Thứ Bảy, 27/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Khi nghệ sĩ chạy đua danh hiệu

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Khi nghệ sĩ chạy đua danh hiệu

Thảo Yên

(TBKTSG) – Chuyện xét giải thưởng nhà nước, phong tặng danh hiệu nghệ sĩ nhân dân (NSND), nghệ sĩ ưu tú (NSƯT) năm nào cũng có chuyện cho báo chí khai thác, phơi bày những thông tin chẳng mấy hay ho. Quanh quẩn cũng chỉ là vấn đề ai được tôn vinh, ai bị bỏ sót, chuyện các nghệ sĩ “lườm nguýt” nhau trong cuộc đua danh hiệu…

Điều đáng nói là, trong bối cảnh sinh khí nghệ thuật chính thống đang ngày càng hẩm hiu, đơn điệu thì sự cạnh tranh trong cuộc đua đến bục vinh quang này ngày càng khốc liệt, ồn ào, số hồ sơ đề nghị xét giải và danh hiệu nhà nước năm sau luôn cao hơn năm trước.

Phải chăng, một khi năng lượng sáng tạo vì lý do gì đó không được giải thoát một cách tự do, nó sẽ chuyển hóa sang những chiều hướng phấn đấu khác?

Năm nay, theo thông tin từ Bộ Văn hóa-Thể thao và Du Lịch, có đến 890 hồ sơ đề nghị xét tặng giải thưởng nhà nước, giải thưởng Hồ Chí Minh, danh hiệu NSƯT, NSND. Một con số cho thấy các nghệ sĩ trong cuộc còn đặt niềm tin khá lớn vào giá trị của các hình thức “tôn vinh” này. Có người đã mất 30 năm kiên trì làm hồ sơ đề nghị danh hiệu NSƯT, NSND nhưng chưa được gọi tên, có người trong cuộc tranh cãi kịch liệt với những đồng sự trong cuộc đua danh hiệu, đã không ngần ngại bày tỏ tham vọng sẽ tiếp tục “phấn đấu” cho tới khi nào được gọi tên thì mới chịu yên…

Nghệ sĩ Thành Lộc (người từng được xét tặng NSƯT) đã thẳng thắn phát biểu trên báo rằng: “Việc xét tặng này đã không còn mang nhiều ý nghĩa với người làm nghề”. Vậy thì, có điều gì thú vị ở bục vinh danh kia khiến các nghệ sĩ lao vào như thiêu thân?

Trở lại lịch sử vấn đề. Hình thức nhà nước phong tặng danh hiệu, xét tặng giải thưởng cao quý cho nghệ sĩ là sản phẩm của Liên Xô, Đông Âu thời xã hội chủ nghĩa (hiện nay chỉ còn Nga, Việt Nam và Thổ Nhĩ Kỳ là còn giữ hình thức phong tặng này). Việc phong tặng danh hiệu này là một hình thức nhà nước ghi nhận công lao đối với các nghệ sĩ trong dòng chảy chính thống, có những đóng góp quan trọng trong đường hướng phát triển nghệ thuật phục vụ đời sống văn hóa tư tưởng cho quần chúng nhân dân, nằm trong sự kiểm soát của nhà nước. Mặt được của những giải thưởng này là ghi nhận vai trò xã hội của nghệ sĩ, nhưng mặt trái của nó là, thông qua ghi nhận, phong tặng, đã đồng hóa giá trị nghệ thuật với các hình thức phong tặng, xem sự nghiệp sáng tạo như một phương tiện để đạt đến danh hiệu, giải thưởng chứ không phải là mục đích tối hậu: vì nghệ thuật.

Việc các nghệ sĩ Việt Nam hôm nay đổ xô đi nộp đơn xin phong tặng NSND, NSƯT và tự đề cử giải thưởng nhà nước cho thấy tinh thần làm nghệ thuật để được vinh thân đang còn sức sống dai dẳng. Sức quyến rũ từ bục vinh quang kia mạnh mẽ đến nỗi, nhiều nghệ sĩ lẽ ra phải chọn đích đến trong sự nghiệp là sản phẩm sáng tạo, lại đeo đuổi những bảng chứng nhận, những danh xưng được nhà chức trách ban phát.

Cơ chế, quan niệm hành chính hóa nghệ thuật của nhà quản lý cộng với di căn của bệnh thành tích đi sâu vào não trạng những người làm nghệ thuật đã và sẽ còn tiếp tục kìm hãm sự phát triển của sáng tạo, của những giá trị độc lập và đột phá.

Theo Thông tư 06, tiêu chuẩn đối với NSND, NSƯT là phải có ít nhất 2 giải vàng quốc gia hoặc quốc tế. Giải vàng quốc gia là giải Bông sen vàng (của các kỳ liên hoan phim quốc gia) hoặc giải Huy chương vàng (của các kỳ hội diễn nghệ thuật chuyên nghiệp toàn quốc).

Cũng theo quy định, người được phong tặng danh hiệu NSND, NSƯT được nhận huy hiệu, bằng chứng nhận do Chủ tịch nước tặng, kèm theo tiền thưởng đối với danh hiệu NSND là 12,5 lần mức lương tối thiểu chung, đối với danh hiệu NSƯT là 9,0 lần mức lương tối thiểu chung và các quyền lợi khác theo quy định của pháp luật. Ngày 9-6 vừa qua, Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch có cuộc họp bàn về việc phong tặng Danh hiệu vinh dự Nhà nước năm 2011. Có 890 hồ sơ được đề nghị xét tặng giải thưởng gồm: giải thưởng Hồ Chí Minh (18 hồ sơ), giải thưởng Nhà nước (268), danh hiệu NSND (138), danh hiệu NSƯT (466). Số hồ sơ này sắp sửa được Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch trình Hội đồng Nhà nước và Chủ tịch nước xem xét phong tặng vào dịp 2-9 tới đây.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới