Thứ Sáu, 26/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Người nước ngoài băn khoăn về vật giá leo thang

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Người nước ngoài băn khoăn về vật giá leo thang

Tổng lãnh sự New Zealand Peter Healy (phải) cho rằng lạm phát tăng cao là một thách thức lớn cho Việt Nam năm 2008

(TBKTSG Online) – Trong ngày cuối cùng của năm 2007, các nhà ngoại giao và doanh nghiệp nước ngoài đã trao đổi với TBKTSG Online những suy nghĩ của họ về kinh tế Việt Nam năm 2008.

Ông Peter Healy, Tổng lãnh sự kiêm Tham tán thương mại New Zealand tại Việt Nam:

“Lạm phát tăng cao là thách thức lớn nhất”

Theo tôi, các nhà đầu tư và doanh nghiệp New Zealand đánh giá rất cao môi trường đầu tư Việt Nam, hầu như mọi đoàn doanh nghiệp của chúng tôi tới tìm hiểu cơ hội tại Việt Nam trong các năm qua đều mong muốn sẽ có cơ hội quay trở lại để làm ăn tại thị trường giàu tiềm năm này.

Nhiều cơ hội đang mở ra với doanh nghiệp Việt Nam khi làm ăn với New Zealand vào thời điểm mà thương mại hai chiều giữa hai nước đang tăng trưởng rất mạnh, tăng 35% so với năm 2006. Trong năm 2008, tôi mong muốn sẽ có thêm doanh nghiệp Việt Nam nhập khẩu các sản phẩm của New Zealand như thịt cừu, thịt bò, rượu vang, kem để cung cấp cho ngành khách sạn và du lịch đang tăng trưởng rất nhanh tại đây, và cả gỗ nguyên liệu cho ngành sản xuất gỗ. 

Trong năm 2007 với tình hình lạm phát tăng cao đã gây không ít khó khăn cho nền kinh tế cũng như nhiều người Việt Nam có thu nhập thấp. Do vậy, tôi cũng cầu chúc cho cuộc sống của họ sẽ tốt hơn trong năm 2008 và tôi tin rằng Chính phủ Việt Nam sẽ tìm được cách kìm chế lạm phát vào năm tới.

Đây là lần thứ ba tôi đón năm mới tại Việt Nam, với lời chúc mọi sự tốt đẹp cho quan hệ của hai nước, chúc sức khỏe cho gia đình và bạn bè. Nhân dịp năm mới tôi xin gởi lời “Chúc Mừng Năm Mới!” tới tất cả mọi người.  

Phó chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp Mỹ tại TPHCM Walter Blocker (trái) lo ngại chi phí đắt đỏ sẽ làm môi trường đầu tư VN kém hấp dẫn

Ông Walter Blocker, Phó chủ tịch của Hiệp hội Doanh nghiệp Mỹ tại TPHCM, Tổng giám đốc Công ty Gannon:

“TPHCM đang đánh mất lợi thế vì chi phí đắt đỏ”

Thế là đã 13 năm tôi đón năm mới tại Việt Nam. Năm nay, tôi và gia đình và bạn bè thân thiết đi thuyền của Landmark xuôi theo sông Sài Gòn, và theo tôi đây là một cách đón mừng năm mới thú vị.

Năm 2007 là năm Việt Nam đạt được những kết quả tăng trưởng cao về sản xuất, dịch vụ, xây dựng và thu hút đầu tư. Nhìn chung, khối doanh nghiệp tư nhân phát triển rất mạnh trong năm 2007 và tôi nghĩ rằng việc này sẽ tiếp tục trong năm tới.

Tuy nhiên, trong năm 2008, Việt Nam sẽ phải đối mặt với nhiều thách thức như việc thiếu hụt nguồn nhân sự, lạm phát tăng, giá thuê văn phòng, căn hộ tăng chóng mặt. TPHCM đã đánh mất lợi thế của mình về chi phí sinh hoạt so với các nước trong khu vực ASEAN, và đang trở thành một thành phố đắt đỏ.

Hiện nay có khoảng 60.000 người nước ngoài đang sinh sống và làm việc tại TPHCM, con số này sẽ tiếp tục tăng trong năm tới. Điều này sẽ tạo ra nhu cầu lớn về nhà ở, trường học hiện đã quá tải. Khi cuộc sống trở nên đắt đỏ thì Việt Nam sẽ trở nên kém hấp dẫn đối với các nhà đầu tư. Chi phí tăng cao sẽ gây ảnh hưởng tiêu cực đến những chiến lược thu hút nhân tài nước ngoài để chuyển giao công nghệ và đào tạo nguồn nhân lực địa phương cho các vị trí lãnh đạo trong các năm sắp tới. Lạm phát, việc hoạch định phát triển cơ sở hạ tầng thiếu tầm cũng sẽ ảnh hưởng đến phát triển kinh tế.      

Theo Tổng lãnh sự Úc tại TPHCM Mal Skelly (đứng, bên trái) thì sự thiếu hụt nguồn nhân lực tiếp tục là thách thức cho nền kinh tế Vn trong năm 2008

Mal Skelly, Tổng lãnh sự Úc tại TPHCM:

“Cần thực hiện kịp thời các cam kết WTO”

Đây là năm thứ ba tôi đón năm mới tại Việt Nam. Tôi dự định cùng một số người bạn đi chơi golf vào ngày đầu năm. Kể từ khi tôi đến Việt Nam, tôi đã chứng kiến nhiều sự kiện quan trọng diễn ra tại đất nước này như việc Việt Nam trở thành thành viên thứ 150 của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO). Năm 2007, thương mại hai chiều giữa Úc và Việt Nam đã đạt đến tầm cao mới và tăng 20%, đạt khoảng 5.9 tỉ đô-la Mỹ.

Úc hiện là nhà nhập khẩu lớn thứ ba của Việt Nam sau Mỹ và Nhật Bản, và Việt Nam hiện là đối tác thương mại lớn thứ 14 của Úc. Nhiều nhà đầu tư của chúng tôi đang đến tìm hiểu môi trường đầu tư của Việt Nam, và vốn đầu tư của Úc tại thị trường này cũng đang tăng lên và mở rộng ra nhiều ngành nghề.

Còn nhiều lĩnh vực tiềm năng khác tại Việt Nam mà các nhà đầu tư Úc chưa khai thác bao gồm dầu khí, năng lượng và khai khoáng. Tuy nhiên, nhiều nhà đầu tư cũng chia sẻ với tôi về những khó khăn mà họ đang gặp phải như hạ tầng quá tải, thách thức do thiếu nguồn nhân lực quá lớn, cải cách hành chính chưa như mong đợi và vấn đề tham nhũng.

Nhà đầu tư cũng lo ngại việc Việt Nam phát triển ngoài sự mong đợi nhưng quản trị doanh nghiệp còn yếu, nguồn thông tin hạn chế, và việc thực hiện các cam kế WTO của Việt Nam chưa rõ ràng. Đây là những vấn đề cũng đã được các hiệp hội doanh nghiệp trong nước và nước ngoài nêu ra gần đây. Chúng tôi biết rằng cần có thời gian để Việt Nam thực hiện cam kết WTO. Nhưng việc thực hiện kịp thời theo tinh thần tự do hóa thương mại của WTO sẽ là yếu tố quan trọng giúp tạo ra nhiều cơ hội kinh doanh mới, môi trường đầu tư tốt hơn và giúp Việt Nam tiếp tục thực hiện thành công trong việc mở cửa thị trường.       

Cuối cùng xin dành lời “Chúc Mừng Năm Mới!” cho tất cả mọi người.  

Ông Marco Saladini, Tham tán thương mại Ý tại TPHCM cho rằng sự yếu kém về cơ sở hạ tầng sẽ cản trở sự phát triển kinh tế

Marco Saladini, Tham tán thương mại Ý tại TPHCM:

“Bệnh quan liêu, thủ tục hành chính vẫn ảnh hưởng đến môi trường đầu tư”

Tôi đến Việt Nam vào tháng Sáu năm 2006 và chưa bao giờ đón năm mới tại Việt Nam. Năm nay, tôi cùng vợ ăn tối tại một nhà hàng Ý nổi tiếng tại TPHCM để đón mừng năm mới. 

Năm 2007 đi qua, đánh dấu một năm quan hệ Ý-Việt phát triển rất tốt. Tôi tin rằng đã đến lúc doanh nghiệp của hai nước đã hiểu nhau hơn và sẵn sàng phát triển mối quan hệ đối tác trong nhiều lĩnh vực như công nghiệp và hàng tiêu dùng.

Liên quan đến môi trường đầu tư, tôi nghĩ rằng vẫn tồn tại những vấn đề liên quan tới bệnh quan liêu, các thủ tục hành chính phức tạp và sự yếu kém trong kỹ năng quản lý mặc dù các nhà lãnh đạo Việt Nam đang làm việc hết mình để cải thiện môi trường đầu tư. Tôi cũng e ngại lạm phát cao tại Việt Nam không chỉ bắt nguồn từ giá xăng dầu và thực phẩm leo thang mà còn liên quan đến các vấn đề khác như chậm trễ trong việc hiện đại hóa ngành phân phối và cơ sở hạ tầng phát triển không đồng bộ với nền kinh tế.

Ồ! năm mới sắp tới, tôi chúc cho hai nước của chúng ta sẽ tiếp tục phát triển các mối quan hệ mà tôi vừa nêu ra. Cầu chúc hòa bình, thịnh vượng và sức khỏe tốt đến tất cả mọi người.  

Ông Colin Farah (phải), đại diện Hiệp hội doanh nghiệp Canada tại Việt Nam nói rằng thách thức trong năm 2008 vẫn là ô nhiễm môi trường

Colin Farah, Quyền chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Canada tại Việt Nam, Giám đốc phát triển kinh doanh của International SOS: 

“Ô nhiễm môi trường ảnh hưởng đến phát triển” 

Vào các năm trước, tôi đến Mũi Né để đón năm mới nhưng năm nay tôi ở lại TPHCM để đón năm mới và để dành ngày nghỉ phép cho kỳ nghỉ Tết vào tháng 2-2008. 

Nhìn chung, môi trường đầu tư tại Việt Nam khá tốt nhưng cũng cần một số điều chỉnh cho năm tới để càng trở nên tốt hơn. 

Theo quan điển của một doanh nhân thì tôi cho rằng nguồn nhân lực, luật pháp, cơ sở hạ tầng và lạm phát luôn là lĩnh vực đầy thách thức cho phát triển kinh tế của Việt Nam. Xét về quan điểm cá nhân, tôi lo lắng về mật độ giao thông tăng cao, ô nhiễm không khí và nguồn nước, và sự hạn chế các dịch vụ y tế.

Năm mới sắp tới, tôi cầu chúc cho độc giả của TBKTSG Online một năm mới thịnh vượng và hạnh phúc. 

MỘNG BÌNH thực hiện

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới