Thứ Bảy, 27/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Lợi nhuận hàng không châu Á teo tóp do cạnh tranh khốc liệt

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Lợi nhuận hàng không châu Á teo tóp do cạnh tranh khốc liệt

Lê Linh

(TBKTSG Online) – Cạnh tranh khốc liệt đang làm suy giảm mạnh lợi nhuận của các hãng hàng không châu Á dù số lượng hành khách trong khu vực tăng vọt.

Các hãng không giá rẻ đang trở thành sự lựa chọn yêu thích của tầng lớp du khách trung lưu ngày càng được mở rộng trong khu vực nhưng sự phát triển ồ ạt của hàng không giá rẻ khiến mức lợi nhuận trung bình của các hãng hàng không ở châu Á rơi mức dưới 5 đô la Mỹ mỗi hành khách/chuyến bay, theo Hiệp hội các hãng hàng không châu Á-Thái Bình Dương (AAPA), có trụ sở ở Kuala Lumpur, Malaysia.

Một báo cáo phân tích của AAPA về hiệu suất lợi nhuận tại 25 hãng hàng không dân dụng trong khu vực cho thấy tổng lợi nhuận ròng của họ chỉ còn 4,7 tỉ đô la Mỹ trong năm 2018, giảm gần một nửa so với năm trước đó. Nguyên nhân chủ yếu là do lợi nhuận trên mỗi hành khách thấp.

"Các hãng hàng không châu Á không thể chuyển toàn bộ chi phí tăng lên của giá nhiên liệu mà chúng ta đã chứng kiến trong năm 2018. Các hãng hàng không châu Á-Thái Bình Dương tiếp tục phải đối mặt với những cản lực khi áp lực chi phí kéo dài dai dẳng, sự cạnh tranh gay gắt cũng như biến động mạnh hơn nữa trên thị trường dầu và tiền tệ”, ông nhận định.

Lợi nhuận hàng không châu Á teo tóp do cạnh tranh khốc liệt
Hãng hàng không giá rẻ AirAsia (Malaysia) có mạng lưới hoạt động khắp châu Á nhưng phần lớn lợi nhuận của hãng trông chờ vào thị trường Malaysia. Ảnh: Nikkei Asian Review

Cuộc cạnh tranh khốc liệt đang đặt ra những hoài nghi về kế hoạch mở rộng công suất của các hãng hàng không châu Á cũng như các đơn hàng đặt mua máy bay mới của họ.

Cạnh tranh cũng đang bào mòn các nguồn lực dự trữ của ngay cả những người hãng hàng không cạnh tranh nhất. Hãng hàng không giá rẻ tiên phong của châu Á AirAsia (Malaysia) chứng kiến lợi nhuận hoạt động giảm gần một nửa trong năm 2018, trong khi đó, một số hãng hàng không lâu đời ở châu Á đang phải xoay sở để tồn tại.

Tony Fernandes, Giám đốc điều hành AirAsia gần đây cho biết thị trường Malaysia sẽ là nguồn lợi nhuận chính cho hãng hàng không của ông. Lợi nhuận hoạt động của hãng này trong năm 2018 đã giảm 44% so với năm trước, xuống còn 1,2 tỉ ringgit (286 triệu đô la Mỹ).

Dù AirAsia vẫn có lãi ở thị trường Malaysia, các chi nhánh của hãng này tại Indonesia, Thái Lan và các nơi khác đang lỗ hoặc lãi ít. Fernandes nhận định tình trạng này sẽ tiếp tục kéo dài trong một thời gian nữa.

AirAsia đã trở thành hãng bay hàng đầu ở Đông Nam Á, thị trường hàng không tăng trưởng nhanh nhất ở châu Á nhưng hãng này vẫn không thể tránh khỏi cơn khủng hoảng lợi nhuận của ngành do tất cả các đối thủ đều lao vào giành thị phần bằng mọi giá.

Trung tâm Hàng không châu Á-Thái Bình Dương (CAPA), một tổ chức tư vấn có trụ sở tại Úc cho biết, số lượng ghế mà các hãng hàng không giá rẻ ở châu Á cung cấp cho thị trường đã tăng gấp bốn lần trong 10 năm qua và nguồn cung máy bay ở châu Á đang tăng nhanh hơn nhu cầu. CAPA gọi đây là kết quả của sự cạnh tranh bất hợp lý.

Trong những năm tới, nguồn cung máy bay sẽ càng tăng mạnh. Công ty Phát triển máy bay Nhật Bản, chuyên nghiên cứu về hàng không thương mại, ước tính sẽ có 37.258 máy bay mới được giao trên toàn cầu từ năm 2017 đến 2037, với tổng trị giá 5,55 ngàn tỉ đô la Mỹ. Khu vực châu Á-Thái Bình Dương, thị trường lớn nhất của ngành hàng không, dự kiến sẽ mua 15.530 máy bay mới trị giá giá 2,3 ngàn tỉ la Mỹ trong giai đoạn này, nhiều hơn cả châu Âu hoặc Bắc Mỹ.

Năm 2017, số lượng hành khách đi máy bay ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương tăng 11% lên 1,5 tỉ người, chiếm 1/3 tổng số hành khách toàn cầu. Con số này được dự báo tăng lên 3,9 tỉ người trong hai thập kỷ tới. Tuy nhiên, sự cạnh tranh khốc liệt trong ngành hàng không châu Á đang phủ một đám mây u ám lên tiềm năng tăng trưởng của các hãng hàng không trong khu vực.

Theo Hiệp hội Vận tải hàng không quốc tế (IATA), biên lợi lợi nhuận trung bình trước thuế và lãi suất của ngành hàng không là 6,7% ở châu Á-Thài Bình Dương, thấp hơn so với mức 11% ở Bắc Mỹ.

Myanmar, từng được xem là thị trường đầy hứa hẹn, có tới 11 hãng hàng không giá rẻ xuất hiện sau khi chính quyền quân sự nhường chỗ cho chính phủ dân sự vào năm 2011. Tuy nhiên, đến nay, 5 trong số các hãng bay giá rẻ này đã ngừng hoạt động.

Trong giai đoạn 2017-2037, các hãng hàng không vực châu Á-Thái Bình Dương dự kiến mua 15.530 máy bay mới, với tổng trị giá 2,3 ngàn tỉ đô la Mỹ, cao hơn nhiều so với các khu vực khác. Ảnh: Nikkei Asian Review

Tại Việt Nam, hãng hàng không VietJet Air, ra mắt năm 2011, đã phát triển với tốc độ chóng mặt. Hãng hàng không này thậm chí đã vượt qua AirAsia về vốn hóa thị trường và thu hút sự chú ý của nhiều nhà đầu tư. Nhưng sự cạnh tranh từ các đối thủ mới có thể ảnh hưởng đến triển vọng kinh doanh của hãng này.

Hồi tháng 1, hãng hàng không Bamboo Airways, thuộc sở hữu Tập đoàn FLC, đã chính thức hoạt động.

Nhiều hãng hàng không lâu đời ở châu Á đang trải qua thời kỳ đặc biệt khó khăn khi bị các hãng hàng không giá rẻ “cướp” khách bằng các mức giá vé thấp hơn.

Tại sân bay quốc tế ở thành phố Mumbai, Ấn Độ, các quầy làm thủ tục trước đây của hãng hàng không lớn thứ hai Ấn Độ là Jet Airways đang được các hãng hàng không giá rẻ sử dụng. Từng là cánh chim đầu đàn của thế hệ các hãng bay tư nhân Ấn Độ, Jet Airways giờ đây cạn sạch tiền hoạt động đến mức phải dừng tất cả các chuyến bay và đứng trước nguy cơ phá sản.

Jet Airways lâm vào khó khăn dù lượng hàng khách của hãng này tăng gấp đôi trong 5 năm qua.

Hãng hàng không quốc gia Thái Lan Thai Airways International (THAI) là cơn đau đầu về tài chính đối với các Chính phủ Thái Lan liên tiếp trong nhiều thập kỷ. Hôm 16-5, hãng báo lỗ 828 triệu baht (26 triệu đô la Mỹ) trong quí kết thúc vào tháng 3, trong khi đó, vào cùng kỳ năm ngoái, hãng đạt mức lãi 3,8 tỉ baht.

THAI thừa nhận tình hình kinh doanh khó khăn do sự cạnh tranh gay gắt từ các hãng bay giá rẻ và hãng bay khác. Ngoài ra, Chủ tịch THAI Sumeth Damrongchaitham cho biết cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung đã ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh vận chuyển hàng hóa của THAI. Bên cạnh đó, chi phí thuê máy bay và chi phí phụ tùng tăng cao cũng làm giảm lợi nhuận của hãng này.

Hồi tháng 3, Thủ tướng Malaysia Mahathir Mohamad cho biết ông đang cân nhắc hai lựa chọn cho hãng hàng không quốc gia Malaysia Airlines (MAS) vốn đang gặp khó khăn tài chính: bán hoặc đóng cửa. "Tôi yêu MAS. Tôi muốn MAS vẫn là hãng hàng không quốc gia nhưng có vẻ như chúng ta không đủ sức duy trì nó", ông nói.

Vị trí đặt bình chọn

Theo Nikkei Asian Review


 

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới