Thứ Sáu, 26/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Tự chăm sóc sức khỏe giúp tiết kiệm 4 tỉ đô la mỗi năm

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Tự chăm sóc sức khỏe giúp tiết kiệm 4 tỉ đô la mỗi năm

Dũng Nguyễn

(TBKTSG Online) – Lợi ích kinh tế thường niên từ việc tự chăm sóc sức khỏe mang lại cho Việt Nam ước đạt trên 4 tỉ đô la. Trong khi đó, các bệnh lý do lối sống chiếm đến 75% và 80% các ca bệnh, đều thuộc vào nhóm bệnh có thể phòng ngừa.

Tự chăm sóc sức khỏe giúp tiết kiệm 4 tỉ đô la mỗi năm
Hội nghị trực tuyến giới thiệu báo cáo đầu tiên về thị trường Tự chăm sóc sức khỏe của người Việt, được KPMG Việt Nam thực hiện dưới tài trợ của Sanofi. Ảnh: BTC.

Phòng bệnh hơn chữa bệnh

Ngày 21-8, công ty KPMG Việt Nam cùng hãng dược Sanofi Việt Nam tổ chức hội nghị trực tuyến, công bố báo cáo “Sức mạnh của việc Tự Chăm sóc Sức khỏe-Nỗ lực hướng đến mục tiêu bao phủ sức khỏe toàn dân”, được cho là nghiên cứu đầu tiên về lĩnh vực tự chăm sóc sức khỏe tại Việt Nam.

Tự chăm sóc sức khỏe có nghĩa là trách nhiệm của từng cá nhân, tự lo cho nhu cầu thể chất, tự kiểm soát các vấn đề bệnh lý nhẹ cũng như các chứng bệnh mãn tính. Khái niệm này áp dụng cho cả lĩnh vực thể chất và sức khỏe tâm thần.

“Đây là quá trình trao quyền cho mỗi cá nhân tự chăm sóc sức khỏe một cách hiệu quả và thuận tiện, phối hợp với sự hỗ trợ của các chuyên gia chăm sóc sức khỏe khi cần thiết. Với những dẫn chứng khoa học và lợi ích mà mô hình này đem lại cho bệnh nhân, chính phủ và ngành y tế, đó là động lực để Sanofi đồng hành cùng KMPG để giới thiệu nghiên cứu này”, bà Penn Policarpio, Tổng giám đốc, Khối ngành hàng Chăm sóc sức khỏe người tiêu dùng, Sanofi Việt Nam và Campuchia, chia sẻ tại Hội nghị trực tuyến.

DALY là "Số năm sống" được điều chỉnh theo mức độ bệnh tật, là thước đo gánh nặng bệnh tật tổng thể được biểu thị bằng số năm bị mất đi do sức khỏe kém, khuyết tật hoặc chết sớm, theo WHO.

Theo WHO, "Tự chăm sóc sức khỏe" là việc nâng cao, cải thiện sức khỏe, phòng chống tật bệnh, duy trì trạng thái thể chất lành mạnh, thích nghi với bệnh tật và các khuyết tật của từng cá nhân, từng gia đình, từng cộng đồng cho dù có hoặc không có sự hỗ trợ của chuyên viên hay cơ sở chăm sóc y tế.

Theo bản báo cáo của KPMG, nếu Việt Nam vận dụng các chính sách thúc đẩy việc tự chăm sóc sức khỏe lên mức độ gần bằng hoặc tương đương với các thị trường khác trên toàn cầu, Việt Nam có thể tiết kiệm được từ 2,5-4,2 tỉ đô-la Mỹ mỗi năm. Đến năm 2025, hiệu quả kinh tế ước tính tăng lên đến con số 6 tỉ đô Mỹ.

Các chuyên gia cho rằng phòng bệnh tốt và can thiệp sớm sẽ đỡ tốn kém hơn so với việc điều trị. Khi khỏe mạnh và biết tự chăm sóc, sẽ giảm tải số ngày nghỉ học, nghỉ làm vì bệnh, chi phí y tế cũng giảm thiểu, từ đó nâng cao số ngày khỏe mạnh và lao động hiệu quả tăng lên sẽ kích thích GDP tăng trưởng.

Bên cạnh đó, việc tự chăm sóc sức khỏe có thể được xem là biện pháp can thiệp tuyến đầu trước khi tiến hành các biện pháp khác. Theo đó, các nghiên cứu đối chiếu với một số nước có hoàn cảnh tương tự đã chứng minh thực tế là những người thực hiện việc tự chăm sóc sức khỏe có thể tiết kiệm được đến 25% viện phí.

Ngoài ra, báo cáo cũng cho thấy việc tăng cường cơ hội tiếp cận với thuốc không kê toa, dự kiến giúp các hệ thống y tế các quốc gia giảm khoảng 10% tổng chi phi phí y tế.

Khái niệm chăm sóc sức khỏe bản thân trên thực tế không mới, người Việt Nam đã và vẫn đang thực hiện thường xuyên, chẳng hạn như sử dụng thuốc đông y hoặc mua thuốc trên mạng. Ở khu vực thành thị, có đến 76% người Việt Nam thực hiện việc Tự chăm sóc sức khỏe, con số này ở khu vực nông thôn là 60%.

Theo chia sẻ của các chuyên gia, người Việt sống ở thành thị đang dần dà thành hình những thói quen tốt, như thường xuyên đi khám sức khỏe tổng quát (hệ quả từ các chương trình bảo hiểm y tế quốc gia cũng như bảo hiểm tại nơi làm việc), hay tăng cường tập luyện thể dục thể thao.

Người Việt Nam ngày càng có nhận thức tốt hơn về sức khỏe tiêu hóa và sức khỏe dinh dưỡng. Người Việt thường dùng các loại thuốc bổ hay thảo dược có tác dụng tăng cường sức khỏe thể chất, đây là ngành đạt chỉ số CAGR 10,6%.

“Tuy nhiên, các hoạt động này vẫn chưa có tính chính quy, cho nên không thể khai thác tối đa tiềm năng của việc tự chăm Sóc sức khỏe, đó là chưa kể các biện pháp tự phát có nguy cơ gây hại nếu người dân áp dụng không đúng. Việc lựa chọn thuốc sai, hiện tượng kháng thuốc, tác dụng phụ hay tình trạng tương tác dược động học, chưa kể việc chẩn đoán bệnh bị sai và chậm trễ chăm sóc y tế. Tất cả đều là rủi ro rất thực tế”, báo cáo cũng nêu lên thực trạng và thách thức về thói quen tự chăm sóc sức khỏe của người Việt Nam.

Thách thức với hệ thống y tế Việt Nam

Về tổng thể, chi tiêu cho lĩnh vực chăm sóc sức khỏe ở Việt Nam ước đạt 22,7 tỉ đô la, dự báo sẽ đạt mức CAGR 12,5% trong vài năm tới. Với khuynh hướng nhân khẩu học sắp tới, áp lực sẽ còn gia tăng hơn nữa.

Thống kê cho thấy mức chi trả bằng tiền túi cho dịch vụ y tế của Việt Nam chiếm đến 45% tổng chi tiêu y tế (so với chỉ số mục tiêu được Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) khuyến nghị chỉ là 20%), trong khi đó gần phân nửa số lượt thăm khám ngoại trú đều dồn về các bệnh viện.

Bệnh viện ở Việt Nam cũng là nơi tập trung thực hiện hầu hết các hoạt động y tế như xét nghiệm và kê đơn, đồng thời phải chịu đến 95% chi phí bảo hiểm y tế toàn quốc.

Cơ cấu tổ chức chưa hiệu quả nhiều khả năng sẽ dẫn tới tình trạng lãng phí ngân sách y tế, đồng thời tạo ra gánh nặng tài chính rất lớn đặt lên hộ gia đình.

Báo cáo cho thấy xấp xỉ 1/5 số gia đình người Việt phải chi hơn 10% thu nhập cho các mục tiêu có liên quan đến sức khỏe và y tế; khoảng 10% trong số gia đình còn lại phải chi ra đến hơn 25% thu nhập cho hạng mục này.

Có khoảng 2,5% các hộ gia đình, tức là khoảng hai triệu người Việt Nam, vẫn đang sống dưới ngưỡng nghèo vì phải chịu nhiều gánh nặng chi phí chăm sóc y tế khẩn cấp.

"Nếu Việt Nam không tìm ra các mô hình chăm sóc sức khỏe mới, tình trạng lệ thuộc và đổ dồn trách nhiệm quá mức cho hệ thống bệnh viện sẽ nhanh chóng làm cạn kiệt nguồn ngân sách hiện có của đất nước”, báo cáo nêu rõ.

Báo cáo cũng đưa ra khuyến nghị cần phải mở rộng phạm vi bao phủ của chương trình Bảo hiểm Quốc gia, đảm bảo chi trả cho các dịch vụ chăm sóc sức khỏe thiết yếu liên quan đến các hoạt động phòng chống bệnh tật, chẳng hạn như hỗ trợ cai thuốc, tư vấn về dinh dưỡng.

Ngoài ra, báo cáo cũng khuyến nghị cần mở rộng kênh nhà thuốc, tăng cường khả năng tiếp cận các loại thuốc không kê đơn, cũng như bổ sung thêm các phương tiện chăm sóc y tế kỹ thuật số mới mẻ, hiện đại, đặc biệt là đối với khu vực vùng sâu vùng xa.

Bên cạnh việc nâng cao nhận thức và thúc đẩy lối sống lành mạnh, chính phủ cũng như các doanh nghiệp tư nhân, có thể đẩy mạnh xu hướng ứng dụng nền tảng kỹ thuật số trong vấn đề chăm sóc sức khỏe, chẳng hạn như các ứng dụng theo dõi, quản lý hồ sơ sức khỏe điện tử.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới