Thứ Bảy, 27/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

S&P: tín dụng châu Á vẫn khả quan

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

S&P: tín dụng châu Á vẫn khả quan

Hải Hà

S&P đánh giá triển vọng của Nhật Bản không khả quan. Ảnh: TL

(TBKTSG Online) – Hãng đánh giá tín dụng Standard & Poor (S&P) ngày 3-8 nhận định hầu hết các nước châu Á sẽ tiếp tục duy trì mức xếp hạng tín dụng cao, trừ Nhật Bản, bất chấp cuộc khủng hoảng nợ tại châu Âu và Mỹ.

Giám đốc xếp hạng tín dụng châu Á của S&P, ông Takahira Ogawa, cho biết việc châu Á nắm giữ trái phiếu kho bạc của Mỹ có thể bị ảnh hưởng nếu Mỹ bị hạ bậc xếp hạng tín dụng, song điều đó sẽ không ảnh hưởng tới xếp hạng tín dụng của các nước châu Á.

“Nhìn chung, nhà đầu tư hiện khá lạc quan về vấn đề tín dụng của các nước châu Á” – ông Ogawa nói và thêm rằng “Mức xếp hạng tín dụng của châu Á vẫn tiếp tục tăng, đặc biệt là khi so sánh với các nền kinh tế phát triển như khu vực đồng euro (eurozone) và Mỹ”.

Ông Ogawa cho biết khủng hoảng nợ ở châu Âu sẽ ảnh hưởng tới luồng vốn đầu tư và xuất khẩu của châu Á. Tuy nhiên, ông cho rằng cuộc khủng hoảng nợ châu Âu ít có khả năng ảnh hưởng tới các ngân hàng châu Á.

Về vấn đề nợ của Mỹ, ông cho rằng rủi ro lớn nhất là khả năng vỡ nợ, song điều này đã được ngăn chặn sau khi Mỹ ban hành luật nâng mức trần nợ. Tuy nhiên, rủi ro này mang tính chất lâu dài. Thị trường đang chờ đợi xem S&P có điều chỉnh giảm mức xếp hạng tín dụng của Mỹ hay không sau khi mức trần nợ công được nâng lên vào thời hạn chót 2-8 và tiên đoán Mỹ có thể bị hạ một bậc xấp hạng tín dụng.

Chuyển sang Nhật Bản, ông Ogawa cho biết, vấn đề nợ của nước này những tháng gần đây trở nên trầm trọng hơn nhưng chưa tới mức bị hạ bậc xếp hạng tín dụng. Tháng 4-2011, S&P duy trì mức xếp hạng tín dụng của Nhật Bản là AA- nhưng cho biết triển vọng không khả quan và cảnh báo có khả năng hạ mức xếp hạng của Nhật Bản bởi chi phí tái thiết khổng lồ sau thảm họa động đất và sóng thần hồi tháng 3-2011 có thể ảnh hưởng tới nguồn tài chính công vốn đã yếu kém đến mức chính phủ phải tính tới việc tăng thuế.

Nhiều nước châu Á như Indonesia, Philippine và Hàn Quốc…có tỷ lệ tài sản nước ngoài trong vốn dự phòng gia tăng nên nhạy cảm hơn với các cú sốc từ bên ngoài.

BlackRock, hãng quản lý tiền tệ lớn nhất thế giới, cũng cho biết các nền kinh tế châu Á đang trong tình trạng khá tốt dù còn một số mối lo như lạm phát và khả năng bị ảnh hưởng nếu khủng hoảng nợ ở phương Tây trầm trọng hơn.

(theo Reuters)

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới