Thứ Ba, 14/05/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Trung Quốc muốn cấm buôn bán và tiêu thụ động vật hoang dã

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Trung Quốc muốn cấm buôn bán và tiêu thụ động vật hoang dã

Chánh Tài

(TBKTSG Online) – Hôm 17-2, Tân Hoa xã đưa tin, tại cuộc họp vào ngày 24-2 tới, Ủy ban thường vụ Quốc hội Trung Quốc sẽ thảo luận và xem xét thông qua quy định cấm buôn bán và tiêu thụ động vật hoang dã.

Vấn đề này được đưa ra giữa lúc có nhiều thông tin nói rằng hoạt động buôn bán động vật hoang dã có liên quan đến cơn bùng phát dịch virus corona chủng mới (Covid-19) gây viêm phổi cấp mà cho đến nay đã khiến 1.869 người tử vong ở Trung Quốc (tính đến 20 giờ ngày 18-2).

Chính sách kinh tế toàn cầu phụ thuộc vào ứng phó của Trung Quốc với Covid-19

Nguy cơ Covid-19 lan rộng khi 3.000 khách du thuyền trở về hơn 40 nước

Trung Quốc muốn cấm buôn bán và tiêu thụ động vật hoang dã
Thịt bò Tây Tạng được bán ở một khu chợ tại Bắc Kinh, Trung Quốc hôm 15-1. Ảnh: Getty

Thói quen khó bỏ

Trong hai tuần qua, cảnh sát Trung Quốc đã bắt giữ gần 700 người bị cáo buộc vi phạm lệnh cấm tạm thời săn bắt, bán hoặc ăn động vật hoang dã được ban hành sau khi Covid-19 bùng phát.

Chiến dịch trấn áp này đã tịch thu 40.000 động vật hoang dã bao gồm sóc, chồn và lợn rừng. Số lượng lớn động vật hoang dã bị thu giữ này cho thấy sự ưa chuộng của người dân Trung Quốc đối với việc ăn động vật hoang dã và sử dụng các bộ phận của chúng cho mục đích trị bệnh. Thói quen này không thể biến mất trong một đêm, dù đây được cho nguyên nhân khiến dịch Covid-19 bùng phát.

Các nhà khoa học nghi ngờ Covid-19 lây từ dơi sang người thông qua vật chủ trung gian tê tê, một loài động vật có vú nhỏ, ăn kiến và có vảy, được đánh giá cao trong y học cổ truyền Trung Quốc.

Một số ca nhiễm Covid-19 sớm nhất xuất hiện ở những người có tiếp xúc với một khu chợ hải sản ở TP. Vũ Hán, nơi bán dơi, rắn, chồn hương và các động vật hoang dã khác.

Trung Quốc ra lệnh tạm thời đóng cửa tất cả các chợ như vậy vào tháng 1 và cảnh báo thói quen ăn động vật hoang dã gây ra mối đe dọa đối với sức khỏe và sự an toàn của cộng đồng.

Quyết định đó có thể không đủ để thay đổi thị hiếu hoặc thái độ đối với việc sử dụng động vật hoang dã như thực phẩm hoặc thuốc chữa bệnh vốn đã bén rễ sâu trong văn hóa và lịch sử của đất nước này.

Những người buôn bán hợp pháp các động vật hoang dã như lừa, hươu, cá sấu… ở Trung Quốc nói với hãng Reuters rằng họ sẽ quay trở lại kinh doanh ngay khi thị trường mở cửa trở lại.

Gong Jian, chủ một cửa hàng động vật hoang dã trực tuyến và đang điều hành các cửa hàng chuyên bán động vật hoang dã ở Khu tự trị Nội Mông Cổ nói: “Người dân thích mua động vật hoang dã. Họ mua để ăn hoặc làm quà tặng vì nó khiến người được tặng quà hãng diện”.

Gong Jian nói rằng anh đang trữ thịt cá sấu và thịt nai trong những chiếc tủ đông lớn nhưng sẽ phải giết tất cả những con chim cút mà anh đã nuôi vì siêu thị không mua trứng chim cút nữa.

Wang Song, một nhà nghiên cứu đã nghỉ hưu từ Viện Động vật học thuộc Viện Hàn lâm khoa học Trung Quốc, nói: “Trong mắt nhiều người dân Trung Quốc, động vật sinh ra để phục vụ nhu cầu của cho người, chứ không phải sống chung với con người”.

Đà lây lan nhanh của dịch Covid đã làm bùng dậy trở lại một cuộc tranh luận ở nước này về việc sử dụng động vật hoang dã làm thực phẩm và thuốc. Cuộc tranh luận này đã từng rộ lên vào năm 2003 trong quá trình lây lan của dịch SARS (gây hội chứng hô hấp cấp tính) được cho là lây truyền từ dơi sang người thông qua vật chủ trung gian chồn hương.

Nhiều học giả, chuyên gia bảo vệ môi trường hoang dã và người dân đang hòa cùng tiếng nói của các nhóm bảo tồn quốc tế để kêu gọi cấm vĩnh viễn buôn bán động vật hoang dã và đóng cửa các chợ buôn bán động vật hoang dã ở Trung Quốc. Các cuộc tranh luận trực tuyến, nơi có đa số cư dân mạng là những người trẻ, rất ủng hộ lệnh cấm vĩnh viễn này.

“Một thói quen xấu là chúng ta dám ăn bất cứ thứ gì. Chúng ta phải ngừng ăn động vật hoang dã và những người ăn chúng nên bị kết án tù”, một cư dân mạng tên Sun bình luận trên một diễn đàn thảo luận của mạng tin tức Sina, Trung Quốc.

Lợi dụng giấy phép nuôi động vật hoang dã để buôn bán trái phép

Cảnh sát tịch thu các sản phẩm từ động vật hoang dã tại một cửa hàng ở tỉnh An Huy, Trung Quốc hôm 9-1. Ảnh: AP

Điều đáng nói là việc nuôi và buôn bán động vật hoang dã ở Trung Quốc được chính phủ ủng hộ và điều này tạo ra lợi nhuận béo bở, khoảng 20 tỉ đô la, theo một báo cáo vào năm 2016, cho nhiều người.

Sau dịch SARS, Cục Lâm nghiệp quốc gia Trung Quốc đã củng cố giám sát hoạt động buôn bán động vật hoang dã đồng thời cấp giấy phép nuôi và buôn bán đối với 54 loại động vật hoang dã bao gồm chồn hương, rùa, cá sấu và cấp phép nuôi các động vật nguy cấp như gấu, hổ, tê tê… cho mục đích bảo tồn đời sống hoang dã và bảo vệ môi trường.

“Cơ quan quản lý lâm nghiệp ở Trung Quốc từ lâu ủng hộ tiêu thụ động vật hoang dã. Cơ quan này kiên quyết cho rằng Trung Quốc phải có quyền sử dụng tài nguyên động vật hoang dã cho mục đích phát triển”, Peter Li, chuyên gia chính sách Trung Quốc của Hiệp hội Quốc tế về đối xử nhân đạo với động vật (HSI), nói.

Phần lớn hoạt động nuôi và buôn bán động vật hoang dã được tổ chức ở các vùng nông thôn hoặc khu vực nghèo khó nhờ sự khuyến khích của nhà chức trách địa phương vì họ xem điều đó hỗ trợ cho nền kinh tế địa phương. Các chương trình truyền hình nhà nước thường xuyên phát những phóng sự về những người nuôi động vật hoang dã, bao gồm cả chuột để phục vụ mục đích thương mại.

Tuy nhiên, nhiều nhà hoạt động bảo vệ đời sống hoang dã cho rằng các trang trại nuôi động vật hoang dã được cấp phép thực chất là bình phong để che giấu hoạt động buôn bán động vật hoang dã trái phép, nơi chúng được nuôi để làm thực phẩm và các phương thuốc cổ truyền, chứ không nhằm mục đích bảo tồn.

Zhou Jinfeng, Giám đốc Quỹ Phát triển xanh và bảo tồn đa đạng sinh học của Trung Quốc, nói: “Không có trang trại nuôi tê tê để bảo tồn loài này ở Trung Quốc. Họ chỉ sử dụng giấy phép để làm những điều bất hợp pháp”.

Cơ quan Điều tra môi trường, một tổ chức phi chính phủ ở London (Anh), nói rằng trên thực tế, dịch Covid-19 góp phần thúc đẩy hoạt động buôn bán động vật hoang dã bất hợp pháp vì một số thương nhân ở Trung Quốc và Lào đang bán thuốc bào chế từ sừng tê giác để giúp giảm sốt.

Theo Reuters, SCMP

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới