Thứ Sáu, 26/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Nghe nhạc theo mùa

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Nghe nhạc theo mùa

Nguyễn Vĩnh Nguyên

(TBKTSG) – Mấy ngày chộn rộn chuẩn bị Tết, nghe những bản nhạc xuân phát ra từ mấy quán cà phê, thấy nao lòng. Vậy mà chỉ qua mùng 10 Tết, những bản nhạc xuân ấy, không khí ấy đã trở nên “lạc mùa”. Đâu đó đã nghe thiên hạ đổi sang nghe những giai điệu nóng bỏng hơn: “Trời nhẹ dâng lên cao hồn tôi tựa như bóng chim/ vươn đôi cánh mềm lặng lẽ kiếm chốn nao bình yên…”.

Dân mình mê nhạc. Phải nói là sống với nhạc, nhờ âm nhạc để gọi về, nhắc nhớ, đằm mình vào trong tiết tấu mùa màng. Sự rung động rất đỗi nghệ sĩ ấy thật đáng trân quý. Nó cũng biểu hiện một phần nào đó một nhu cầu đời sống tinh thần tinh tế và phong phú, thoát ra khỏi bề bộn gia tốc của đời sống và của hai mùa, bốn tiết luân chuyển quanh năm trên xứ sở này.

Người viết ra những ca khúc rung động trải lòng trước những xúc cảm mùa màng, họ là nghệ sĩ thì đã đành, những người nghe, công chúng bình dân vô danh biết lắng nghe thiên nhiên mà làm giàu xúc cảm mùa màng ấy qua âm nhạc lại càng nghệ sĩ hơn. Đó, hẳn không chỉ là việc tiện tay vớ đĩa và nhấn nút “play” một cách vô tình hay ngẫu nhiên mà là một chủ ý tạo dựng không gian cho tinh thần.

Nghe nhạc theo mùa cũng tùy theo tâm trạng, lứa tuổi và trải nghiệm gửi gắm qua những ca khúc. Người hơi lớn tuổi, từng kinh qua chiến tranh, trận mạc nghe nhạc Giáng sinh thì cứ phải liên quan đến “người em xóm đạo” hay “dựng lại gác chuông” mới đủ gọi về kỷ niệm ký ức một thời. Trong khi, người trẻ lại thích Giáng sinh phải phong phú sôi động, không ẻo lả hoài niệm nữa, và dù ít ỏi, họ cũng sẽ kiếm được một vài gửi gắm kiểu tân thời.

Nhạc xuân cũng thế. Người già sẽ nghe “Xuân này con không về” hay “mong đầu năm cuối năm gặp may” là hồn vía mùa xuân ngập tràn, còn người trẻ thì tìm gặp mùa xuân trong những tiết tấu phức tạp, hiện đại hơn – họ cảm từ “lắng nghe mùa xuân về” hay “thì thầm mùa xuân”…

Nhạc theo mùa mang trong nó xúc cảm của mỗi thời, kỷ niệm riêng của mỗi người. Có thể lắng nghe, nhìn thấy trong bức tranh chung của những ca khúc loại này sự hòa điệu của tâm trạng nhiều thế hệ, nhiều gu thưởng thức. Rồi cũng nghe trong cái tâm thức nôn nao nhạc mùa ấy là bối cảnh nhiều thời đại, đời sống trong xã hội. Không chỉ là sự ngưỡng vọng tương lai mà còn là diện mạo của ký ức không bị khuất lấp, bôi xóa. Thế nên, có thể thấy trên sân khấu hiện đại, những ca sĩ nhập cư với tóc nhuộm vàng, mặc đồ rất mốt, nhưng lại có thể rất du dương hòa mình vào cảm xúc của anh lính chiến thời xa lắc.

Cũng có thể không lạ lùng khi thấy những ca sĩ trưởng thành ở Sài Gòn trước 1975 sau chuỗi ngày lang bạt trời Tây nay về đứng trên sân khấu quê nhà tìm xúc cảm tươi mới: “Có bao giờ chân trời xanh thế/ như mắt em lần đầu gặp anh/ gió xuân hồng hoa đào tươi thắm như mùa xuân đến…”. Hay cũng có thể nghe một ca sĩ tuổi mới lớn đang trải lòng với một mùa xuân cổ điển kiểu “rồi dập dìu mùa xuân theo én về/ mùa bình thường mùa vui nay đã về…” hay dễ thương kiểu như “mùa xuân đến đạp xe trên phố tóc xõa vai mềm”…

Vài năm gần đây, có nhiều ý kiến cho rằng, nhạc xuân nói riêng, nhạc theo mùa nói chung, ít có những ca khúc mới đủ sức gợi, sức cảm, sức lay động, sức “gọi mùa” như nhạc xưa. Cũng đúng, nếu nhìn trên mặt bằng chung, nền âm nhạc nói riêng, văn hóa nói chung đang rơi vào một cuộc “khủng hoảng chiều sâu”, nhìn đâu cũng thấy sự hời hợt, sự nông cạn, những tiết tấu ca từ dễ dãi nhất thời (điều này báo chí nhiều lần chứng minh, xin không cần trích dẫn thêm).

Nhưng nói đi thì cũng nói lại, cũng không thể chối cãi rằng, tâm thế, bối cảnh rất tĩnh của đời sống đang chi phối thị hiếu thưởng thức, gu nghe của nhiều người, khiến họ khó có thể chấp nhận những ngôn ngữ, ca từ mới, chưa nói là sự khác biệt tâm thế thời đại đã khiến họ không tiếp nhận được, ghi nhận những giá trị mới và sẵn sàng chịu thay đổi trong gu tiếp nhận.

Và cũng thật bất công khi họ từng tìm thấy tâm thế tuổi trẻ thời đại mình, thế hệ mình trong những bản nhạc mùa cũ mà xem thường những bản nhạc được những nhạc sĩ trẻ viết nghiêm túc, phức tạp hơn cho những tâm trạng mới, con người mới, tuổi trẻ mới của thì hiện tại. Rồi những tiết tấu mùa màng mới của tuổi trẻ ấy, rồi cũng theo những lớp khán giả năng động hôm nay chịu ngưng đọng ở đâu đó trong thì tương lai, để lại sẽ gánh lấy ý nghĩa nhắc nhớ, xao xuyến, hoài niệm hay nuối tiếc…

Nhạc theo mùa có thể sẽ cũ đi theo từng mùa luân chuyển. Nhưng lại vừa như một sự vỗ về tâm trạng, những bản nhạc mùa ấy lại lặp đi lặp lại trong đời mỗi người, vừa gần gũi thân quen vừa xa xôi như dĩ vãng đã qua. Đôi khi có những khúc hát vang vọng đánh thức trong mỗi người ý niệm về thời gian, cảm nhận thời tiết và xa hơn, về cả những mất còn trong đời.

Dù sôi động hay sâu lắng, những khúc ca đang cùng chúng ta đón những mùa màng về và tiễn những mùa màng đi trên vòng tuần hoàn bất tận của thời gian.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới