Thứ Sáu, 26/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Lãi suất huy động tăng, đón nhu cầu cuối năm

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Lãi suất huy động tăng, đón nhu cầu cuối năm

Thanh Thương

Lãi suất huy động tăng, đón nhu cầu cuối năm
Các ngân hàng chuẩn bị nguồn tiền cho cuối năm nên chấp nhận tăng lãi suất huy động. Ảnh: Uyên Viễn

(TBKTSG Online) – Lãi suất huy động ngắn hạn và trung hạn đang có xu hướng tăng từ đầu tháng 11. Theo các ngân hàng thì việc tăng lãi suất là để tăng huy động vốn, chuẩn bị cho nhu cầu vốn cuối năm.

>>  Điều chỉnh tỷ giá, giảm trần lãi suất huy động

Lãi suất của các ngân hàng đã giảm mạnh từ sau khi Ngân hàng Nhà nước hạ lãi suất huy động kỳ hạn 6 tháng trở xuống còn 7%/năm từ ngày 28-6. Từ đó đến nay, với các kỳ hạn dưới 6 tháng, mức lãi suất phổ biến xoay quanh 6%, còn từ 6 đến 12 tháng, lãi suất cũng xoay quanh mức 7%, cho dù từ thời điểm đó, mức lãi suất của các kỳ hạn 6 tháng trở xuống không còn bị áp trần.

Lãi suất mới nhúc nhích tăng khoảng 1 tuần trở lại đây. Ở đa phần các ngân hàng, lãi suất được niêm yết khoảng 6,5 – 7%/năm cho kỳ hạn 6 tháng trở xuống, còn từ 7 tháng đến một năm, lãi suất khoảng 7- 7,5%/năm. Như vậy, lãi suất huy động ở các ngân hàng tăng từ 0,5- 1 điểm phần trăm so với trước. Lãi suất kỳ hạn dài cũng tăng nhẹ, phổ biến từ 8- 9%/năm.

Theo ông Lê Thành Trung, Phó tổng giám đốc HD Bank, việc lãi suất huy động tăng nhẹ trong thời điểm này cũng phù hợp. Vì đây là mùa kinh doanh cuối năm, và cũng là mùa mà doanh nghiệp phải trả lương, thưởng cho người lao động nên ngân hàng phải chuẩn bị nguồn tiền.

Còn ông Phan Huy Khang, Tổng giám đốc Sacombank thì cho rằng còn thêm một yếu tố khiến lãi suất huy động tăng nữa, đó là nhiều khoản nợ được cơ cấu lại thời gian trả nợ, khiến cho nợ ngắn hạn thành trung dài hạn. Điều này cũng ảnh hưởng đến dòng luân chuyển tiền của ngân hàng.

Hiện tượng huy động vượt trần lãi suất vẫn có nhưng không nhiều, theo phó tổng giám đốc một ngân hàng tại TPHCM. Ông này cho rằng với các khoản gửi trên 1 tỉ đồng, một số ngân hàng nhỏ vẫn chào lãi suất cao hơn khoảng 1 -2 điểm phần trăm so với ngân hàng lớn, tức khoảng 8%- 9%/năm cho kỳ hạn từ 2- 6 tháng.

Theo một lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước, lãi suất huy động tăng vì nhiều nguyên nhân. Trong đó, nguyên nhân lớn nhất vẫn là sự luân chuyển dòng tiền của ngân hàng nhỏ đã chậm hơn trước, do nợ xấu tăng, và bơm tiền của Ngân hàng Nhà nước qua thị trường mở hạn chế. Vì vậy, trong điều kiện gần hết năm, đa phần các ngân nhàng chọn giải pháp huy động từ dân cư và tổ chức kinh tế để chuẩn bị cho nguồn tiền để chi trả cho người gửi. Đồng thời các ngân hàng cũng cần thêm vốn để cho vay, vì đa phần các ngân hàng vẫn kỳ vọng tín dụng sẽ tăng hơn khi càng về cuối năm.

Thêm vào đó, sự mất cân đối trong huy động và cho vay, tức huy động ngắn hạn, nhưng cho vay trung, dài hạn cũng khiến cho các ngân hàng dễ rơi vào tình trạng thiếu tiền ngắn hạn để trả cho người gửi, khiến họ tăng lãi suất huy động trong thời điểm này. Tuy vậy, đây là vấn đề không lớn, do không nhiều ngân hàng cho vay được với kỳ hạn dài

Trong khi đó, ngoài yếu tố giữ chân khách khiến ngân hàng lớn phải tăng lãi suất theo ngân hàng nhỏ, thì hiện tại vấn đề của ngân hàng lớn là đã mua khá nhiều trái phiếu chính phủ trong thời gian qua, khiến một lượng tiền không nhỏ, khoảng 170.000 tỉ đồng của các ngân hàng đang nằm trong trái phiếu. Để  đảm bảo đầy đủ nguồn tiền trang trải vào dịp cuối năm, các ngân hàng lớn cũng tăng lãi suất huy động.

Theo vị lãnh đạo trên, lượng vốn tiền gửi của cả hệ thống tính đến thời điểm này khoảng 150.000 đến 200.000 tỉ đồng, trong khi tín dụng cần tăng khoảng 10% trong năm nay nhưng mới chỉ tăng khoảng gần 7%, như vậy phải bơm ra nền kinh tế thêm 100.000 tỉ đồng nữa. Con số tiền gửi nói trên lại không phải quá nhiều nên việc các ngân hàng tăng nhẹ lãi suất cũng hợp lý.

Tuy vậy, nhìn nhận chung về tình hình thanh khoản của ngân hàng, vị lãnh đạo trên cho rằng dù không phải quá dồi dào nhưng hiện tại không còn các vấn đề đáng lo ngại, vốn huy động vẫn dư thừa do tín dụng tăng chậm hơn huy động. Và một bằng chứng cụ thể là từ đầu năm đến nay, giao dịch liên ngân hàng giảm, chứng tỏ các ngân hàng đang dùng vốn thật để kinh doanh, không phải phụ thuộc vào vốn ảo như thời gian trước, và cũng chỉ khi có đủ nguồn tiền, các ngân hàng mới làm được như vậy.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới