Thứ ba, 26/11/2024
27 C
Ho Chi Minh City

Kỳ vọng vào những tín hiệu lạc quan cho năm mới

Vân Ly

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) – Phân tích từ các định chế tài chính toàn cầu cho thấy dù đang có đà phát triển kinh tế, nhưng Việt Nam có nguy cơ phải đối mặt với một số thách thức trong việc duy trì tăng trưởng. Hầu hết những thách thức này đến bên ngoài. Một trong những rủi ro lớn nhất mà Việt Nam có thể gặp phải là lạm phát, chủ yếu do các hoạt động kinh tế đang bùng nổ trong nước. Bên cạnh đó, các thách thức khác với nền kinh tế Việt Nam là tỉ giá hối đoái, lãi suất và tình trạng thiếu lao động.

Buổi trò chuyện đầu xuân giữa KTSG Online và chuyên gia kinh tế Trần Đình Thiên, nguyên viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, không chỉ xoay quanh những thử thách của nền kinh tế trong năm 2023 mà tập trung vào những tín hiệu tích cực, những cơ hội để chuyển đổi.

Ông Trần Đình Thiên, nguyên viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam. Ảnh: NVCC

KTSG Online: Nhiều lãnh đạo doanh nghiệp nhận định năm 2023 sẽ rất khó khăn với họ, thậm chí còn khó khăn hơn thời Covid-19. Ở góc nhìn của một chuyên gia kinh tế, ông có những chia sẻ gì với góc nhìn của doanh nghiệp?

TS Trần Đình Thiên: Để nêu dự báo cho năm ngoái cần nhìn lại năm cũ. Năm 2022 nhìn chung nền kinh tế Việt Nam tốt nếu nhìn vào GDP, nhưng trong cái chung này lại có điểm nghịch lý là khu vực doanh nghiệp nội địa gặp nhiều khó khăn.

Từ cuối năm 2022, không chỉ khu vực doanh nghiệp nội địa mà cả khu vực doanh nghiệp nước ngoài cũng gặp khó khăn vì tình trạng đơn hàng giảm sút trên toàn cầu.

Bước sang năm mới, nhiều chỉ báo cho thấy nền kinh tế sẽ gặp nhiều khó khăn do chịu tác động của tình hình thế giới và trong nước. Thế giới vẫn bất ổn, lạm phát cao, tốc độ tăng trưởng được dự báo giảm đáng kể so với 2022. Những yếu tố này sẽ tác động tiêu cực đến Việt Nam - một nền kinh tế có độ mở cao.

Tại khu vực nội địa, cơ hội trong 2022 khá lớn nhưng có vẻ như chúng ta không tận dụng được. Việc áp lực và khô hạn về vốn làm cho khu vực nội địa bị kiệt sức. Cái khó này tiếp tục duy trì đến năm nay, áp lực thanh khoản, đến kỳ hạn của trái phiếu doanh nghiệp lớn kinh khủng, lớn hơn 2022 nhiều. Trong khi đó với doanh nghiệp Việt Nam thì thị trường nội địa quan trọng bởi tham gia xuất khẩu ít, xuất khẩu chủ yếu từ các doanh nghiệp FDI.

Thực tế, sự phục hồi, sức mua của thị trường nội địa chưa trờ thành một động lực đủ mạnh và mới mẻ cho phục hồi tăng trưởng và tận dụng thời cơ. Chúng ta chậm giải ngân cho các chương trình phục hồi và phát triển. Đã hết một nửa thời gian mà mới giải ngân được khoảng hơn 20% trong tổng thể chương trình 2 năm. Thị trường nội địa đang yếu sẵn rồi lại còn phục hồi chậm. Trong khi đây là thị trường quan trọng với các doanh nghiệp Việt Nam. Việc phục hồi quá chậm làm mất thời cơ, và yếu tố này chưa được các cơ quan quản lý chú ý nhiều.

Gần đây, việc giải ngân vốn đầu tư công đã tiến triển, nhưng hiệu ứng tăng trưởng bao giờ cũng lan tỏa đến nền kinh tế muộn. Nên kỳ vọng sẽ có yếu tố tích cực trong thời gian tới, nhưng vẫn chưa đạt mức mong muốn của Chính phủ là tạo cơ hội cho doanh nghiệp Việt Nam trỗi dậy.

Thêm nữa, chính sách cơ chế triển khai quá chậm bởi tắc nghẽn trong triển khai. Chúng ta đặt ra mục tiêu sau đại dịch là chớp thời cơ chứ không chỉ phục hồi kinh tế nên đưa ra khoản tiền lớn, chương trình đầu tư công mạnh nhưng triển khai chậm quá, mất rất nhiều công sức, chi phí. Chính sách cơ chế của chúng ta là căn bệnh kinh niên không giải quyết được. Đáng lẽ lúc này là cơ hội để giải quyết thì dường như chúng ta tự mình làm chậm lại.

Ngoài ra, hiện trở ngại về lòng tin của khu vực doanh nghiệp không thể khôi phục. Mà một trong những lý do là cách ứng xử về thị trường chưa hoàn toàn phù hợp. Nếu chỉ xét về góc độ chống tham nhũng hoặc những câu chuyện ăn tiền của xã hội thì được... nhưng một mặt nó cũng gây ra những hiệu ứng rất tiêu cực đối với thị trường – đây là bài học rất lớn.

Trong nền kinh tế thị trường phải quan tâm đến động lực thị trường, nếu để tổn thương thì thiệt hại về dài hạn, về chiến lược rất lớn. Khi luồng vốn ách tắc, nhiều doanh nghiệp không tiếp cận được vốn, bộ máy chính quyền hoạt động chậm, trì trệ lại sẽ gây hiệu ứng nền kinh tế sẽ bi sốc thì sụt xuống – đây là điều đáng quan ngại. Cần phục hồi lòng tin về kinh tế thị trường, và đây cũng là điều cần chú ý trong năm 2023 này.

Tuy nhiên, năm 2023 không chỉ có khó khăn mà sẽ có nhiều tín hiệu tốt, nếu biết làm có những yếu tố giúp chúng ta vẫn trụ hạng tốt hoặc khôi phục mạnh. Bởi về tình hình thế giới, khả năng phục hồi của Trung Quốc khá rõ ràng khi đất nước này xóa bỏ cách chống dịch như trước vẫn áp dụng. Khi nền kinh tế Trung Quốc được khơi thông sẽ tạo điều kiện cho kinh tế thế giới.

Mặc dù xu hướng chung là giảm, nhưng có thể nửa cuối năm 2023 động thái kinh tế thế giới được nhận định là sẽ tích cực lên. Do đó Việt Nam có thể tận dụng được cơ hội này nhưng cần phải có sự chuẩn bị hàng hóa tốt, đạt tiêu chuẩn để tiếp cận vào thị trường của họ đòi hỏi chất lượng và công nghệ ngày càng cao.

Trong xu hướng dịch chuyển đầu tư nước ngoài thì Việt Nam vẫn là môi trường tốt, hấp dẫn đầu tư nước ngoài. Do đó Chính phủ nên cố gắng giữ kinh tế vĩ mô ổn định, nhịp tăng trưởng không bị suy giảm thì khả năng ta vẫn thu hút đầu tư tốt.

Ngoài những yếu tố tác động mạnh từ nước ngoài, trong nước yếu tố tác động mạnh là du lịch phục hồi. Du lịch trong nước đã khá ổn và vẫn được phục hồi. Nhưng trục chính của phục hồi du lịch là mảng quốc tế, trong năm vừa qua chúng ta làm chưa tốt có thể năm nay sẽ tốt hơn. Khi phục hồi du lịch sẽ kéo theo hàng không, lan tỏa nhiều ngành khác, bất động sản cũng phục hồi theo...

Giải ngân vốn đầu tư công đang rất tích cực, tốt lên. Từ đầu năm đến nay Chính phủ bơm vốn rất mạnh cho các tuyến đường cao tốc – đây là tín hiệu rất tích cực cho nền kinh tế, tạo hiệu ứng mạnh đối với thị trường trong nước, các doanh nghiệp và khu vực tư nhân.

Một điều quan trọng không chỉ trong ngắn hạn mà cả dài hạn là xu thế cải cách cấu trúc hệ thống tài chính quốc gia. Các thị trường như trái phiếu doanh nghiệp, chứng khoán, tín dụng sẽ được cấu trúc lại tốt hơn. Đây là nhân tố cơ bản làm cho nền kinh tế trong 2023 có động lực ngắn hạn tích cực.

Năm nay nhìn chung là khoảng thời gian khó khăn. Nhưng có những yếu tố mà có thể giúp xoay chuyển tình hình hay đột biến cũng không phải nhỏ. Nếu chúng ta làm tốt như cách chống dịch, linh hoạt xoay chuyển thì có thể kỳ vọng kinh tế Việt Nam trong năm nay tuy suy giảm so với 2022 nhưng có động lực tốt hơn và đà cải cách mạnh hơn.

Theo ông, tại sao việc giải ngân các chương trình phục hồi kinh tế hậu Covid-19 vẫn chậm? Phải chăng có sự cản trở từ hệ thống quy định hiện hành?

Các quy định hiện hành, cơ chế thủ tục phiền hà, rối rắm, cái này ta cải cách mãi chưa được. Vì chúng ta không cải cách mà chỉ cải tiến, chỉnh sửa, nâng cấp... một hệ thống có vấn đề mà chúng ta cứ tháo gỡ từng tí một, cải tiến nhưng lại tích thêm thể chế vào. Nên giải quyết được chỗ này nó lại xung đột chỗ khác, càng ngày hệ thống càng phức tạp. Ta cũng quyết tâm lắm nhưng cách làm không cơ bản, không hướng tới cải cách mà hướng tới chỉnh sửa cải tiến, không phải thay đổi cơ chế cũ...

Việc giải ngân đầu tư công, giờ là lúc có thể tháo bỏ được nhiều khâu và nhiều nút nhưng cũng không làm được. Trong lúc nền kinh tế đang gặp khó khăn, Chính phủ đặt mục tiêu nhân đây dẹp bỏ những cơ chế chính sách không cần thiết. Nhưng để thực hiện mục tiêu này không dễ và cách tiếp cận cải cách phải chủ đạo. Đúng là lúc chưa cải cách được thì phải chỉnh sửa để giúp nền kinh tế vượt qua khó khăn. Nhưng cần lấy tinh thần cải cách là chính và ưu tiên chứ không phải chỉnh sửa hay cải tiến, cơ chế đặc thù để tháo gỡ khó khăn cục bộ...

Thêm nữa, cách đặt vấn đề về các tiêu chuẩn hiện phức tạp quá. Khi nền kinh tế gặp khó khăn thì tiêu chuẩn trợ cấp cho người khó khăn cũng được đặt ra. Trong khi đáng lẽ không nên xét nét chi li quá bởi như vậy sẽ không triển khai được. Ta phải giả định tiêu chuẩn phải có sai số nào đấy. Ví dụ hỗ trợ tết cho người nghèo với tiêu chuẩn hỗ trợ rất khắt khe, lằng nhằng xét duyệt lâu... cuối cùng người nghèo không được mấy – mất động lực giúp người nghèo.

Cách tiếp cận về cơ chế chính sách của chúng ta nhiều khi khắt khe, chặt chẽ quá mức cần thiết nên chính chúng ta làm chậm hiệu quả.

Trong xét duyệt vốn vay cũng ngặt nghèo quá. Doanh nghiệp có dự án, có đủ điều kiện cũng không thể tiếp cận vốn vì thời hạn trả nợ bị quá vài tháng nên không đủ tiêu chuẩn vay. Khi các dự án bị chững lại thì nền kinh tế mất động lực, như năm 2022.

Trong lúc tình thế khó khăn, bất thường thì cách tiếp cận phải khác thường. Nhưng ta lại vẫn tiếp cận theo kiểu cũ nên chậm. Đây là bài học nên rút kinh nghiệm. Cần thay đổi cách tiếp cận về cơ chế chính sách hướng đến thị trường nhiều hơn trên cơ sở, nền tảng nguyên tắc thị trường nhiều hơn. Khi tiêu chuẩn nhiều quá thành xin - cho thành trói buộc...

Gần đây có ý kiến cho rằng tình trạng hình sự hóa các vụ việc gần đây đã tác động mạnh mẽ đến nền kinh tế, quan điểm của ông về việc này thế nào?

Những vụ việc sai phạm vẫn phải xử lý. Nhưng cách thức xử lý như thế nào để không tác động đến nền kinh tế là hai câu chuyện khác nhau. Nền kinh tế thị trường của chúng ta mong manh, nhạy cảm và lâu nay có nhiều vụ việc vi phạm, nhiều cách hành xử trái luật nhiều. Khi hình sự hóa thì rúng động cả hệ thống và lập tức nền kinh tế khựng lại, điều này rất nguy hiểm.

Do đó, góc nhìn của tôi là vấn đề nằm ở cách thức. Không thể tuyên bố không trừng trị, kỷ luật những người làm sai... nhưng cần có cách thức để họ phải chịu trách nhiệm và bảo đảm tính sòng phẳng, công bằng và minh bạch của pháp luật, không gây ra hiệu ứng và chấn động cho nền kinh tế, không tạo ra nguy cơ tắc nghẽn và sụp đổ.

Có hai cách tiếp cận nhìn từ thị trường như sau: cá nhân là việc của cá nhân, doanh nghiệp chúng ta phải coi là tài sản của xã hội. Có thể xử lý các cá nhân nhưng cần có điều kiện để đảm bảo doanh nghiệp được bảo vệ. Nếu không được tiếp cận vốn, thì không ai dám làm gì nữa - giống như một con người bị xa lánh hoàn toàn và tự sụp đổ - như thế gây ra hậu quả xã hội quá lớn...

Có tình trạng hình sự hóa, rồi công kích trên các mạng xã hội... khiến nhiều người sợ bị liên lụy, sợ vi phạm mà không dám hành động thì hệ quả là một số hoạt động kinh tế bị chựng lại, điều này khá nguy hiểm và cần có sự lưu ý, điều chỉnh cho phù hợp. Kinh tế thị trường đòi hỏi sự vận hành liên tục, thường xuyên trên toàn bộ hệ thống để tạo hiệu ứng lan tỏa.

Ông có những khuyến nghị gì về chính sách trong mục tiêu chung về ổn định kinh tế vĩ mô, hỗ trợ các doanh nghiệp tồn tại và phát triển?

Cách tiếp cận về ổn định kinh tế vĩ mô cần có sự điều chỉnh chính sách và các chỉ số thích hợp. Lâu nay chúng ta chỉ quan tâm đến chỉ số giá tiêu dùng (CPI) để từ đó xác định hành động ổn định vĩ mô. Thực ra, các chỉ số về sức khỏe doanh nghiệp, nợ xấu rất có ý nghĩa. Năm 2022, nếu xem xét theo CPI thì nền kinh tế vẫn ổn định nhưng khan hiếm vốn làm cho nền kinh tế trở nên bất ổn, tác động đến khu vực nội địa.

Ổn định kinh tế vĩ mô phải bao hàm hai yếu tố là chỉ số CPI nằm trong phạm vi kiểm soát, không gây tác động tiêu cực cho tăng trưởng và doanh nghiệp phải hoạt động bình thường, các dòng tiền và dòng vốn phải thông suốt. Khi bóp nghẹt dòng tiền thì khu vực doanh nghiệp sẽ gay go như năm vừa qua, và đây là một bài học trong quản lý điều hành.

Chính phủ cần cải cách, cấu trúc lại thị trường tài chính. Thị trường trái phiếu doanh nghiệp, chứng khoán phải có tính an toàn hơn, không gây nhiều rủi ro. Cả hai thị trường này phải phối hợp để chia sẻ gánh nặng cho tín dụng ngân hàng. Bởi ngân hàng cứ lấy vay ngắn hạn đổ sang dài hạn thì rất nguy hiểm. Cần phải tập trung điều chỉnh thị trường hài hòa, không bị lệch, méo mó. Cùng với đó là giải ngân đầu tư công phải tiến triển, nếu không một nguồn lực lớn của xã hội bị tắc nghẽn ở kho bạc. Việc này năm vừa rồi đã làm tốt nhưng cần phải làm tốt hơn nữa.

Thêm nữa, cần triển khai các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp tích cực hơn. Cần kéo dài thời gian đáo hạn cho trái phiếu doanh nghiệp, nếu không sẽ gây áp lực căng thẳng và nhiều công ty sụp đổ - gây hậu quả nặng cho nền kinh tế.

Trong xu hướng lãi suất cao, ngân sách đang tốt cũng nên có thêm một chương trình hỗ trợ lãi suất tín dụng bên cạnh gói hỗ trợ lãi suất 2% của năm ngoái. Song vấn đề là cơ chế như thế nào, xét duyệt cũng phải đỡ khó hơn, chấp nhận 1 phần rủi ro nào đó. Xét duyệt kỹ quá có khi doanh nghiệp chết gần hết mà vẫn chưa bơm được tín dụng lãi suất thấp ra được.

Cần phải có quỹ bảo lãnh cho vay. Sau 2-3 năm qua nhiều doanh nghiệp đã kiệt quệ, cần được giúp đỡ. Khi doanh nghiệp không đủ điều kiện vay thì cần quỹ này. Cách tiếp cận bảo lãnh vay cũng phải thông thoáng hơn, chấp nhận rủi ro hơn vì nếu chặt chẽ quá thì không doanh nghiệp nào vay được.

Cần chủ động mở cửa du lịch, tạo điều kiện minh bạch và thông thoáng về thị thực (visa) cho nhiều thị trường. Hướng tới thị trường du lịch đẳng cấp, đây cũng là cơ hội để thay đổi cấu trúc thị trường du lịch. Điều này tổng cục du lịch đã nói nhiều nhưng cần phải có hành động thiết thực hơn.

Ngoài ra, cần thúc đẩy chuyển đổi số và hỗ trợ khởi nghiệp. Cơ cấu doanh nghiệp cũ của ta là doanh nghiệp chất lượng thấp, doanh nghiệp thủ công  hay công nghệ thấp. Thay đổi cơ cấu hướng tới doanh nghiệp công nghệ cao, doanh nghiệp số... làm sao để doanh nghiệp khởi nghiệp Việt không phải ra nước ngoài thành lập để được hưởng ưu đãi và không vướng chính sách lằng nhằng. Thủ tục thành lập doanh nghiệp phải đơn giản hơn, không nên đánh thuế kiểu tận thu với doanh nghiệp khởi nghiệp...

Hiện chúng ta thu hút FDI chất lượng chưa cao nhưng doanh nghiệp khởi nghiệp (doanh nghiệp chất lượng cao) lại chạy ra nước ngoài để thành lập. Đây là bất cập cần thay đổi để không gây tổn hại cho nền kinh tế.

Cởi trói, trao nhiều quyền hơn nữa cho các địa phương thay vì cơ chế cho phép vài địa phương đặc thù. Trong đó có một số địa phương có tính chất phát triển vượt trước, những trung tâm năng lượng lớn thì phải có cơ chế vượt trước. Khi để họ chủ động, chịu trách nhiệm nhiều thì sẽ sáng tạo nhiều hơn. Khi địa phương bị trói buộc thì họ cũng làm như vậy với doanh nghiệp...

Việt Nam có nhiều doanh nghiệp nhỏ nên chỉ loanh quanh ở trong nước. Chính phủ cần hỗ trợ phát triển chuỗi sản xuất, hỗ trợ phát triển các tập đoàn kinh tế mạnh hơn nữa. Bởi doanh nghiệp lớn mới tạo được nội lực mạnh để tạo thành trụ đỡ cho các chuỗi sản xuất, cho các doanh nghiệp nhỏ bám vào đó rồi lớn dần lên. Hàn Quốc họ hỗ trợ có điều kiện, đi kèm với chế tài. Chính phủ  cam kết giúp, nhưng doanh nghiệp cũng phải cam kết làm được cái gì, nếu không thì sao.

Cách tiếp cận chuỗi sản xuất phải thay đổi, doanh nghiệp phải thay đổi trong cách thức phát triển thì chúng ta mới có những doanh nghiệp mạnh. Nếu không tăng trưởng ngày càng dựa vào khối nước ngoài sẽ làm cho khu vực nội địa yếu đi...

Ở tầm cao hơn thì các quy định cho nền kinh tế công nghệ cao phải khác biệt so với nền kinh tế cũ. Việt Nam đi sau các nước trong lĩnh vực này nên có lợi thế không vướng bận quá khứ, nếu tạo được một không gian mới sẽ giúp phát triển mạnh.

Nếu chúng ta làm được như trên thì có thể kinh tế trong năm nay chưa vượt lên, nhưng tạo đà cho năm kế tiếp. Tôi vẫn hy vọng nền kinh tế có chuyển biến tích cực với tinh thần mà các nghị quyết của Đảng cũng như của các chương trình Chính phủ nêu ra.

Xin cảm ơn ông!

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới