Thứ Sáu, 26/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Lạm phát gia tăng áp lực lên các hộ gia đình và doanh nghiệp châu Á

Ricky Hồ

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) – Giá cả hàng hóa và nguyên nhiên liệu ở châu Á đã gia tăng trước khi cuộc chiến Ukraine bùng nổ. Nhưng giờ đây, các doanh nghiệp và hộ gia đình ở châu Á đang gặp nhiều áp lực hơn nữa. Đồng nội tệ mất giá, các ngân hàng trung ương tăng lãi suất sẽ khiến đời sống người dân châu Á ngày càng chật vật hơn.

Giá cả ở nhiều nước châu Á đã tăng mạnh ngay cả trước khi chiến tranh bùng nổ. Nhưng các hộ gia đình và doanh nghiệp sẽ gặp nhiều áp lực hơn khi các yếu tố trì kéo đà hồi phục và tăng trưởng kinh tế cùng lúc. Đồ họa: Nikkei Asia

Lạm phát là rủi ro hàng đầu

Kenta Goto, giáo sư kinh tế tại Đại học Kansai ở Osaka, cho biết: “Chi phí sinh hoạt tăng, đồng thời với việc đồng tiền châu Á suy yếu trong khi Mỹ tăng lãi suất, có thể là cái phanh hãm lại đà hồi phục của kinh tế khu vực. Nếu lạm phát tiếp tục tăng và thu nhập thực tế giảm, sức mua của khu vực được xem là động lực tăng trưởng của tiêu dùng thế giới sẽ bị tổn thương”.

Một số doanh nghiệp đã bắt đầu tăng giá. Hãng điều hành taxi lớn nhất Singapore ComfortDelGro trong tháng này đã tăng cước lần đầu tiên trong 10 năm qua, với lý do giá nhiên liệu tăng 10%.

Tại Thái Lan, Thai President Foods nói sẽ giá bán lẻ mới mỗi gói mì Mama 90 gram sẽ là 6 baht, khoảng hơn 4.100 đồng – tức tăng 9%. Mì ăn liền được xem là một chỉ số lạm phát quan trọng ở xứ chùa vàng bởi đây là loại thực phẩm giá rẻ và tiêu dùng rộng rãi .

Tương tự như vậy, các chuỗi cà phê của Đài Loan đang chuyển chi phí sang cho người tiêu dùng. Một trong những chuỗi cà phê lớn là Louisa Coffee đã tăng giá 40 sản phẩm. Trong khi đó, chuỗi Cama Cafe dự kiến ​​sẽ tăng giá lần đầu tiên sau 5 năm. Lạm phát cũng ảnh hưởng đến mọi sản phẩm sinh hoạt, từ vật dụng gia đình đến suất ăn gà rán hay ly trà sữa.

Đà tăng này có thể thấy trong chỉ số giá tiêu dùng. Lạm phát trong tháng 2-2022 của Thái Lan đã tăng 5,28% so với cùng kỳ năm ngoái – mức cao nhất trong 13 năm. Tỷ lệ lạm phát tháng 2 ở Đài Loan đạt 2,36% và đây là tháng thứ bảy liên tiếp tỷ lệ lạm phát vượt ngưỡng 2%. .

Khoảng 94% các nhà kinh tế khu vực tư nhân ở Singapore cho rằng lạm phát là rủi ro hàng đầu đối với nền kinh tế hòn đảo trong một khảo sát vào tháng 2 của ngân hàng trung ương, tăng từ mức 56% trong một cuộc thăm dò vào tháng 12 năm ngoái. Bộ trưởng Thương mại và Công nghiệp Gan Kim Yong cảnh báo rằng hóa đơn tiền điện tăng cao chắc chắn sẽ “tác động đến người dân Singapore.”

Các đợt tăng giá mạnh đã làm người dân vô cùng lo ngại. Somchai Bua-gnern, 39 tuổi, lái xe tuktuk ở Bangkok cho biết: “Giá thịt heo, trứng và các loại thực phẩm tăng vọt. Ngay cả món rẻ tiền như mì gói cũng trở nên đắt hơn”. Những người lái xe như Somchai kiếm được 200 baht, khoảng hơn 135.000 đồng mỗi ngày.

Một cuộc khảo sát do Văn phòng Nội các Nhật Bản thực hiện vào tháng 2-2022 cho thấy 92% người được hỏi tin rằng chi phí sinh hoạt sẽ tăng trong vòng một năm tới.

Ryutaro Kono, nhà kinh tế trưởng của chi nhánh BNP Paribas Japan, nói rằng các công ty Nhật Bản thường hy sinh lợi nhuận để bù đắp phần chi phí gia tăng. Nhưng nếu lạm phát không ngừng, rất có thể họ sẽ phải đẩy phần gia tăng cho người tiêu dùng trong vòng một năm tới.

“Hóa đơn tiền điện và khí đốt đang tăng. Tôi lo lắng không biết cuộc sống hàng ngày sẽ như thế nào nếu giá tiếp tục tăng”, một bà nội trợ 60 tuổi ở Tokyo cho biết. Bà đã mua sắm ít hơn và tìm đến nhưng cửa hàng giá rẻ hơn “bởi vật giá đang leo thang, trừ tiền lương”.

Trong các đàm phán tiền lương mùa xuân mới đây, các doanh nghiệp Nhật Bản đã đề nghị các công đoàn lao động tăng lương trung bình 2,14%, tương đương 6,581 yen mỗi người – thấp hơn so với mục tiêu hơn 3% mà Thủ tướng Fumio Kishida mong muốn.

Hôm 22-3, chính phủ Philippines tuyên bố sẽ dành 57 triệu đô la để trợ giá xăng dầu cho các gia đình nghèo 500 peso, 220.000 đồng mỗi tháng và hết năm 2022. Ảnh: Phil Star

Ưu tiên hàng đầu là bình ổn giá

Cuộc chiến bùng nổ vào thời điểm các nền kinh tế đang nỗ lực hồi phục sau hai năm dịch bệnh. Nga là nước xuất khẩu lớn các loại phân bón như kali và amonium nitrate, trong khi Ukraine là nhà cung cấp ngô và lúa mì chính yếu. Hiện mọi người đang lo ngại về nguồn cung lương thực dài hạn và giá cả trong tương lai.

Một nông dân trồng cà chua ở Tokyo cho biết một số nhà cung cấp phân bón đã ngừng nhận đơn đặt hàng mới. Ông nói: “Tôi đã xoay sở đủ cách để bảo đảm cho mùa vụ này, nhưng tôi sẽ phải trả nhiều tiền hơn và tranh giành phân bón với người khác trong tương lai”. Giá dầu được sử dụng để giữ ấm cho nhà kính tăng cao, khiến chi phí tăng thêm 300.000 yen mỗi năm.

Chủ tịch Hiệp hội các nhà máy thức ăn chăn nuôi Thái Lan Pornsilp Patcharintanakul cho biết giá thức ăn chăn nuôi tăng đã đẩy chi phí sản xuất thịt và gia cầm lên cao. Giá bắp tăng gần 20% so với năm ngoái và giá đậu nành tăng 25%. Ông nói: “Giá đã lên đỉnh điểm. Chính phủ nên có cách nào đó để hạn chế giá thức ăn gia súc tăng quá cao”.

Akio Shibata, chủ tịch Viện Nghiên cứu Tài nguyên Thiên nhiên ở Nhật Bản, cảnh báo rằng sự gián đoạn nguồn cung phân bón có thể đe dọa sản xuất lúa gạo và dẫn đến tình trạng bất ổn. “Lương thực là yếu tố ổn định xã hội. Điều đặc biệt quan trọng đối với chính phủ các nước đang phát triển là ổn định giá cả… Ở châu Á, gạo là một mặt hàng chính trị – sự thiếu hụt có thể kích hoạt bạo động”.

Một số chính phủ châu Á đang cố gắng kiềm chế lạm phát vì lo ngại các ảnh hưởng chính trị.

Văn phòng Ngân sách Quốc hội Hàn Quốc hôm 15-3 đã ước tính GDP của nước này sẽ giảm 0,2 điểm phần trăm và cán cân tài khoản vãng lai của nước này sẽ mất 2 tỉ đô la nếu giá dầu tăng 10%. Để giảm bớt gánh nặng cho người tiêu dùng, chính phủ đã gia hạn cắt giảm 20% thuế đối với doanh số bán xăng và dầu diesel thêm ba tháng cho đến cuối tháng 7-2022 sắp tới.

Đầu tháng 3 này, Thái Lan cho biết họ sẽ đặt giới hạn trần giá dầu diesel là 30 baht/lít. Chính phủ cũng đang cân nhắc áp mức giá trần cho các mặt hàng thiết yếu khác. Đài Loan đã thực hiện các biện pháp tương tự bằng cách giảm thuế đối với một số mặt hàng nhập khẩu, bao gồm miễn thuế kinh doanh 5% đối với đậu nành, bắp và lúa mì, giảm một nửa thuế đối với bơ, sữa bột và giảm thuế hàng hóa đối với dầu diesel và xăng.

Một số nhà kinh tế cho rằng châu Á vẫn chưa phải đối mặt với khủng hoảng, nhưng không loại trừ áp lực lạm phát ngày càng gia tăng.

Kensuke Tanaka, trưởng bộ phận châu Á của Tổ chức phát triển và hợp tác kinh tế (OECD), cho rằng: “Tình hình có thể thay đổi và có thể có nhiều áp lực hơn. Chúng ta đang trải qua giai đoạn có nhiều bất ổn lớn”.

Trong khi đó, chuyên gia kinh tế Irfan Qureshi thuộc Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) nói rằng lạm phát trong khu vực đang gia tăng, nhưng vẫn có thể kiểm soát được.

“Điều quan trọng là các ngân hàng trung ương trong khu vực phải theo dõi tình hình lạm phát một cách chặt chẽ và khống chế được. Lạm phát cao và kéo dài khiến người nghèo bị tổn thương nhiều nhất. Điều này có thể làm trầm trọng hơn tình trạng bất bình đẳng và căng thẳng xã hội”.

Hôm 29-3, chính phủ Nhật Bản tuyên bố sẽ đưa ra gói cứu trợ mới giảm bớt tác động của giá nhiên liệu và vật liệu tăng. Gói này sẽ được công bố vào cuối tháng 4, trước cuộc bầu cử thượng viện vào tháng 7.

Yuriy Humber, chủ tịch hãng nghiên cứu và tư vấn Yuri Group và là nhà sáng lập nền tảng phân tích thị trường năng lượng Japan JRG, cho rằng: “Chính phủ đương nhiệm của Thủ tướng Kishida Fumio sẽ mất uy tín nếu để giá năng lượng cao làm tăng áp lực lạm phát, khiến người nghèo càng nghèo hơn”.

Các giải pháp nhằm giảm áp lực của giá xăng, điện, nước và hàng tiêu dùng với sức chi tiêu với người nghèo trong năm nay sẽ là chủ đề chính trong các cuộc bầu cử sắp tới. Tổng tuyển cử sẽ diễn ra vào tháng 5 tại Philippines, các cuộc bầu cử địa phương tại Thái Lan và Đài Loan trong vài tháng tới sẽ định hình chính phủ trung ương của hai nơi này trong năm 2023 – 2024.

Tsuyoshi Ueno, chuyên gia kinh tế cấp cao tại Viện nghiên cứu NLI, cho rằng lạm phát sẽ đè nặng lên nền kinh tế thế giới và tiền lương thực tế sẽ bị siết chặt.

 “Các nước đang dần gỡ bỏ các hạn chế kiểm soát dịch bệnh. Thế giới cuối cùng cũng có thể trở lại bình thường trong năm nay. Tuy nhiên, do tác động của chiến tranh, túi tiền của người tiêu dùng sẽ tiếp tục bị bóp nặn trong bối cảnh giá cả mọi thứ gia tăng và sự gián đoạn chuỗi cung ứng”, ông Ueno nói với Nikkei Asia.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới