Thứ Sáu, 26/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Tận dụng cơ hội từ dịch chuyển lao động trong AEC

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Tận dụng cơ hội từ dịch chuyển lao động trong AEC

Thùy Dung

Tận dụng cơ hội từ dịch chuyển lao động trong AEC
Du lịch là một trong 8 nhóm ngành nghề được tư do di chuyển – Ảnh: TL

(TBKTSG Online) – Việt Nam không phải là một nước có sức hấp dẫn để thu hút nhân tài, song khi lao động được tự do dịch chuyển trong AEC sẽ đáp ứng được cơn khát lao động có trình độ của các doanh nghiệp trong nước. Làm thế nào để hỗ trợ lao động di cư cũng như thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao là bài toán cần đặt ra hiện nay?

Việt Nam sẽ xuất khẩu hay nhập khẩu lao động?

Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) đã chính thức thành lập ngày 31-12-2015, và theo lý thuyết thì lao động có kỹ năng sẽ được tự do di chuyển, làm việc, định cư và được đối xử bình đẳng tại các nước thành viên.

Do đó, sẽ có nhiều cơ hội để người lao động dịch chuyển sang các nước khác và đáp ứng sự thiếu hụt nhân lực cho các quốc gia này, cải thiện thu nhập và tích luỹ những kinh nghiệm mới cho bản thân. Tuy nhiên, đến nay, các quốc gia mới bước đầu tập trung về dịch chuyển của lao động có kỹ năng, thông qua các Thoả thuận về công nhận tay nghề tương đương (MRA), tạo thuận lợi cho việc tự do di chuyển và quyền tự do làm việc tại các nước trong khu vực đối với 8 nhóm ngành nghề: bác sĩ, nha sĩ, hộ lý, kỹ sư, kiến trúc sư, kiểm toán viên, giám sát viên và nhân viên du lịch.

Theo Thứ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội (LĐTBXH) Doãn Mậu Diệp, 8 nhóm ngành nghề trên chỉ chiếm khoảng từ 1 đến 1,5% lực lượng lao động của Việt Nam nhưng đây đều là những vị trí việc làm tốt. Nếu lao động nước ngoài tràn vào chiếm lĩnh những vị trí này thì nhiều lao động Việt Nam sẽ buộc phải rời bỏ cuộc chơi.

Tuy nhiên, theo đánh giá của những người làm trong ngành tuyển dụng, Việt Nam sẽ là nước xuất khẩu lao động nhiều hơn là nhập khẩu lao động chất lượng cao. Ông Simon Matthews, Giám đốc của Manpower Group tại Việt Nam, Thái Lan và Trung Đông, nhận định lao động khi ra làm việc ở nước ngoài thường quan tâm tới hai vấn đề: tiền lương và các phúc lợi khác như nhà ở, sự thuận lợi để di chuyển gia đình, trường học cho con cái …

Trong các khảo sát của Manpower Group, khi người lao động di chuyển, họ muốn mức lương cao hơn từ 20-30% so với hiện tại cộng với các phúc lợi như di chuyển, nhà ở, bảo hiểm y tế, trường học cho con cái,…

Và vì vậy, người lao động Việt Nam sẽ không chuyển sang các quốc gia như Lào, Campuchia… mà sẽ muốn sang Malaysia, Singapore, Thái Lan làm việc.

Thực tế, theo đánh giá của bà Hà Thị Minh Đức, Phó vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế, Bộ LĐTBXH, so với các nước trong khu vực, mức độ an sinh xã hội và các chế độ phúc lợi của thị trường lao động Việt Nam thấp hơn, do đó cũng sẽ kém hấp dẫn lao động chất lượng cao hơn trong khối ASEAN.

Thực tế, theo báo cáo xếp hạng năng lực cạnh tranh nhân tài toàn cầu 2015-2016 (Global Talent Competitiveness Index – GTCI) do Trường đào tạo về kinh doanh INSEAD (Pháp) phối hợp cùng Tập đoàn dịch vụ tuyển dụng nhân sự Adecco (Thụy Sỹ) và Viện Human Capital Leadership Institute -HCLI (Singapore) thực hiện, so với một số nước khác trong khu vực Đông Nam Á như Singapore, Malaysia, Philippines và Thái Lan, thứ hạng về thu hút nhân tài Việt Nam năm nay còn khoảng cách khá xa.

Cụ thể, báo cáo cho thấy Malaysia được xếp hạng 30, Philippines 56, Thái Lan 69 và đặc biệt Singapore xếp thứ 2. Trong khối ASEAN này, báo cáo nghiên cứu cho thấy Việt Nam (thứ 82) chỉ được xếp hạng cao hơn Campuchia (96) và Indonesia (90) về thu hút nhân tài.

Theo đánh giá của ông Simon Matthews của Manpower Group, đối với Việt Nam, lĩnh vực dịch chuyển nhiều nhất sẽ tập trung ở người lao động bán lành nghề trong những ngành nghề mà thị trường đang thiếu hụt lao động chứ không nằm ở nhóm có kỹ năng cao.

Làm gì để lao động hưởng lợi từ AEC?

Theo ông Phạm Đỗ Nhật Tân, Phó chủ tịch Hiệp hội Xuất khẩu lao động Việt Nam, để nắm được cơ hội việc làm trong AEC thì việc đầu tiên là sớm thống nhất về chứng chỉ bằng cấp để làm sao lao động đào tạo ở Việt Nam có trình độ tương đương với lao động các nước trong cộng đồng ASEAN.

Bên cạnh đó, cần đổi mới cơ cấu giáo dục nghề nghiệp, gắn kết giữa đào tạo với thị trường lao động và sự tham gia của doanh nghiệp; đẩy mạnh hợp tác quốc tế về giáo dục nghề nghiệp. Trên cơ sở đó người lao động không chỉ được trang bị kỹ về trình độ chuyên môn, kiến thức mà cả các hiểu biết về môi trường làm việc, văn hóa xã hội và hệ thống luật pháp của nước tiếp nhận, để khi người lao động di chuyển sang có thể hòa nhập ngay với xã hội và môi trường công việc.

Đặc biệt, các cơ quan quản lý nhà nước cần có những giải pháp để định hướng, giúp cho người lao động hiểu được muốn làm việc tại các nước ASEAN, họ cần tự định hướng và có sự chuẩn bị chu đáo về kiến thức, trình độ chuyên môn và quy trình thủ tục để chủ động trong lựa chọn nước đến với công việc phù hợp. Cần minh định cơ quan nào là cơ quan có trách nhiệm hướng dẫn, cung cấp thông tin cho họ, cơ quan nào là đầu mối trong quản lý, thống kê và bảo vệ họ khi có các tranh chấp xảy ra…

Mặt khác, cũng cần đặt ra hàng rào để bảo vệ việc làm trong nước. Thực tế, bên cạnh luật chơi mà mọi nước phải tuân thủ khi tham gia khối AEC, thì nước tiếp nhận vẫn có thể đưa ra những quy định riêng để bảo vệ việc làm trong nước mà luật chơi không cấm. Thí dụ, nước tiếp nhận có thể đưa thêm điều kiện phải biết ngôn ngữ của nước đó.

Cuối cùng, theo ông Tân, việc di cư của lao động có tay nghề chuyên môn đang và sẽ chỉ đại diện cho một số lượng rất nhỏ người lao động di cư trong khu vực Đông Nam Á.

Về lâu dài, sự đóng góp của người lao động di cư có tay nghề thấp và tay nghề trung bình sẽ phải được lưu ý. Vì vậy, đón trước xu hướng này, cần chủ động trang bị cho người lao động thuộc nhóm này một các bài bản hơn các kỹ năng cần thiết về tay nghề, ngoại ngữ, luật pháp và văn hóa doanh nghiệp để họ có thể vững vàng hội nhập khi loại hình lao động này được tự do di chuyển giữa các nước thành viên ASEAN, vì đây là một xu hướng tất yêu mà chúng ta cần chủ động hướng tới, ông Tân nói.

Đọc thêm:

Việt Nam tụt hạng về cạnh tranh tài năng toàn cầu

Lao động vẫn chưa thể tự do di chuyển trong AEC

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới