trong đợt dịch này. Nhiều người quen hơn với việc mua bán, thanh toán qua mạng. Với mảng đại lý du lịch trực tuyến, thị phần của các trang web trong nước đều tăng khả quan cho nên tập đoàn quyết định tăng tốc. Trong đó, bước chuyển mình của Gotadi là phát triển mạng lưới đại lý cá nhân thay vì chỉ tập trung vào số lượng khách hàng tự đặt dịch vụ trực tuyến.

Theo ông Đức, tuy công nghệ, Internet tại Việt Nam đang phát triển rất nhanh nhưng hiện chỉ có 7% khách hàng là có thể hoàn toàn tự tin đặt vé trực tuyến, phần lớn còn lại vẫn phải nhờ người khác hỗ trợ. Phát triển đại lý cá nhân là ngách mới, giúp Gotadi phục vụ và gia tăng lượng khách hàng tốt hơn.

"Đây cũng là thời điểm thuận lợi để phát triển mạng lưới đại lý cá nhân vì đang có rất nhiều người cần có thêm công việc để tăng thu nhập", ông nói và cho biết, với bước chuyển mình này cùng sự đầu tư mạnh mẽ trong thời gian tới, tập đoàn kỳ vọng trong 5 năm tới, Gotadi sẽ chiếm 20% thị phần du lịch trực tuyến của Việt Nam.

Cũng theo ông, Gotadi sẽ hợp tác với nhiều doanh nghiệp trong nước để cùng đi lên. Như hôm nay (10-9), những người đứng đầu Gotadi và Alpha Books đã ký kết hợp tác để thực hiện nhiều hoạt động, trong đó có việc hợp tác quảng bá và bán sản phẩm, Alpha Books sử dụng các giải pháp của Gotadi để tiết kiệm chi phí…

"Với việc hợp tác này, logo của Gotadi sẽ hiện diện trên hàng trăm ngàn cuốn sách của Alpha Books còn khách hàng mua sách của công ty này sẽ có mã số để mua vé máy bay với giá tốt hơn… Chúng tôi sẽ hợp tác với nhiều doanh nghiệp như bảo hiểm, ngân hàng, chuỗi cà phê để cùng xây dựng hệ thống, hỗ trợ nhau phát triển để vượt dịch", ông Đức nói.

 

Mời đọc thêm:

Thay đổi quy trình vận hành là 'chìa khóa' để đón khách quốc tế trở lại

Cần cẩn trọng khi kích cầu du lịch nội địa lần hai

Du lịch các địa phương 'tơi tả' như thế nào trong 8 tháng qua?

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới