Thứ Hai, 13/05/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Tranh cãi xung quanh chuyện xem xét bổ nhiệm giáo sư

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Tranh cãi xung quanh chuyện xem xét bổ nhiệm giáo sư

Yên Minh

(TBKTSG Online) – Trong hai ngày qua, một trong những thông tin thu hút nhiều sự chú ý và gây ra nhiều cuộc tranh luận trên các diễn đàn, mạng xã hội là kết quả việc rà soát công tác bổ nhiệm chức danh giáo sư, phó giáo sư năm 2017. Việc rà soát này xuất phát từ yêu cầu của Thủ tướng, trước thực trạng con số của năm 2017 tăng cao kỷ lục.

Tranh cãi xung quanh chuyện xem xét bổ nhiệm giáo sư
Nhiều ý kiến cho rằng quy trình thực hiện việc xét tiêu chuẩn giáo sư, phó giáo sư vẫn chưa đảm bảo khách quan, mặc dù được thực hiện qua ba vòng xét duyệt với nhiều lần bỏ phiếu.

Trước đó, vào tháng 1-2018, Hội đồng chức danh giáo sư Nhà nước, do Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo làm Chủ tịch, đã công bố danh sách các ứng viên đủ tiêu chuẩn chức danh giáo sư và phó giáo sư năm 2017 với 1.226 người. Theo TTXVN, con số này tăng gần 60% so với số 702 người đạt chuẩn các chức danh này năm 2016 và cao kỷ lục trong hơn 40 năm qua.

Việc số lượng người đạt chuẩn chức danh giáo sư, phó giáo sư tăng đột biến đã khiến dư luận có nhiều ý kiến lo ngại về chất lượng và quy trình xét duyệt.

Sau đó, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã yêu cầu Bộ Giáo dục và Đào tạo, Hội đồng chức danh giáo sư Nhà nước rà soát kỹ lưỡng hoạt động bổ nhiệm giáo sư, phó giáo sư, nghiêm túc xem xét, rà soát kỹ lưỡng bảo đảm chất lượng theo quy định.

Ngày 1-3, trong báo cáo gửi đến Thủ tướng Chính phủ kết quả việc rà soát quy trình xét công nhận đạt chức danh giáo sư, phó giáo sư năm 2017, lãnh đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết việc ứng viên chức danh giáo sư, phó giáo sư tăng đột biến là do thời gian kết thúc nộp hồ sơ năm 2017 dài thêm 6 tháng theo quy chế mới, nên số ứng viên đủ điều kiện tăng lên. Liên quan đến chất lượng ứng viên, lãnh đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo khẳng định, chất lượng năm 2017 nhìn chung tăng so với năm trước.

Sau khi rà soát, Hội đồng đã tạm để lại 129 hồ sơ giáo sư, phó giáo sư của tất cả các ngành, trong đó có 29 hồ sơ (9 giáo sư và 20 phó giáo sư) của ngành y tế. Đặc biệt, trong số này có cả hồ sơ của Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến. Việc này đã gây ra một cuộc tranh cãi khi một số thành viên trong Hội đồng chức danh giáo sư, phó giáo sư của ngành y đã bày tỏ bức xúc về việc hồ sơ giáo sư của Bộ trưởng Bộ Y tế bị nằm trong danh sách xem xét lại.

Bên cạnh đó, nhiều ý kiến cho rằng để han chế tình trạng “lạm phát" giáo sư, phó giáo sư thì Việt Nam hãy làm điều tương tự như các quốc gia phát triển đã làm: trả học hàm giáo sư (có thời hạn) về đúng vị trí là ở trong môi trường đại học, các cơ sở đào tạo-giáo dục.

Mời bạn đọc chia sẻ quan điểm xung quanh vấn đề này.
 

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới