Thứ Sáu, 26/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Một chuyến đi, nhiều gợi mở

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Một chuyến đi, nhiều gợi mở

Nông dân mua đồ hộp của Vissan. Ảnh: Tiến Tài.

(TBKTSG) – Ngày 8-3 vừa qua, phiên chợ đầu tiên trong chương trình bán hàng về nông thôn do Trung tâm Nghiên cứu Kinh doanh và Hỗ trợ doanh nghiệp (BSA) tổ chức đã diễn ra tại xã Vĩnh Bình, huyện Châu Thành, An Giang. Chuyến đi đã giúp cho các doanh nghiệp phát hiện nhiều điều bất ngờ.

“Đã thấy “Hai lúa” chưa!”

Địa điểm diễn ra phiên chợ là ngã tư chợ Vĩnh Bình, một nơi thuộc vùng sâu vùng xa của tỉnh An Giang. Từ tờ mờ sáng bà con địa phương đã bắt đầu kéo nhau đến với tất cả sự háo hức, tò mò. Mười doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao tham gia đều tung ra những chương trình khuyến mãi hấp dẫn khiến bà con càng thích thú vì lần đầu tiên ở đây họ được mua hàng kèm theo giảm giá, bắt thăm trúng thưởng hoặc dùng thử sản phẩm miễn phí.

Các nhân viên của Công ty cổ phần dịch vụ Phú Nhuận, nhà phân phối độc quyền các sản phẩm điện tử Arirang, có lẽ không bao giờ quên cảnh những nông dân chân lấm tay bùn ngồi xổm dưới đất say sưa hát karaoke miễn phí mặc cho nắng đã lên chang chang. Nhiều quầy hàng của các đơn vị như Co.op Mart, Vinatex, Vissan… người mua ken kín, nhân viên tính tiền… mệt nghỉ.

Chỉ trong vài tiếng, quầy hàng của Vissan đã bán được 5,5 triệu đồng, trong đó có cả những sản phẩm đồ hộp là mặt hàng tưởng chừng như không phù hợp với tập quán tiêu dùng của người nông dân.

Ông Đinh Ngọc Lộc, Giám đốc Siêu thị thời trang Vinatex Long Xuyên, cũng ngạc nhiên, không ngờ bà con quan tâm đến thời trang như vậy.

Tại quầy Co.op Mart, được mua nhiều nhất là những mặt hàng thiết yếu như dầu gội đầu, kem đánh răng, xà bông, quần áo, dầu ăn… Một phụ nữ tên Hai Mót ở ấp 4 mua tới gần một triệu đồng tiền hàng và cho đó chỉ là một phần trong số tiền mà bà đem theo.

Gặp đoàn nhà báo sau buổi bán hàng, bà Phan Thị Thúy Truyển, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Thương mại Du lịch và Đầu tư tỉnh An Giang, hớn hở: “Các anh chị thấy chưa, nông dân An Giang có phải “Hai lúa” trong việc mua sắm đâu!”.

Bà Truyển phân tích: Với dân số 2,2 triệu người cùng khoảng 4 triệu du khách mỗi năm đến An Giang kèm theo hệ thống tiêu thụ trên 300 ngôi chợ, tổng doanh số dịch vụ bán lẻ toàn tỉnh khoảng 300.000 tỉ đồng/năm, thì đây thật sự là một thị trường bán lẻ hấp dẫn.

Phải đeo bám, quyết liệt

Hệ thống siêu thị và cửa hàng bán lẻ tại các đô thị chỉ chiếm tỷ lệ nhỏ so với mạng lưới phân phối truyền thống trên cả nước với 400.000-500.000 cửa hàng bán lẻ. Vì vậy, tiến về nông thôn và tận dụng mạng lưới phân phối sẵn có chính là giải pháp vừa phù hợp vừa tiết kiệm chi phí cho các doanh nghiệp trong nước.

Đúng như nhận định của Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Thương mại Du lịch và Đầu tư tỉnh An Giang, nhu cầu mua sắm ở vùng nông thôn rất lớn. Tuy nhiên, một cuộc khảo sát nhanh tại chợ Vĩnh Bình theo đề nghị của ban tổ chức BSA với các doanh nghiệp tham gia chuyến đi đã làm hé mở nhiều điều bất ngờ.

Ông Đinh Ngọc Lộc gần như bị sốc trước tình cảnh cả chợ có tất cả bốn sạp thời trang thì cả bốn sạp đều chủ yếu bán hàng Trung Quốc, kể cả mặt hàng vải. Quần áo Trung Quốc trông rất đa dạng, từ chất liệu cho đến mẫu mã. Còn hàng Việt Nam chỉ chiếm tỷ lệ rất nhỏ và được sản xuất, cung cấp bởi các cơ sở nhỏ lẻ, không tên tuổi.

Câu hỏi nhức nhối đặt ra là vì sao, bằng cách nào mà sản phẩm Trung Quốc có thể len lỏi vào tận một vùng quê hẻo lánh trong khi những mặt hàng có thương hiệu của các doanh nghiệp trong nước thì vắng bóng, mặc dù theo ông Lộc hàng Trung Quốc “tuy đa dạng nhưng chất lượng kém, giá cũng không rẻ”?

Tương tự, đại diện của Nhôm Kim Hằng, Công ty Ba Huân sau cuộc khảo sát cũng cho biết sản phẩm của các công ty này không hề hiện diện tại chợ. Người bán hàng chỉ thỉnh thoảng lấy vài loại sản phẩm nhôm Kim Hằng do ghe cung cấp, còn lại chủ yếu là hàng Trung Quốc. Người dân không hề biết gì về trứng gà, vịt an toàn vệ sinh của Công ty Ba Huân.

Một số mặt hàng khác như sản phẩm hóa mỹ phẩm của Mỹ Hảo, dầu ăn Tường An tuy có mặt trên các kệ sạp nhưng vừa ở vị trí lép vế về số lượng so với các nhãn hiệu nước ngoài, vừa bị đứt đoạn trong khâu phân phối, cung cấp. Một trường hợp khác là Vissan mặc dù có khá nhiều sản phẩm nhưng tại chợ chỉ bày bán mỗi loại xúc xích…

Một cuộc khảo sát riêng của BSA tại bảy chợ khác thuộc huyện Châu Thành và Tri Tôn, An Giang cũng phản ánh chỉ có 70% người bán lẻ được mối giao hàng đến tận nơi, số còn lại 30% phải tự đi mua hàng về bán; hàng nội chiếm khoảng 50% tổng lượng hàng hóa trên thị trường; người bán thường phàn nàn về việc đặt hàng lâu mới được nhận hàng, mẫu mã ít, giao hàng không đúng yêu cầu, bị phân biệt đối xử giữa các người bán lẻ…

Có thể rút ra nhận xét từ thực trạng trên là các doanh nghiệp chưa thực sự quan tâm, đeo bám thị trường nông thôn. “Các doanh nghiệp, kể cả hàng Việt Nam chất lượng cao, vẫn loay hoay ở các đô thị” – bà Truyển đánh giá. Ông Lâm Minh Chiến, Chủ tịch UBND tỉnh An Giang, cho rằng chưa nói ở thị trường nông thôn mà ngay tại thành phố sự quyết tâm của các doanh nghiệp trong nước cũng “chưa bằng ai”. “Ví dụ như năm rồi Metro có đặt vấn đề xin mặt bằng mở siêu thị tại thành phố Long Xuyên. Tôi cố ý kéo dài thời gian giải quyết xem có doanh nghiệp nào trong nước xin không nhưng chờ hoài chẳng thấy, kể cả Co.op Mart. Trong khi đó, Metro đeo bám rất dữ, họ cứ thúc tôi liên tục…”.

Theo ông Nguyễn Duy Thuận, hệ thống siêu thị và cửa hàng bán lẻ tại các đô thị chỉ chiếm tỷ lệ nhỏ so với mạng lưới phân phối truyền thống trên cả nước với 400.000-500.000 cửa hàng bán lẻ, trong đó sức tiêu thụ chủ yếu tập trung tại thị trường nông thôn. Vì vậy, tiến về nông thôn và tận dụng mạng lưới phân phối sẵn có chính là giải pháp vừa phù hợp vừa tiết kiệm chi phí cho các doanh nghiệp trong nước. “Với hệ thống có sẵn đó, các doanh nghiệp chỉ cần kết nối chặt chẽ với họ, đừng bỏ tuyến, làm đứt gãy việc cung cấp hàng thì đã có thể nâng doanh số bán hàng lên gấp hai lần rồi” – ông Thuận khuyên.

TIẾN TÀI

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới