Thứ Bảy, 11/05/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Khắc phục tình trạng thừa thầy thiếu thợ

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Khắc phục tình trạng thừa thầy thiếu thợ

Lê Quang Vũ

Việc đào tạo công nhân chưa được quan tâm và thực hiện đúng mức tạo nên tình trạng thiếu hụt trầm trọng nguồn thợ giỏi.

(TBKTSG) – Tình trạng thừa thầy thiếu thợ ở nước ta, theo nhiều nhận định, là kết quả của tâm lý khoa cử mà đa số phụ huynh và học sinh đang theo đuổi. Đối với họ, chỉ có vào đại học hoặc ít nhất là cao đẳng thì cuộc đời mới “danh giá” và có ý nghĩa.

Tuy nhiên, thực trạng này còn có một phần trách nhiệm của ngành giáo dục, một ngành cũng đang kêu ca về cảnh ảm đạm của các trường nghề do chính mình quản lý.

Có thể thấy hiện nay công tác hướng nghiệp trong các trường phổ thông còn nhiều bất cập, không theo kịp nhu cầu thực tế và còn nặng việc hướng học sinh học làm “thầy” nhiều hơn học để trở thành thợ giỏi.

Bệnh thành tích cũng góp phần làm trầm trọng thêm tâm lý khoa cử. Hiện nay, ngoài việc buông lỏng công tác tư vấn, hướng dẫn học sinh vào các trường nghề, các cơ sở giáo dục sau một kỳ thi tuyển sinh đại học, cao đẳng có nhiệm vụ phải báo cáo về sở số lượng học sinh thi đỗ vào đại học, cao đẳng của trường mình và coi đó như là một thành tích.

Với “thành tích” đó, lãnh đạo trường lại hân hoan “báo cáo” với khóa đào tạo kế tiếp chứ ít khi nhắc đến kết quả thi hoặc xét tuyển vào trường nghề. Và như vậy, vô hình trung chính nhà trường đã khiến các em nảy sinh tâm lý chỉ có đại học là con đường duy nhất để vào đời.

Đó là chưa kể trong con mắt của một số người làm công tác giáo dục, giải pháp mà con em hoặc học sinh của mình vào trường nghề hiện nay chỉ là giải pháp chẳng đặng đừng. Thậm chí có người còn xem trường nghề là nơi để giảm bớt gánh nặng cho các cơ sở giáo dục phổ thông và đây cũng là nơi tập trung các học sinh cá biệt, yếu kém, không còn khả năng học lên tiếp.

Từ một số bất cập nêu trên, xin có mấy đề nghị sau: Thứ nhất, ngành giáo dục nên phân luồng học sinh ngay từ đầu cấp trung học cơ sở bằng chương trình học phù hợp để chuẩn bị tâm lý cho các em bước vào trường nghề chứ không phải mang mặc cảm là học sinh cá biệt, yếu kém nên bị đẩy đi học nghề. Từ đó, sẽ giúp cho các trường nghề hoạt động có thực chất hơn.

Thứ hai, ngành giáo dục không nên quá cổ xúy những thành tích về số lượng học sinh đậu đại học, cao đẳng mà bỏ quên một bộ phận học sinh cũng cần vào các trường nghề. Thử nghĩ, nếu tất cả học sinh đều tốt nghiệp đại học rồi làm “thầy” thì lấy đâu ra các công nhân kỹ thuật lành nghề để phát triển các lĩnh vực công nghiệp!

Thứ ba, để xóa bỏ tâm lý khoa cử, các trường nghề không nên kèm theo bậc đào tạo và phải có bậc lương xứng đáng sau khi ra trường.

Chừng nào ngành giáo dục làm được những việc trên mới mong giảm bớt tình trạng thừa thầy thiếu thợ ở nước ta.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới