Thứ Bảy, 27/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Gỡ vướng mắc đẩy nhanh tiến độ với thu phí tự động không dừng

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Gỡ vướng mắc đẩy nhanh tiến độ với thu phí tự động không dừng

Trần Văn Tường

(TBKTSG Online) – Dự án thu phí dịch vụ sử dụng đường bộ theo hình thức điện tử không dừng cần có “nhạc trưởng” đủ khả năng chỉ đạo, phân công nhiệm vụ và quyền hạn rõ ràng, kịp giải quyết trở ngại, hoàn tất theo lộ trình. Có như vậy dự án mới thuận lợi, hạn chế trì trệ.

Chốt thời gian thực hiện thu phí điện tử không dừng

Viettel nắm giữ tối thiểu 50% vốn ở doanh nghiệp thu phí tự động

Gỡ vướng mắc đẩy nhanh tiến độ với thu phí tự động không dừng
Thu phí không dừng giúp minh bạch, khách quan trong quản lý và giám sát phương tiện. Ảnh minh họa TTXVN

Thủ tướng Chinh phủ vừa ban hành Quyết định 19/2020/QĐ-TTg quy định về việc thu phí dịch vụ sử dụng đường bộ theo hình thức điện tử không dừng (ETC). Theo đó, các trạm đã lắp đặt hệ thống thu phí không dừng phải thực hiện ngay, còn các trạm chưa lắp đặt phải chuyển sang hình thu phí không dừng chậm nhất là ngày 31-12-2020.

Nhiều lần lùi tiến độ và chậm trễ

Tại kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XIV, nhiều đại biểu chất vấn Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) về vấn đề chậm triển khai lắp đặt thu phí tự động. Đại biểu Trương Minh Hoàng (Cà Mau) đã đưa câu hỏi, vì sao đến thời điểm này việc triển khai đạt chưa tới 30% tiến độ. Theo đại biểu, điều này do các cơ quan chức năng không cương quyết hay do có thỏa thuận nào khác?

Giai đoạn 1 của dự án đến nay đã cơ bản hoàn thành, đã lắp đặt vận hành 40/44 trạm. Còn 4 dự án của Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) vướng lại. Điều này do nhiều nguyên nhân khác nhau, như trong quá trình triển khai thực hiện, liên danh Tasco – VETC, đưa ra nhiều yêu cầu nhưng không được chấp thuận nên đã kiến nghị trả lại dự án, chuyển nhượng cho doanh nghiệp khác; rồi đến lình sình trong việc điều chuyển VEC về Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp, khiến chậm tiến độ…

Giai đoạn 2 gồm 33 trạm thu phí không dừng, dù tổ chức đấu thầu rộng rãi, liên danh nhà đầu tư, đứng đầu là Tập đoàn Công nghiệp – Viễn thông quân đội Viettel, được chọn thực hiện nhưng đến nay, sau hơn 1 năm kể từ ngày được phê duyệt trúng thầu và 11 tháng từ ngày ký kết hợp đồng với Tổng cục Đường bộ Việt Nam, liên danh nhà đầu tư vẫn chưa thành lập được doanh nghiệp dự án làm cơ sở thực hiện. Nếu cứ đà này, e rằng dự án khó có thể hoàn thành theo chỉ đạo của Thủ tướng.

Lợi ích lớn và giúp minh bạch thu phí

Tôi sử dụng ô tô mỗi khi qua trạm nhận thấy rất nhiều thuận lợi nếu áp dụng thu phí không dừng, việc gắn thẻ và nạp tiền trước vào tài khoản sẽ giúp xe nhanh chóng đi qua, không mất thời gian phải rà thắng dừng xe làm các thủ tục mua vé hoặc chờ thối tiền lẻ rồi mới tiếp tục lộ trình. Không ít lần thu phí thủ công khiến gây ra cảnh lộn xộn và ùn tắc giao thông tại trạm.

Nước ta tổng cộng cả trăm trạm thu phí BOT, nếu được áp dụng thu phí tự động không dừng, ước tính tiết kiệm hơn 3.000 tỉ đồng/năm. Theo tính toán, mỗi lần dừng xe nộp phí làm chậm hành trình 2-3 phút, tiêu tốn thêm nhiên liệu khi lưu thông trên cao tốc.

Thu phí không dừng tiết kiệm thời gian lưu thông cho hành khách và hàng hóa khoảng 2.800 tỉ đồng/năm, tiết kiệm nhiên liệu mỗi lần dừng đỗ và tăng tốc trở lại ở mỗi trạm thu phí khoảng 233 tỉ đồng/năm, giảm ùn tắc giao thông, giảm nhân sự trực tiếp thu phí…

Thu phí không dừng còn giúp minh bạch, khách quan trong quản lý và giám sát, đặc biệt là có thể trích xuất bất cứ lúc nào vì được lưu trữ tất cả số liệu, lượt xe, biển số, giá vé, file ảnh, video…

Thời gian qua có nhiều dự án BOT khiến dư luận bức xức bởi sự thiếu minh bạch, không công khai thu phí, chưa áp dụng thu phí không dừng… Kiểm toán Nhà nước đã chỉ ra hàng loạt dự án BOT báo doanh thu không đúng, yêu cầu cơ quan chức năng làm việc với nhà đầu tư điều chỉnh giảm thời gian thu phí tổng cộng tới 222 năm đối với 61 dự án BOT.

Điển hình là đường Pháp Vân – Cầu Giẽ, số thu bình quân 1,97 tỉ đồng/ngày trong khi nhà đầu tư báo cáo số thu chỉ là 582 triệu đồng/ngày (bằng 29% so với thực tế). Dự án quốc lộ 1 đoạn tránh thành phố Đồng Hới (Quảng Bình) có doanh thu năm 2015 lên tới 110,983 tỉ đồng nhưng trong phương án tài chính xác định là 90,424 tỉ đồng, như vậy thu vượt trên 20 tỉ đồng.

Dự án cầu Cổ Chiên (nối Trà Vinh – Bến Tre) đã bị kiến nghị giảm lợi nhuận nhà đầu tư hơn 433 tỉ đồng, giảm lãi vay hơn 1.000 tỉ đồng và giảm thời gian thu phí hơn 5 năm.

Kịp thời giải quyết các trở ngại

Thu phí không dừng thật ra là chuyện không mới mẻ gì, rất phổ biến trên thế giới. Tuy nhiên, ở nước ta, thực trạng thiếu minh bạch tại các trạm thu phí được đặt ra từ lâu và cơ quan chức năng nhiều lần đốc thúc các nhà đầu tư thu phí không dùng tiền mặt nhưng triển khai ì ạch.

Nếu tình trạng này vẫn kéo dài thì càng lãng phí, thiệt hại lớn cho xã hội, khuyến khích sử dụng tiền mặt trong khi cần sự minh bạch trong các dự án BOT và chính quyền hướng đến chính phủ điện tử với công nghệ 4.0.

Nhiều nguyên nhân khiến các trạm thu phí chưa áp dụng công nghệ tự động không dừng, trong đó hẳn có công tác quản lý. Thử nghĩ trên cả nước có hàng loạt nhà đầu tư, đơn vị được ủy quyền thu phí, nơi này nhìn nơi kia, nơi thì áp dụng công nghệ không dừng, nơi không áp dụng vẫn thu tiền mặt bình thường mà không có biện pháp xử lý thì làm sao công bằng?

Đã có chủ trương, chốt thời gian thu phí không dừng chậm nhất là ngày 31-12-2020, vậy hãy buộc nhà đầu tư khẩn trương thực hiện, nếu chậm trễ cần có những chế tài đúng mức. Nơi nào chậm áp dụng thì thẳng tay đình chỉ ngưng thu phí, xử phạt, công khai trên phương tiện thông tin đại chúng để ai cũng có thể theo dõi.

Nếu nhà đầu tư chần chừ triển khai thiết bị tự động, cơ quan nhà nước có thể sử dụng vốn ngân sách đầu tư vì lợi ích lâu dài, khi hết thời gian thu phí ở dự án này có thể dời hệ thống tự động thu phí sử dụng cho dự án khác. Chi phí đầu tư thu phí không dừng sẽ khấu trừ trong phương án thu hồi vốn cho nhà đầu tư hoặc lấy trực tiếp trên doanh thu tại trạm.

Cơ quan chức năng hãy xem xét trách nhiệm tổ chức, cá nhân liên quan chậm giải quyết trở ngại dẫn đến dự án thu phí không dừng giai đoạn 1 nhiều lần lùi tiến độ, trì trệ kéo dài gây lãng phí, ảnh hưởng xấu dư luận xã hội.

Những bất ổn thời gian qua cần được hết sức chú ý, rút kinh nghiệm. Tất cả phải làm đúng theo quy định nhưng cần minh bạch, rõ ràng, cụ thể trách nhiệm từng tổ chức và cá nhân tham gia dự án. Khâu nào trục trặc, liền có người phối hợp giải quyết trên tinh thần xây dựng vì lợi ích chung, hiệu quả, phát huy tối đa sáng kiến, năng lực cán bộ. Đừng để các tồn tại, mập mờ, hoài nghi làm chậm tiến độ dự án, giảm đi niềm tin của công chúng và lãnh đạo tâm quyết.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới