Thứ Năm, 18/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Quyền thụ hưởng bảo hiểm thất nghiệp phải được bảo đảm

Nguyễn Đước

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG) – Vào thời điểm cuối năm, gần Tết thì lại có hàng ngàn người lao động (NLĐ) bị mất việc làm do các doanh nghiệp thiếu đơn hàng, dẫn đến cắt giảm lao động. Điều đáng bức xúc là nhiều NLĐ đứng trước nguy cơ không thể làm thủ tục để hưởng trợ cấp thất nghiệp. Lý do, doanh nghiệp nợ đọng tiền bảo hiểm xã hội (BHXH), thậm chí là trốn đóng, và cơ quan BHXH không thể chốt sổ để NLĐ mang đi làm thủ tục hưởng bảo hiểm thất nghiệp hàng tháng.

Trên thực tế, tình trạng chây ì đóng BHXH tồn tại ở không ít doanh nghiệp. Nợ đọng BHXH thậm chí kéo dài qua nhiều năm, nhưng các cơ quan chức năng mà trực tiếp là cơ quan BHXH vẫn thiếu các biện pháp ngăn chặn.

Chính sách bảo hiểm thất nghiệp, ngoài sự hỗ trợ một phần từ ngân sách nhà nước, từ người sử dụng lao động (NSDLĐ), thì có cả phần đóng góp của NLĐ và khoản này thường được NSDLĐ chủ động khấu trừ trích nộp ngay từ nguồn tiền lương hàng tháng của NLĐ. Và như vậy, đến lúc NLĐ thất nghiệp (nghỉ việc hoặc mất việc), họ lại phải chịu thiệt thòi về các quyền lợi bảo hiểm chính đáng nhưng do hành vi trốn đóng, nợ đọng BHXH của phía NSDLĐ.

Thiết nghĩ, để đảm bảo quyền lợi của NLĐ thất nghiệp, cơ quan chức năng chuyên ngành BHXH ngoài việc chỉnh đốn công tác thanh tra, kiểm tra một cách thường xuyên và kịp thời hơn, cần có thêm những biện pháp linh hoạt.

– “Khoanh vùng” các đơn vị, doanh nghiệp có biểu hiện không tuân thủ nghiêm túc các quy định về BHXH, kiên quyết xử lý mạnh tay đối với những đơn vị này để tránh ảnh hưởng quyền thụ hưởng các chế độ, chính sách của NLĐ.

– Đối với các đơn vị, doanh nghiệp thực sự quá khó khăn, không thể một lúc khắc phục ngay việc đóng đủ BHXH, cơ quan BHXH cần cho phép họ “tạm ứng” – đóng trước phần tiền bảo hiểm thất nghiệp để kịp thời chốt sổ cho NLĐ bị mất việc.

– Đối với các đơn vị, doanh nghiệp khó khăn, không còn khả năng trả nợ BHXH hay thực hiện chính sách bảo hiểm thất nghiệp, cơ quan BHXH có thể kiến nghị cho phép làm thủ tục chốt sổ đối với thời gian đơn vị, doanh nghiệp và NLĐ đã đóng đầy đủ theo chế độ bảo hiểm thất nghiệp. Quỹ bảo hiểm thất nghiệp sẽ tính toán, cân nhắc và lên phương án hỗ trợ để NLĐ được hưởng chế độ, chính sách tương ứng với thời gian họ tham gia bảo hiểm, đảm bảo hỗ trợ kịp thời cho NLĐ thất nghiệp, giúp họ giảm bớt khó khăn trong đời sống, nhất là ở thời điểm “năm hết Tết đến”.

Không chỉ công nhân, nhiều nhân viên văn phòng cũng bị mất việc

Tình hình khó khăn đang “bủa vây” các doanh nghiệp. Tình trạng thất nghiệp vào thời điểm cuối năm đang lan rộng và không chỉ dừng lại ở nhóm công nhân trực tiếp sản xuất mà tới cả giới nhân viên, chuyên viên văn phòng.

Cháu tôi là một nhân viên văn phòng có thâm niên làm việc đã hơn hai năm. Cháu vừa thoát được đợt cắt giảm lao động cách nay hai tháng ở công ty nơi cháu làm việc (nhân sự bị cắt giảm nhiều nhất là ở bộ phận thiết kế và bộ phận kinh doanh), nhưng cháu lại không thoát được đợt cắt giảm mới đây, ngay vào lúc năm Dương lịch sắp kết thúc. Cháu tôi chưa dám báo tin cho cha mẹ cháu ở quê nhà biết. Tự cảm thấy từ nay cho đến Tết sẽ rất khó kiếm việc, cháu dự tính nộp hồ sơ xin chạy xe công nghệ tạm thời để kiếm sống, chờ qua Tết sẽ tìm công việc mới…

Chỗ tôi đang thuê trọ là trong một tòa nhà 6 tầng trên đường Lạc Long Quân, quận Tân Bình, TPHCM. Hầu hết những người trọ tại đây thuộc giới nhân viên văn phòng đang làm việc tại các đơn vị, doanh nghiệp. Nghe nói không ít người cũng đang lâm tình cảnh thất nghiệp mà phần lớn trong đó là những người trẻ tốt nghiệp ra trường vừa đi làm được vài năm như cháu của tôi. Một số khách trọ đã nhờ ban quản lý tòa nhà đăng thông báo bán lại các vật dụng trong nhà như tủ lạnh, bếp ga, bàn ghế, tủ, giường… Họ chuẩn bị trả phòng vì không có thu nhập thì không thể tiếp tục bám trụ lại thành phố, nhất là cũng đã cận thời điểm Tết Nguyên đán. Cũng có người nói sẽ tạm thời chạy xe công nghệ kiếm tiền trang trải cuộc sống và nuôi hy vọng qua Tết sẽ tìm được công việc khác tại thành phố.

Có vẻ như trong “kỷ nguyên của biến động”, con người nếu lỡ thất nghiệp, thay vì mang cảm giác chán chường thì cần biết cách đối mặt với thử thách. Cần xem những giai đoạn khó khăn trong đời người là cơ hội để nhìn nhận lại chính mình, bổ sung và hoàn thiện hơn nữa, để ngày càng bồi đắp nền tảng giúp bản thân quen dần với môi trường thay đổi và nâng cao khả năng thích nghi. Đó chính là kỹ năng sống cho mỗi người trong chuỗi tìm kiếm cho mình những cơ hội mới, việc làm mới nơi những môi trường làm việc tốt hơn, chuyên nghiệp hơn, tử tế hơn.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới