Thứ Sáu, 19/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

TPHCM sẽ ngừng các trạm y tế lưu động trong tháng 5-2022

Minh Thảo

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) – Hiện nay, tại các bệnh viện dã chiến 3 tầng ở TPHCM không còn số ca bệnh nặng. Vì vậy, TPHCM sẽ tiếp tục rút gọn những cơ sở thu dung điều trị Covid-19; đồng thời sẽ không tồn tại trạm y tế lưu động. Các quận, huyện sẽ chủ động chọn ngày ngưng hoạt động trong tháng 5-2022.

Buổi họp thường kỳ về tình hình kinh tế – xã hội, quốc phòng – an ninh và triển khai nhiệm vụ tháng 5-2022 do UBND TPHCM tổ chức vào ngày 26-4.

Ba tuần liên tiếp TPHCM không có ca tử vong do Covid-19

Thông tin về tình hình dịch Covid-19 tại buổi họp thường kỳ về tình hình kinh tế – xã hội, quốc phòng – an ninh và triển khai nhiệm vụ tháng 5-2022 của UBND TPHCM vào ngày 26-4, PGS. TS. BS. Tăng Chí Thượng, Giám đốc Sở Y tế TPHCM, cho biết hiện nay, số ca mắc mới mỗi ngày trên địa bàn thành phố chỉ dưới 100 ca và số ca thở máy xâm lấn còn 23 ca. Các ca mắc chủ yếu là biến chủng Omicron.

Đáng chú ý, tính đến ngày hôm nay (26-4), TPHCM đã trải qua ba tuần liên tiếp không có ca tử vong do Covid-19. Hiện số ca mắc Covid-19 đã giảm sâu, đặc biệt tại các bệnh viện dã chiến đa tầng không còn số ca mắc nặng.

Vì vậy, sau kỳ nghỉ lễ 30-4 và 1-5, “ngành y tế của thành phố sẽ rút gọn các bệnh viện thu dung điều trị Covid-19; đồng thời sẽ không tồn tại trạm y tế lưu động vì hiện mỗi trạm tại các địa phương quản lý chưa đến 20 F0. Sở Y tế sẽ để các quận, huyện và thành phố Thủ Đức chủ động dừng hoạt động của các trạm y tế lưu động trong tháng 5-2022”, ông Chí Thượng cho hay.

Đối với các bệnh viện dã chiến 3 tầng cũng chỉ duy trì một bệnh viện. Riêng Bệnh viện dã chiến điều trị bệnh nhân Covid-19 đa tầng tại quận Tân Bình cũng sẽ ngừng hoạt động ở tầng 3 vì không còn ca nặng.

Hiện nay, các bệnh viện trên địa bàn TPHCM đã chuyển đổi công năng, đều có những khoa, đơn vị điều trị Covid-19 để sẵn sàng cách ly bệnh nhân tại bệnh viện. Sở Y tế TPHCM cũng khuyến khích các bệnh viện sử dụng cơ sở hạ tầng mà không phải trả công năng cho các đơn vị khác thì có thể duy trì hoạt động thêm một thời gian tới.

Về việc tiêm vaccine phòng Covid-19 cho trẻ em từ 5 đến dưới 12 tuổi, đến nay đã thực hiện tiêm trên 172.000 trẻ tại 140 trường học, với hơn 300 đội tiêm. Ngành y tế không tiêm ồ ạt để bảo đảm an toàn cho trẻ. Trong quá trình tiêm vaccine vừa qua, tại TPHCM cũng đã xảy ra một số phản ứng sau tiêm nhưng do lường trước nên trẻ đều được xử lý kịp thời và an toàn.

Theo ông Tăng Chí Thượng, Giám đốc Sở Y tế TPHCM, hiện số ca mắc mới mỗi ngày tại TPHCM dưới 100 ca và chủ yếu là biến chủng Omicron.

Gần 4.500 ca mắc sốt xuất huyết, TPHCM cảnh báo nguy cơ dịch bùng phát

Cũng tại buổi họp, ông Tăng Chí Thượng, Giám đốc Sở Y tế TPHCM cho biết tình hình sốt xuất huyết tại TPHCM đang ở mức đáng báo động. Tính đến giữa tháng 4, TPHCM đã ghi nhận gần 4.500 ca mắc sốt xuất huyết Dengue; trong đó có 109 ca nặng đang điều trị tại các bệnh viện.

Đây là số liệu báo động vì so sánh với năm 2019, năm sốt xuất huyết bùng phát thành dịch vớ hơn 20.000 ca mắc thì số ca bệnh nặng cũng chỉ là 38 ca.

Với số ca mắc sốt xuất huyết nặng gia tăng trong thời gian gần đây, các chuyên gia nhận định khả năng cao là số mắc bệnh có thể nhiều hơn được số ca ghi nhận. Hiện TPHCM có 109 ca nặng và hai trường hợp tử vong vì sốt xuất huyết là một phụ nữ mang thai và một trẻ em. Nguyên nhân dẫn đến tử vong do phát hiện và nhập viện trễ, ông Thượng cho hay.

TPHCM đã ghi nhận gần 4.500 trường hợp mắc sốt xuất huyết phải nhập viện điều trị và đã có hai trường hợp tử vong. Nguồn: HCDC

Giám đốc Sở Y tế TPHCM dự báo tình hình sốt xuất huyết có thể diễn biến phức tạp trong năm nay. Đặc biệt là sau hai năm, thành phố dồn toàn lực cho dịch bệnh Covid-19 và đang bước vào giai đoạn bình thường mới.

Để ứng phó với dịch sốt xuất huyết trên địa bàn thành phố, ông Thượng cho biết đã chỉ đạo Bệnh viện Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Nhi đồng 1, Bệnh viện Nhi đồng 2, Bệnh viện Nhi đồng Thành phố, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TPHCM (HCDC) triển khai tập huấn cho nhân viên y tế để nhận diện sớm bệnh sốt xuất huyết, tránh bỏ sót gây chậm trễ trong việc điều trị.

Các biện pháp dự phòng cần được triển khai ngay trong đó có biện pháp xử phạt cá nhân, đơn vị không thực hiện các biện pháp phòng chống dịch bệnh theo Nghị định 117. Sở Y tế sẽ thực hiện kiểm tra hoạt động phòng chống sốt xuất huyết tại các quận huyện trong thời gian sắp tới.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới