Thứ Ba, 14/05/2024
32 C
Ho Chi Minh City

EuroCham đề xuất trả chi phí để nhân viên và người nhà được tiêm vaccine

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

EuroCham đề xuất trả chi phí để nhân viên và người nhà được tiêm vaccine

Vân Phong

(KTSG Online) – Cách duy nhất giúp Việt Nam vượt qua làn sóng lây nhiễm Covid-19 thứ tư là một chương trình tiêm chủng mở rộng tích cực và nhanh chóng, theo ông Alain Cany – Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham).

EuroCham đề xuất trả chi phí để nhân viên và người nhà được tiêm vaccine
Tiêm vaccine tại điểm tiêm Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương. Ảnh: Bộ Y tế

Báo cáo của Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) cho thấy niềm tin của doanh nghiệp đã bị suy giảm mạnh do ảnh hưởng của làn sóng dịch Covid-19 thứ tư. Theo đó, chỉ số môi trường kinh doanh (BCI) đã đạt mức 73,9% trong quí 1-2021 – tiệm cận mức trước đại dịch Covid-19, nhưng đợt bùng phát dịch vào cuối tháng 4 với sự lan rộng của các biến thể mới đã khiến chỉ số này giảm gần 30 điểm trong quí 2, xuống mức 45,8%.

Đáng chú ý, có 44% số doanh nghiệp cho biết chưa được tiếp cận với chương trình tiêm chủng. Vì vậy, EuroCham sẵn sàng tự chi trả chi phí để nhân viên và người nhà được tiêm vaccine Covid-19.

“Đây là một mức giảm đáng kể, mặc dù mức giảm không quá sâu như trong đợt bùng phát đại dịch lần đầu vào năm 2020”, báo cáo của EuroCham cho biết.

Cũng theo báo cáo, chỉ có 19% thành viên EuroCham tham gia khảo sát cho rằng nền kinh tế sẽ ổn định và cải thiện trong quí tới, trong khi tỷ lệ này trong quí 1-2021 là 61%. Ngoài  ra, có  58% số thành viên lo ngại doanh nghiệp của họ sẽ chịu tác động tiêu cực đáng kể nếu người lao động không được tiêm vaccine Covid-19 trong năm nay.

Ông Alain Cany – Chủ tịch EuroCham tại Việt Nam – cho rằng kết quả BCI của EuroCham tái khẳng định nhu cầu cấp thiết của Việt Nam trong việc tăng tốc chiến dịch tiêm chủng. Còn việc phong tỏa các tỉnh, thành phố và giãn cách xã hội và hạn chế đi lại không phải là giải pháp căn bản và sẽ gây ra thiệt hại kinh tế đáng kể về lâu dài.

“Không có con đường nào thoát khỏi đợt dịch thứ tư này nếu không có một chương trình tiêm chủng mở rộng tích cực và nhanh chóng để giúp cuộc sống bình thường quay trở lại”, ông Alain Cany nói.

Theo Chủ tịch EuroCham, các doanh nghiệp châu Âu sẵn sàng chi trả các chi phí để bảo vệ nhân viên của họ, qua đó đẩy nhanh tốc độ tiêm chủng và giảm gánh nặng tài chính và hành chính cho Nhà nước.

Để làm được điều này, EuroCham đang cố gắng dưới mọi hình thức để hỗ trợ Việt Nam mua đủ lượng vaccine.
“Chúng tôi tin rằng niềm tin trong doanh nghiệp sẽ phục hồi ngay khi Việt Nam triển khai chiến dịch tiêm chủng ở quy mô lớn", ông Alain Cany cho biết.

Trước đó, ông Nguyễn Xuân Thành – giảng viên trường Chính sách công và Quản lý Fulbright – đề xuất Chính phủ cần hình thành và duy trì hai luồng nhập vaccine từ Nhà nước và tư nhân để gia tăng tốc độ nhập khẩu vaccine phòng Covid-19. Theo đó, vaccine do Nhà nước nhập về sẽ tiêm cho những nhóm đối tượng ưu tiên, gồm lực lượng chống dịch, y tế, quân đội, công an, người có bệnh nền, người già, người yếu thế… Còn vaccine do doanh nghiệp nhập về dùng để tiêm cho nhân viên trong đơn vị đó.

Nhưng ông Thành cũng cho rằng cần có cơ chế để các doanh nghiệp không cạnh tranh với Chính phủ trong việc tiếp cận, mua, nhập khẩu vaccine.

"Nguồn vaccine từ Chính phủ vẫn giữ vai trò chủ đạo. Đến khi dịch bệnh được đẩy lùi, xã hội bước vào trạng thái bình thường thì Chính phủ sẽ trợ giá một phần để tiêm chủng mở rộng", ông Thành nói tại một tọa đàm do trường Fulbright tổ chức.

Ông Thành cũng kỳ vọng các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) hoặc doanh nghiệp nằm trong chuỗi cung ứng toàn cầu sẽ có những mối quan hệ đặc biệt để mua vaccine.

Tương tự, TS. Nguyễn Thu Anh – Giám đốc quốc gia của Viện Nghiên cứu y khoa Woolcock tại Việt Nam, giảng viên Lâm sàng cao cấp thuộc Đại học Sydney (Úc) – cho biết, Chính phủ cần ưu tiên tiêm chủng vaccine phòng Covid-19 miễn phí cho người dân để sớm đạt miễn dịch cộng đồng trong bối cảnh dịch bệnh đang hoành hành.

Với chiến dịch tiêm chủng lớn nhất lịch sử, bà Thu Anh cho rằng Chính phủ Việt Nam cần đảm bảo bốn tiêu chí, gồm an toàn, hiệu quả, đạt miễn dịch cộng đồng, duy trì miễn dịch.

Cụ thể, các địa phương cần mở thêm các điểm tiêm chủng di động để tạo thuận lợi cho người dân, bên cạnh các điểm tiêm chủng cố định. Ngoài ra, các cán bộ y tế tham gia quá trình tiêm chủng cần được tập huấn cách xử lý sự cố.

Cũng theo bà Thu Anh, vaccine không thể tạo miễn dịch mãi mãi, mà phải tiêm nhắc lại hàng năm. Vì vậy, Việt Nam nên lựa chọn các loại vaccine có hiệu quả với biến chủng virus phổ biến đang lưu hành trên thế giới.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới